Thứ Năm, 16/04/2020 06:29

Thúc đẩy thị trường tái chế, tái sử dụng

So với trước, lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có chất thải rắn (CTR) giờ đây ngày càng gia tăng. Điều đó dễ hiểu, bởi khi đời sống vật chất của người dân được nâng lên, nhu cầu mua đồ dùng mới, thay mới do hư hỏng hay muốn "lên đời" đã xuất hiện những loại rác gia dụng "cồng kềnh", như chăn nệm, bàn ghế...

Tại nguồn, rồi sao nữa…?

Học sinh huyện A Lưới với hoạt động truyền thông giúp cộng đồng ý thức sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường

Theo tính toán của cơ quan chức năng địa phương, hiện bình quân mỗi ngày ở TP. Huế và vùng lân cận đã phát sinh từ 350-400 tấn/ngày; trong đó CTR chiếm tỷ lệ không nhỏ. Hiện nay, không riêng ở Thừa Thiên Huế việc thu gom, xử lý loại rác này đang là bài toán nan giải.

Các chuyên gia đánh giá lượng CTR (bao gồm các phế loại vật dụng sinh hoạt, thủy tinh, nhựa...) đang đáng báo động về tình trạng ô nhiễm và đưa ra dự báo khi dân số Việt Nam vượt 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu tăng 10%, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng. Do đó, lượng rác thải xả ra môi trường sẽ tăng theo. Dự báo, tổng khối lượng CTR đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.

Để thực hiện công tác quản lý CTR, nhiều quốc gia đã ban hành khung pháp lý, đưa ra các chính sách tăng cường tái chế để thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu chất thải. Ở một số nước phát triển, như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... ban hành nhiều đạo luật thúc đẩy tái chế chất thải, như: Tái chế thực phẩm, tái chế container và bao bì, tái chế các loại thiết bị gia dụng, tái chế phương tiện hết hạn, tuần hoàn tài nguyên xe cộ và sản phẩm điện và điện tử...

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc tái chế, tái sử dụng CTR là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện các chính sách về kinh tế chất thải.

Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, thời gian qua đã, đang thực hiện nhiều chương trình môi trường xanh, công trình xanh; hoạt động thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, song quy mô còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, chưa đem lại chuyển biến lớn.

Các chuyên gia về môi trường chỉ ra rằng, muốn duy trì có hiệu quả mô hình này đòi hỏi một thị trường tái chế CTR có sự tham gia của các chủ thể dựa trên nhu cầu về nguồn cung và sử dụng các sản phẩm tái chế, như: cơ sở thu gom chất thải, các nhà máy tái chế và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ hộp, giấy, dệt, vật liệu xây dựng...

Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế, nhiều nước cũng đã áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích thông qua chương trình mua sắm công. Có nghĩa, Nhà nước và các cơ quan nhà nước sẽ là nhóm khách hàng tiêu thụ tiên phong, tiếp đó là tới doanh nghiệp, người dân. Các sản phẩm tái chế được gắn nhãn xanh hoặc logo, biểu tượng đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Cùng với đó, chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế... sẽ giúp các sản phẩm tái chế có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường.

Bên cạnh hướng đến thúc đẩy tái chế, ngành môi trường đang áp dụng công cụ luật, kiểm soát, giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức và công cụ tài chính trong quản lý CTR. Có thể, tăng thuế sản phẩm bao bì khó phân hủy, ký quỹ bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp có phát sinh nguồn thải, tác động đến môi trường trong quá trình hoạt động...

Bài, ảnh: Song Minh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.

Thúc đẩy hợp tác điều trị nhi khoa với các giáo sư Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác điều trị nhi khoa với các giáo sư Nhật Bản

Ngày 16/2, Giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp đón đoàn Giáo sư Hiroyuki Shichino đến từ Nhật Bản. Đây là chuyến viếng thăm ở cương vị Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện NCGM của Giáo sư Hiroyuki Shichino trước khi ông nghỉ hưu.