Thứ Ba, 03/03/2020 16:45

Xanh hóa doanh nghiệp

Chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn, xanh hóa sản xuất... Các doanh nghiệp (DN) đang góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Doanh nghiệp đồng hành cùng Huế phát triển “xanh”Sản xuất “xanh”, doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu

Mô hình cánh đồng lớn tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh

Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh là đơn vị hoạt động đa ngành nghề, bao gồm sản xuất, thương mại và dịch vụ. Nhà máy sản xuất phân lân hữu cơ vi sinh Sông Hương, nhà máy xay xát lúa gạo Green6, trung tâm sự kiện cung lễ hội Thiên Phú, nhà hàng - khách sạn, trang trại hàng trăm ha và 2 hệ thống cây xăng dầu. Toàn bộ đều được vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là đầu ra của sản phẩm này sẽ là đầu vào của sản phẩm kia.

Ông Trần Đức Tôn, Phó Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh cho biết: Từ nhiều năm nay, công ty đã đặt mục tiêu hướng đến xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp “xanh, sạch, bền vững”. Từ đó hoàn thiện dần trong quá trình phát triển. Năm 2021, công ty đầu tư 60 tỷ đồng lắp đặt và vận hành nhà máy xay xát lúa gạo Green 6, với chuỗi dây chuyền sấy - xay xát - chế biến củi trấu. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sản xuất khép kín hoàn toàn của công ty.

Với mô hình này, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ông Tôn phân tích, thay vì phải mua nguyên liệu đầu vào, phải tốn chi phí và phụ thuộc nguồn cung, nhưng biết sử dụng nguồn thải sẽ sử dụng free, chẳng hạn thức ăn dư thừa thay vì đi đổ thì bây giờ sử dụng lại và nó tạo giá trị rất lớn. Tương tự củi trấu, thay vì đi mua than đá chất thải độc hại nhưng khi sử dụng củi trấu sẽ đỡ thải độc và chi phí giảm được ít nhất 50% chi phí. Ngoài sản phẩm lúa gạo và phân bón, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh cũng đã đầu tư, phát triển kinh doanh chuỗi trang trại gắn kết với dịch vụ nhà hàng với tiêu chí sạch “từ trang trại đến bàn ăn”, cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm về sản phẩm và dịch vụ với chất lượng vượt trội và sự yên tâm về độ an toàn thực phẩm. Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn làm điểm khi chia sẻ mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam tại khu vực miền Trung.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh

Ngay từ khi thành lập, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt đã hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Toàn bộ phần dư thừa của rau củ, hoa lá là thức ăn cho heo, bò và chất thải của heo, bò sau khi ủ vi sinh lại được sử dụng làm phân bón cho cây. Khi công ty mở rộng lĩnh vực sản xuất, hồi sinh làng nghề cỏ bàng tại Phong Điền, công ty vẫn kiên định theo hướng tuần hoàn.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt cho biết, công ty đầu tư phục hồi và mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng truyền thống. Đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu đó tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ thị trường. Những phụ phẩm từ nguyên liệu cỏ bàng tiếp tục được công ty xử lý ủ men, làm phân bón chăm sóc lại hơn 6ha vùng nguyên liệu cỏ bàng.

Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, phát triển với tiêu chí xanh đang được đặt ra. Nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, may mặc,… dần chuyển mình để tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí, đặc biệt các tiêu chí xanh về xuất khẩu.

Ông Hàng Quốc Định, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Long Thọ cho biết, công ty đã  đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt trạm quan trắc môi trường kiểm soát khí thải sau khi qua lọc bụi túi đạt tiêu chuẩn QCVN23:2009/BTNMT. Đồng thời, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 20m3/ngày đêm để xử lý nước thải sinh hoạt của người lao động trước khi thải ra môi trường.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 DN đã, đang áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Trong đó, có 60 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9000 (thuộc các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc), 30 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP (thuộc các lĩnh vực sản xuất thực phẩm), 20 DN áp dụng Tiêu chuẩn VietGAP (cho lĩnh vực trồng trọt), 8 DN áp dụng ISO 14000, 7 DN áp dụng ISO 17025, 5 DN áp dụng công cụ 5S, còn lại 20 DN áp dụng các công cụ khác như ISO 13465 (hệ thống quản lý chất lượng trong y tế), GMP, SA8000...

Phát biểu tại hội thảo “Chỉ số xanh cấp tỉnh và việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện với môi trường” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định: Trong tiến trình xây dựng và phát triển, Thừa Thiên Huế luôn kiên định với con đường phát triển xanh, bền vững. Tỉnh luôn ưu tiên hỗ trợ các DN, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

“Nhờ kiên định với  mục tiêu phát triển xanh, bền vững,Thừa Thiên Huế đã được các tổ chức uy tín quốc tế cũng như trong nước công nhận là Thành phố văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN, Thành phố Xanh quốc gia”, ông Phan Quý Phương cho biêt.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong trong xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây sẽ là nền móng để USAID thực hiện các gói hỗ trợ nâng cao chất lượng điều hành kinh tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hải Thuận

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.