Thứ Bảy, 14/03/2020 09:06

Tại nguồn, rồi sao nữa…?

Lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn chắc chắn là sẽ tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, hạn chế được tình trạng lạm dụng...

Phải dần từng bước và xây dựng một lộ trình phù hợp, nhất là việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng -  đó là câu trả lời theo cách hiểu của tôi khi những người hàng xóm trao đổi, đặt câu hỏi về việc phân loại rác tại nguồn. Điều này diễn ra sau khi họ xem/đọc được những thông tin mới nhất về việc TP. Huế cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức khởi động việc phân loại rác tại nguồn vào sáng chủ nhật vừa qua.

Thực ra, việc phân loại rác tại nguồn không phải là quá xa lạ trong cuộc sống. Các nước phát triển đã thực hiện điều này từ lâu. Lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn chắc chắn là sẽ tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, hạn chế được tình trạng lạm dụng và phụ thuộc vào khai thác thiên nhiên. Đồng thời, sẽ tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn dựa trên sự thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế. Mặt khác, điều này sẽ là tác động cơ hữu đến việc giảm bớt sự ô nhiễm môi trường, cũng như giảm áp lực cho việc phát sinh nhu cầu ngày càng lớn về các bãi chôn lấp trên tất cả các khu vực dân cư.

Một số liệu ước tính cho thấy, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải (con số này ở Thừa Thiên Huế là hơn 500 tấn rác sinh hoạt; trong đó riêng TP. Huế có từ 350-400 tấn) nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Trong khi đó, khoảng 10% là tỷ lệ lượng chất thải rắn phát sinh mỗi năm trên địa bàn cả nước. Chúng tôi trở lại những con số này để thấy rõ hơn một thực tế rằng, nếu chúng ta không thay đổi nhận thức và hành vi trong xử lý rác thải, sẽ đến lúc chúng ta phải chống chọi và chịu đựng chính hệ quả của hành vi ấy.

Thực ra, vấn đề ở đây là lúc nào việc chịu đựng ấy sẽ tới ngưỡng và liệu chúng ta cứ thúc thủ để nó tới ngưỡng? Hay cần một sự điều chỉnh, thay đổi và vận hành sự thay đổi ngay từ chính ý thức ở mỗi người. Điều này nghe thì dễ, nhưng để làm được nó là cả một quá trình. Ngay như việc Nói không với túi ni-lông, và việc Hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh, sạch và sáng chừng như vẫn dừng lại ở những Ngày Chủ nhật xanh. Đấy là mới chỉ nói riêng ở một địa phương, còn trên một phạm vi rộng lớn hơn, đó là cả một vấn đề như người ta vẫn thường nói “nhận thức là một quá trình”. Cho dù theo tôi, ở khía cạnh này, đây cũng chỉ là mệnh đề để “nại cớ” cho hành vi.

Với sự tài trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, 156 bộ thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại và được lắp đặt tại một số điểm công cộng. 148 bộ thùng lưu chứa cùng loại cũng đã được TP. Huế lắp đặt tại các trụ sở cơ quan, ban ngành, trường học trên địa bàn 23 phường là những thông số bước đầu, ở giai đoạn đầu của việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đây có thể ghi nhận như là những bước đi ban đầu để hình thành thói quen ở người dân. Còn nhiều việc phải tiếp tục được xây dựng để điều này trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng dù sao, có đi ắt sẽ có đến, miễn là nó không phải là một lộ trình quá lâu và quá dài…

An Bình Lê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công nhân tranh thủ sắm tết
Công nhân tranh thủ sắm tết

Ngay sau khi được nghỉ tết Nguyên đán 2023, nhiều công nhân ở khu công nghiệp tranh thủ đi sắm tết. Mặt hàng được họ ưu tiên là những đồ dùng cần thiết cho dịp tết.

Nhiều mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo
Nhiều mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trên địa bàn thị xã Hương Trà đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình (MH) tiết kiệm, thu hút đông đảo hội viên (HV) tham gia, tạo nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Khi người dân “thấm” mới hiệu quả
Khi người dân “thấm” mới hiệu quả

Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã triển khai từ nhiều tháng nay ở TP. Huế. Thế nhưng, để tạo thói quen PLRTN cho người dân vẫn là câu chuyện đáng bàn.

Lo nguồn nước sạch
Lo nguồn nước sạch

Tính đến cuối năm 2022, Thừa Thiên Huế có 96% người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch, đạt kế hoạch đề ra.