![](/UploadFiles/TinTuc/2010/8/13/image/6.jpg) |
Bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên |
Bác sĩ có thể cho biết, bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?
Bệnh võng mạc trẻ sinh non (tiếng Anh là Retinopathy of Prematurity nên còn gọi là bệnh ROP) là một bệnh gặp ở trẻ sinh thiếu tháng, gây ảnh hưởng đến sự hình thành của mạch máu võng mạc sau khi sinh. Bệnh sẽ dẫn đến sự hình thành của các thông động tĩnh mạch, tân mạch võng mạc, bong võng mạc do co kéo, gây giảm thị lực trầm trọng và cuối cùng là mù lòa.
Những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ của hồi sức sơ sinh đặc biệt là sự thành công của thụ tinh nhân tạo, số lượng trẻ đẻ non và nhẹ cân được cứu sống ngày một tăng. Bệnh võng mạc trẻ sinh trở thành một trong những nguyên nhân gây mù loà chính ở trẻ em và gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Việc tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và theo dõi sau điều trị phục hồi chức năng cho trẻ là vấn đề hết sức cấp thiết. Được sự hỗ trợ của Tổ chức ORBIS, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành xây dựng mạng lưới khám sàng lọc và bắt đầu điều trị bệnh ROP.
Những trẻ nào được khám sàng lọc, thưa bác sĩ?
Hiện tại chúng tôi tiến hành khám theo tiêu chuẩn khám sàng lọc ROP ở Việt Nam cho tất cả những trẻ có cân nặng khi sinh nhỏ hơn hoặc lớn hơn 2000 g và tuổi thai khi sinh lớn hơn hoặc nhỏ hơn 34 tuần. Với những trẻ có cân nặng khi sinh từ nhỏ hơn hoặc lơn hơn 2000 g và tuổi thai khi sinh lớn hơn hoặc nhỏ hơn 35 tuần nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng ... cũng cần phải được khám mắt. Lần khám mắt đầu tiên được tiến hành khi trẻ được 3-4 tuần sau khi sinh và khi trẻ được 31 tuần tuổi trở lên (tính cả tuổi thai và tuổi sau khi sinh), vì ROP thường không xuất hiện trước 31 tuần tuổi.
Vậy bác sĩ có thể cho bạn đọc biết, bệnh võng mạc trẻ sinh non được điều trị như thế nào?
Có hai phương pháp được sử dụng để điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non ở giai đoạn cấp là lạnh đông hoặc laser. Do có nhiều ưu điểm nên laser hiện nay được sử dụng rộng rãi hơn lạnh đông. Hiện tại ở Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi sử dụng laser diode với bước sóng 810nm để quang đông võng mạc cho bệnh nhân dưới mê. Khi bệnh đã sang giai đoạn muộn cần được điều trị bằng độn đai củng mạc, cắt dịch kính, nhưng kết quả điều trị hết sức hạn chế. Sau điều trị bệnh nhân cần được khám lại sau 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng và được điều trị laser bổ sung theo chỉ định của bác sỹ. Bệnh nhân cần được theo dõi lâu dài sau điều trị (3 tháng, 6 tháng và hàng năm) để kịp thời phát hiện các biến chứng như tật khúc xạ (đặc biệt là cận thị), nhược thị, lác, bong võng mạc...
Việc theo dõi sau điều trị đòi hỏi sự phối hợp lâu dài giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ điều trị do đó cha mẹ bệnh nhân cần kiên nhẫn và đầu tư thời gian nhằm mục đích cùng bác sĩ phục hồi thị giác cho trẻ. Những trẻ có tật khúc xạ, cần được chỉnh kính sớm, đeo kính và điều trị phòng chống nhược thị. Với những trẻ khiếm thị hoặc mù cần được giáo dục hoà nhập, hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ thị, đào tạo hướng nghiệp để thích nghi với cuộc sống cộng đồng. Với những trẻ đẻ non không bị bệnh hoặc bị bệnh nhưng không cần phải điều trị, cần được kiểm tra khúc xạ sớm và chỉnh kính nếu cần thiết.
Thưa bác sĩ, những biện pháp nào giúp làm giảm tỉ lệ bệnh võng mạc trẻ sinh non?
Cũng như các bệnh tật khác việc phòng ngừa luôn được quan tâm nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ mắc bệnh. Việc theo dõi tốt thai nghén, phát hiện các bệnh lý trong thai kỳ để điều trị sẽ giúp giảm tỉ lệ sinh non. Sử dụng corticoid tiền sản để làm giảm tỉ lệ suy hô hấp ở trẻ non tháng. Kiểm soát độ bão hòa oxy, khí máu động mạch để tránh ngộ độc oxy sau khi sinh. Đặc biệt cần có sự hợp tác giữa bác sĩ sơ sinh và bác sĩ chuyên khoa mắt để tổ chức khám, phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng ROP ở trẻ sinh non.
Xin cám ơn bác sĩ !
Đinh Hoàng Xuân Hồng (thực hiện)