Thứ Bảy, 11/07/2020 15:44

An toàn thực phẩm ngày tết: Tăng truyền thông, nâng nhận thức

Trong đợt kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng tết, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã chỉ ra các thiếu sót cần khắc phục ngay. Điều này cho thấy, vẫn còn có tình trạng nhận thức chưa đúng, chưa đủ của chủ cơ sở về quy định an toàn thực phẩm…

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanhSiết công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong năm 2023Đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản dịp tết

Kiểm tra chế biến mứt thủ công tại một cơ sở ở TP. Huế

Không thể lơ là

Nhắc đến thực phẩm mua qua mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Hòa ở Hương Sơ (TP. Huế) vẫn chưa hết bực dọc, bởi vừa mất tiền vừa rước bệnh vào người. Cách đây vài ngày, chị đặt mua mực rim me và mực hấp cốt dừa từ một tài khoản trên facebook với giá 250 nghìn đồng/2 hộp. Sau khi mở hộp ăn thử, chị bị tiêu chảy và sốt suốt hai ngày. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị ngộ độc nhẹ. “Lỡ một lần thôi chơ tôi khiếp lắm rồi. Không dám ăn mấy món hàng tự làm trôi nổi trên mạng nữa. Mình phản hồi sản phẩm họ không thèm trả lời tin nhắn”, chị kể.

Trước mối lo thực phẩm kém chất lượng dịp tết, ông Nguyễn Hữu Lợi, một người thường xuyên ghé đến siêu thị mua sắm ngày tết chia sẻ: “Tính tôi cẩn thận lắm. Lựa chọn món chi cho ngày tết tôi cùng vợ đều đọc kỹ thông tin, có điện thoại quét mã QR là áp dụng ngay. Kinh nghiệm bản thân tôi là chọn các thương hiệu có uy tín và vào siêu thị để yên tâm hơn”.

Không chỉ hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bán trên nhiều trang mạng xã hội, các mặt hàng thực phẩm của các cơ sở chế biến thủ công nếu không chấp hành đúng các quy trình vệ sinh, không qua lấy mẫu đăng ký kiểm nghiệm… cũng tiềm ẩn yếu tố không an toàn. Mới đây, khi Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP làm việc tại một điểm sản xuất mứt tết tại Phú Thượng (TP. Huế), lực lượng chức năng đã lập biên bản, đồng thời yêu cầu thực hiện việc bố trí lại khu vực sản xuất, bổ sung thêm một số trang thiết bị dụng cụ, hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận ATTP…

Với những cơ sở sản xuất quy mô và lâu năm, vấn đề này được chú trọng hơn. Bà Huỳnh Thị Hoàng Oanh, chủ cơ sở sản xuất nem chả Bảy Khánh (TP. Huế) cho hay, cơ sở lựa chọn kỹ càng nguyên liệu đầu vào và rà soát các khâu chế biến; phụ gia cũng sử dụng loại có nguồn gốc, được kiểm nghiệm. “Nhu cầu tiêu thụ ngày tết tăng cao, sản phẩm được nhiều nơi tin dùng nên không thể lơ là lĩnh vực VSATTP, có chuyện chi là mình không gánh nổi”, bà Oanh lý giải.

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nem chả… Đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, thời điểm này, thời tiết miền Trung thường ẩm ướt, đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Nhằm ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp huyện và xã cũng đồng thời được thành lập, triển khai tại nhiều địa phương. Trong đó lưu ý các mặt hàng giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng xâm nhập ở các chợ vùng sâu, vùng xa. Theo kế hoạch, đợt kiểm tra tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm…

Vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền

Sở Công thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho trên 400 cơ sở, 3 siêu thị quy mô lớn, trên 50 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi bán lẻ và hàng ngàn điểm bán hàng hóa thực phẩm khác. Phần lớn các cơ sở sản xuất ở Huế quy mô nhỏ, làm thủ công, tập trung ở mặt hàng mứt, bánh, nem, chả. Qua đợt kiểm tra cho thấy, một số cơ sở còn chưa nhận thức đúng, đủ quy trình sản xuất tuân thủ VSATTP. Đoàn kiểm tra liên ngành lưu ý với các đơn vị sản xuất, kinh doanh các nội dung như: Đưa các thông tin sản phẩm ở vị trí dễ nhìn, dễ tiếp cận; tách riêng khu vực sản xuất với nơi ở; tổ chức tập huấn về VSATTP cho đội ngũ nhân viên chế biến, trang bị bảo hộ lao động; thường xuyên tổng vệ sinh trang thiết bị dụng cụ sản xuất, kê cao nguyên liệu…

Ngoài kiểm tra, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh còn tăng cường truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Tại Trung tâm thương mại Quảng Điền, Ban quản lý duy trì việc thông tin truyền thông hàng ngày ở chợ dịp giáp tết để nhắc nhở tiểu thương trong việc kinh doanh và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Tại chợ Đông Ba, không chỉ đọc trên hệ thống truyền thanh, trên trang fanpage chợ đăng tải nội dung về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải rõ ràng; không buôn bán hàng giả, kém chất lượng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, thực hiện vệ sinh dụng cụ chế biến, vệ sinh môi trường.

Tại siêu thị GO! Huế, nơi có tỷ lệ người mua sắm đông đã chuẩn bị hàng hóa trước 45 ngày phục vụ tết. “Tiêu chí ATTP luôn được ưu tiên hàng đầu bởi không chỉ liên quan đến sức khỏe khách hàng mà còn là bảo vệ xây dựng thương hiệu kinh doanh. Các sản phẩm vào siêu thị thông tin rõ ràng, công bố đảm bảo các tiêu chí ATTP. Đơn vị cũng kiểm tra kỹ chất lượng đầu vào, hạn sử dụng. Các mặt hàng tươi sống người bán đều mang găng tay, khẩu trang, đeo tạp dề. Hàng đóng gói đảm bảo quy định xuất chiết và thời gian sử dụng theo quy định”, bà Phạm Thị Thu Trang, Giám đốc Siêu thị GO! Huế nói.

Kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm là mục tiêu của đợt tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng trong dịp này. BSCKII. Trương Thị Lan Hương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay: “Trang bị kiến thức cho người dân đóng vai trò quan trọng, bởi họ chính là người sử dụng và cũng là người giám sát. Chúng tôi sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra cho đến cận tết Nguyên đán. Các cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Song song với đó là tuyên truyền để chủ các cơ sở nhận biết vai trò của người sản xuất trong việc chấp hành VSATTP”.

Bài, ảnh: LINH TUỆ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luôn bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Luôn bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh luôn nỗ lực cố gắng để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.

Nâng cấp Quốc lộ 49 đảm bảo an toàn giao thông
Nâng cấp Quốc lộ 49 đảm bảo an toàn giao thông

Thời gian gần đây, trên tuyến Quốc lộ 49 luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) do nhiều phương tiện trọng tải lớn lưu thông. Việc cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ này đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết hiện nay.

Cần tiếp tục hành động khẩn cấp để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng
Cần tiếp tục hành động khẩn cấp để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng

Giữa bối cảnh hàng triệu người trên toàn thế giới tiếp tục rơi vào nạn đói, các nhà lãnh đạo của năm tổ chức nhân đạo, ngân hàng và thương mại quốc tế đã kêu gọi hành động khẩn cấp hơn nữa để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Phấn đấu giảm tai nạn giao thông tối thiểu 10 cả 3 tiêu chí
Phấn đấu giảm tai nạn giao thông tối thiểu 10% cả 3 tiêu chí

Sáng 9/2, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Ông Nguyễn Văn Thắng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND Phan Quý Phương dự, chủ trì.