Brazil đăng cai tổ chức Olympic 2016. Ảnh: Reuters
Các chi phí liên quan đến thể thao trong các môn thi đấu ở Rio có thể sẽ đạt đến mức 4,6 tỷ USD, một nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford cho thấy. Điều đó có nghĩa là Thế vận hội này sẽ vượt ngân sách dự kiến khoảng 51%. Theo tin từ Reuters, chi phí tổng thể của Thế vận hội, bao gồm tất cả các dự án liên quan đến Olympic được ước tính lên đến 12 tỷ USD, trong đó riêng các dự án ở Thủ đô Rio tiêu tốn tới ¼ chi phí nói trên.
VĐV cử tạ Luisa Peters của Quần đảo Cook khoe một hình xăm các vòng tròn Olympic trong buổi lễ chào đón các thành viên tham dự Olympic. Ảnh: Reuters
Xây dựng tàu điện ngầm, các trạm năng lượng tạm thời và chỗ ngồi tại các địa điểm thi đấu đều làm tăng chi phí của Thế vận hội năm nay. Theo công ty phân tích chính sách IHS, xấp xỉ 70% ngân sách dành cho kỳ Olympic này tới từ các khu vực tư nhân. Ban tổ chức địa phương đang đối mặt với mức thâm hụt từ 121 triệu USD tới 151 triệu USD, Reuters đưa tin hồi tháng 7/2016.
Cả hai Thế vận hội mùa hè và mùa đông gần đây nhất đều là những kỳ Olympic đắt đỏ nhất trong lịch sử. Thế vận hội mùa hè tại London (Anh) tiêu tốn 15 tỷ USD và Thế vận hội mùa đông tại Sochi (Nga) thậm chí còn mất đến 21,9 tỷ USD để tổ chức. Theo nghiên cứu, chưa có kỳ Olympic nào mà chi phí tổ chức nằm dưới khung dự kiến, kể từ năm 1960 đến nay.
Thống kê này cũng cho thấy, kể từ năm 1960, “tỷ lệ vượt quá ngân sách dự kiến của một kỳ Olympic trung bình là 156%... Đối với một thành phố hay một quốc gia, quyết định đứng ra đăng cai Thế vận hội đồng nghĩa với việc chấp nhận đây là một trong những siêu dự án tốn kém nhất và mang lại nhiều rủi ro tài chính nhất - điều mà nhiều thành phố và quốc gia đã rút ra được từ chính tình trạng nguy hiểm của mình”.
Năm 2009, khi Brazil được công bố sẽ là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đăng cai tổ chức Thế vận hội, nền kinh tế nước này lúc ấy đang trong giai đoạn bùng nổ. Đến nay, khi sự kiện lớn này diễn ra, Brazil lại đang rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua.
Con đường đến với Olympic 2016 của Brazil vô cùng chật vật, với các dự án xây dựng cơ sở vật chất bị trì hoãn, thông tin làng Olympic không đạt tiêu chuẩn và lo ngại trước dịch bệnh Zika. Hồi tháng 6, Thống đốc bang Rio đã phải tuyên bố tình trạng tài chính khẩn cấp toàn quốc và yêu cầu sự hỗ trợ liên bang để tiếp tục vận hành các dịch vụ cơ bản.
Tố Quyên (Lược dịch từ IBTimes & Reuters)