Thứ Ba, 02/12/2008 14:43

Ấm lòng hàng rong

- “Đến Huế chuyến này lại đi ăn hàng rong nghe!”. Câu đề nghị hay câu rủ rê từ phương xa nớ e cũng là câu hay nhất dịp hội hè nơi xứ thơ miền mộng. Gánh hàng rong Huế từ khi mô đó, đã là thương hiệu không cần ai đóng dấu đỏ, mà hữu xạ tự nhiên hương, bởi đơn giản là nó không chỉ ngon nhức răng, ngon “sút quần”* và rẻ rề rề, rẻ chi rẻ lạ mà nó còn là một không gian văn hóa sống động cực kỳ.

Ít thấy xứ sở nào như Huế, mỗi bước đi ra đường, mỗi bước người ta thấy ngay quanh mình bao nhiêu là món ngon, thơm tho đủ sắc màu đang phô bày nghệ thuật trình diễn từ các gánh hàng rong. Người Hương Ngự hay trêu con gái Huế “miệng ăn hàng có quai”, nhưng người ta cũng bày đặt “hàng” ra cho thiên hạ cùng tha hồ hít hà ăn uống để “có quai nơi miệng” như mình. Huế, xứ sở có nghìn nhà thơ làm nên văn hóa của thành phố thi ca, thì cũng có một Huế, mười nghìn gánh hàng rong làm nên văn hóa của thành phố ăn hàng. Nói giỡn không sai.

Gánh hàng rong Huế có từ khi mô rứa? Hỏi chi mà lạ mà lùng, trả lời khó thiệt, nhưng chắc chắn là có sớm hơn bài “Vè con gái ăn hàng”: “Tay chân mềm mại/ như thể bông ba/ chờ mạ đi ra/ cắp tiền thu giấu/ đồng ăn khoai nấu... đồng ngồi đồng xếp bè he/ hai tay lột lá cái mồm hả ra...”. Nói rứa thôi chớ con gái ăn hàng đẹp chớ không xấu, tại người ta thương con gái nên đặt vè trêu cho vui. Hàng rong Huế từ thưở ông bà cha mẹ đã có, đời mình e còn nhiều hơn, bởi xưa Huế chỉ ăn hàng trong nhà để duy trì nét văn hóa của nếp sống quý tộc, chừ Huế ăn hàng từ trong nhà ra cả ngoài đường vì có mời mọc thêm khách khứa muôn phương. Buổi sáng từ trên đỉnh Ngự nhìn xuống, thấy hàng rong bốn phương đổ về đi như trẩy hội: Bún bò gánh đi từ Lăng Vạn Vạn dưới miệt An Cựu phía nam Huế; cơm hến gánh từ Cồn Hến - Vỹ Dạ phía đông Huế; xôi bắp từ Kim Long phía bắc Huế; đậu hủ, chè cháo từ Nam Giao phía tây Huế... Trưa một chút sang chiều là hàng rong nằm trên cái trẹt, nách nơi hông: các loại bánh bèo, nậm, lọc, ướt, ram ít, bún mắm nêm... Chiều ơi là chiều là bánh canh Nam Phổ, cháo lòng huyết, bún thịt nướng... cho thợ thuyền và ai đó nữa ăn “bựa lợ”, ấm dậm chút lòng lúc trời xiên nắng quái.

Ảnh: Internet
Mà sao lại gọi tên là hàng rong? Đơn giản là vì hàng đi, hàng ruổi. Hàng đi theo đòn gánh trên vai, hàng đi theo cái trẹt nách bên hông và cái giỏ xách nơi tay. Cái sự đi của hàng rong Huế thật đặc biệt, âu cũng là có một không hai. Như gánh bún bò vừa đi vừa cháy, vừa bốc khói, vừa sôi, vừa tỏa ra mùi hương đặc trưng đến cả mười phương, qua cầu Trường Tiền còn sợ xẩy chân rớt xuống sông,... Như gánh cơm hến đi có nhà thơ Huế ví như một gánh xiếc di động: người đi, hến đi, rau đi, màu đi, nồi đi, khói sợi quyện đi... Theo đó mà thêm thắt vô nữa cho cái sự đi của gánh cơm hến thì thấy cũng nhiều thứ cực kỳ có lý: chị đi, sương đi, nón bài thơ đi, cay đi, hít hà đi, sống sít đi, thèm thuồng đi, sớm đi, chiều đi, nắng đi, mưa đi, bốn mùa đi... Gánh hàng rong Huế đi xuyên qua thời gian và không gian, đi từ thưở xưa các bà, các mẹ, các dì mặc áo dài nối tay đi bán, đi mua cho đến thời nay, em gái gánh hàng đi qua hạ cháy vỏ trái thanh trà xứ Nguyệt, qua xuân xanh ngát rau Thành Trung, qua đông buốt nước sông Hương, qua thu vàng vỏ quýt Hương Cần.
-“Đi như rứa nên ngày xưa hồi tuổi mười sáu bán xong gánh bún mệ lạc trong Thành Nội từ trưa đến chiều đó con nờ, tối mịt mới tìm được đường ra khỏi thành. Cái nồi eo ni mạ của mệ để lại cho mệ đây, tuổi hắn lớn hơn tuổi mệ. Hắn nuôi tới cả cháu mệ chừ đang học đại học...”. -“Coi cái trẹt bánh bèo ni nhỏ nhỏ rứa chớ tui có dám phụ hắn mô, nhờ hắn mà gia đình tui có ngày thêm vài ngàn đi chợ qua ngày đoạn tháng”... Chốn đô hội mô đó người ta “ăn hàng” nơi nhà hàng chỉ món khai vị đã tiền triệu, giá một tô phở bò kobe 50 USD là cả triệu rưỡi đồng. Mệ bán hàng rong Huế nghe mà le lưỡi, bởi tô cơm hến của mệ giá bán vài năm trước chỉ năm trăm đồng, một ngàn, năm ngoái hai ngàn cuối năm mới dám ba ngàn, năm ni giá trượt quá mới lên bốn ngàn.
- “Đến Huế chuyến này lại đi ăn hàng rong nghe!”. Ok, có gánh bún mới được phát hiện nè: Lên đường đi qua chùa Bảo Quốc, chạy ven thành Ga Huế, một đoạn rẽ trái, rẽ trái tiếp, rẽ trái nữa, lên dốc nữa nghe, gần tới rồi, vô hẻm hí, đừng ngại chật, chật lòng chứ chật chi gánh hàng rong, rồi lên hết dốc. Thấy chưa? Đó, có gánh bún ngồi xôn xao dưới gốc cây xoài đó, vô đó kêu tô đi, bảo đảm ăn xong rồi kêu tô nữa cho coi.
-------------------
 * ngon sút quần: Phương ngữ Huế - ngon đến mức ăn căng bụng rồi phải nới dây lưng quần ra để ăn
Hồ Đăng Thanh Ngọc
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.