Thứ Sáu, 07/12/2012 07:40

“Giúp” người trái pháp luật là hại mình

Không quen biết, thù oán với bị hại, chỉ vì nhận lời giúp một phụ nữ đang ghen tuông đánh dằn mặt “tình địch” (tức bị hại trong vụ án) của chị này, Trần Như Cảnh (trú tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) vướng vòng lao lý… 

Sự việc bắt đầu từ câu chuyện chẳng dính dáng gì đến bị cáo. Số là, Nguyễn Thị Hoàng Phương, Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Hạnh đều là công nhân một công ty may. Do Phương ghen tuông và có mâu thuẫn trong công việc với chị Hạnh nên nhờ Tý tìm người đánh dằn mặt. Tý giới thiệu Cảnh cho Phương. Sau nhiều lần Phương, Tý, Cảnh gặp nhau trao đổi, Cảnh đồng ý nhận lời. Để việc đánh dằn mặt chị Hạnh diễn ra thuận lợi, Cảnh mời Mai Thị Thanh Tú đi ăn nhậu, rủ Tú cùng “giúp một tay”. Tú đồng ý.

Được Phương thông báo biển số xe máy, đặc điểm nhận dạng và giờ chị Hạnh tan ca, Cảnh, Tú đến gần trước cổng công ty, nơi chị Hạnh làm việc, đứng đợi. Sau khi phát hiện thấy xe có biển số, loại xe và đặc điểm người điều khiển đúng như Phương đã thông báo chạy từ cổng công ty ra, Cảnh liền chở Tú đuổi theo chặn đầu xe và quát dừng lại. Tú nhảy xuống đánh vào mặt khiến chị Hạnh ngã xuống đường. Sợ nhiều người thấy sẽ bị lộ, Cảnh bảo Tú buộc chị Hạnh chở Tú về một quán cà phê tại thị trấn Phong Điền để tiếp tục đánh nạn nhân. Cảnh đi áp sát theo sau.
Tại quán cà phê, ép nạn nhân ngồi vào ghế sát góc tường, Cảnh, Tú ngồi hai bên tiếp tục đánh. Có người gọi tới, nên chị Hạnh lấy điện thoại trong túi ra cầm trên tay. Tú liền nói: “Mi gọi cho ai, đưa điện thoại đây” và chụp điện thoại bỏ vào túi áo khoác. Sự việc diễn ra đồng thời với lời Cảnh yêu cầu: “Tú, giữ điện thoại lại không cho hắn báo công an”. Cả hai tiếp tục đánh, đến khi nạn nhân quỳ lạy van xin, Cảnh và Tú mới tha cho chị Hạnh ra về. Tú bán chiếc điện thoại với giá 500.000đồng, tiêu xài cá nhân. Theo kết luận giám định, chị Hạnh tổn hại sức khỏe 10%; máy điện thoại bị chiếm đoạt đã qua sử dụng, trị giá 800.000 đồng.
Sau khi sự việc bị phát hiện, tại Cơ quan điều tra, Cảnh, Tú, Phương, Tý đã thỏa thuận bồi thường theo yêu cầu của chị Hạnh tổng thiệt hại hơn 17.000.000 đồng. Bị hại nhận đủ tiền, đã làm đơn không yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố về tội cố ý gây thương tích đối với Cảnh, Tú, Phương, Tý. Tuy nhiên, Cảnh và Tú phải ra hầu tòa về tội “cướp tài sản”. TAND huyện Phong Điền phạt Cảnh 3 năm 6 tháng tù, Tú 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (khi phạm tội, Tú còn ở tuổi chưa thành niên). Không cam lòng bởi cho rằng mức án quá nặng, Cảnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Người bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Phiên tòa phúc thẩm, Tú (không có kháng cáo và không bị kháng nghị) nên tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Do mới sinh con nhỏ, Tú xin vắng mặt. Nhưng cha mẹ Tú (đại diện theo pháp luật cho Tú) có mặt tại phiên tòa.
Bị cáo cho rằng, điện thoại của nạn nhân là do Tú chụp lấy. Cũng một mình Tú bán lấy tiền tiêu xài, bị cáo không “dính dáng” gì mà phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù là “thiệt thòi”. Tòa phân tích, đồng thời với lúc Tú chụp điện thoại của chị Hạnh, Cảnh bảo Tú giữ điện thoại lại, có nghĩa đã đồng phạm với Tú về hành vi cướp tài sản. Trong đó, Tú là người trực tiếp chiếm đoạt còn Cảnh là người tiếp nhận ý chí và giúp sức. Hành vi phạm tội của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo hộ và tác động xấu đến trật tự trị an tại địa phương. Vì vậy, cần xử lý nghiêm minh để giáo dục và phòng ngừa. Tòa còn phân tích thêm, may cho bị cáo và những đồng phạm khác, do người bị hại không yêu cầu xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích. Nếu bị xử lý về tội đó thì ngoài việc Cảnh và Tú bị cộng thêm hình phạt, sẽ còn có hai đối tượng nữa phải ra trước vành móng ngựa. Tòa nghiêm khắc: “Bị cáo không thù oán, thậm chí chẳng quen biết gì bị hại, mà nhận lời đi đánh dằn mặt người ta. Hành vi của bị cáo quá coi thường pháp luật, để đến nỗi đang là một người lương thiện, có nghề nghiệp đàng hoàng, phải vướng vòng lao lý. Không những vậy lại còn rủ rê Tú đi vào con đường sai trái. Qua phiên xét xử này, hy vọng bị cáo thực sự nhận ra sai lầm của mình để không bao giờ còn lặp lại. Đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh chung cho tất cả mọi người, rằng “giúp” người bằng hành vi trái pháp luật là hại bản thân mình”.   
 Tuy nhiên, xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; mặt khác, bị cáo đồng phạm “cướp tài sản” với vai trò là người giúp sức, Tòa án cấp sơ thẩm phạt Cảnh 03 năm 06 tháng tù là có phần nặng so với hình phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Tú, cấp phúc thẩm đã giảm cho Cảnh còn 2 năm 9 tháng tù.
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.