Thứ Ba, 11/06/2024 11:30

CÁC VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA TẠI KHU VỰC ĐÔ THỊ HÀ NỘI

Hà Nội là một trong hai đô thị đặc biệt (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh) - là một cực tăng trưởng chủ đạo của đất nước trong quá trình đô thị hóa. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại, hạ tầng xã hội đô thị được đa dạng hóa, tăng quy mô và cải thiện về chất lượng. Chất lượng sống tại khu vực đô thị từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, còn nhiều vấn đề bất cập cần phải nghiên cứu nhằm đưa ra phương án giải quyết.

1. Diện tích, dân số, phân bố dân cư và mật độ dân cư khu vực đô thị thành phố Hà Nội

1.1. Diện tích

Ngày 01/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới và là Thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất Việt Nam (3.348,5km2), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người với 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và 577 đơn vị xã, phường thị trấn. Như vậy, Hà Nội được mở rộng gấp hơn 3 lần về diện tích, gấp gần 2 lần về dân số so với trước khi điều chỉnh. Đó là tiềm năng và lợi thế mới hết sức to lớn để Hà Nội đổi mới và phát triển.

Ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, nâng tổng đơn vị hành chính cấp huyện lên thành 30, bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Tại khu vực các quận và thị xã, quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất với 535ha, thị xã Sơn Tây có diện tích lớn nhất với 11.720ha.

Bảng 1: Hiện trạng sử dụng đất đến 31/12/2020 phân theo loại đất tại các quận và thị xã

                                                                                                           (Đơn vị tính: ha)

Quận,

thị xã

Tổng
diện tích

Trong đó

Đất sản xuất nông nghiệp

Đất lâm nghiệp

Đất chuyên dùng

Đất ở

TOÀN TP

335984

156358

20333

67615

39665

TỔNG SỐ

42524

10549

277

15391

9196

TỶ LỆ

12.66 %

6.75 %

1.36 %

22.76 %

23.18 %

Ba Đình

921

2

-

503

315

Hoàn Kiếm

535

21

-

267

154

Tây Hồ

2438

352

-

479

552

Long Biên

6009

1593

-

1914

1401

Cầu Giấy

1226

28

-

664

475

Đống Đa

995

-

-

509

428

Hai Bà Trưng

1026

5

-

477

360

Hoàng Mai

4019

580

-

1417

1069

Thanh Xuân

917

10

-

451

390

Nam Từ Liêm

3219

727

-

1499

744

Bắc Từ Liêm

4535

1302

-

1410

912

Hà Đông

4964

1161

-

2045

1350

Sơn Tây

11720

4768

277

3756

1046

                                                                          Nguồn: Niên giám Thống kê năm 2020

Diện tích các quận và thị xã Sơn Tây là 42.524ha, chiếm 12.66% diện tích tự nhiên của toàn thành phố, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp là 10.549ha (chiếm 24.81% diện tích khu vực quận, thị xã), phân bố chủ yếu tại các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và thị xã Sơn Tây, đất lâm nghiệp là 277ha (chiếm 0.65% diện tích khu vực quận, thị xã) tại thị xã Sơn Tây, đất chuyên dùng 15.391ha (chiếm 36.19% diện tích khu vực quận, thị xã), đất ở 9.196ha (chiếm 21.63% diện tích khu vực quận, thị xã). Đối với đất đai tại khu vực đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế trong việc sử đụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ.

Việc gia tăng dân số đô thị đi đôi với tăng diện tích đất đô thị, tức là nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng sẽ được chuyển đổi thành đất đô thị, dự báo trong giai đoạn tới, diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm mạnh, diện tích đất chuyên dùng và đất ở sẽ tăng lên do quá trình đô thị hóa. Theo đó, cơ cấu sử dụng đất cũng được chuyển đổi phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Hiện nay, Thành phố đang thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong các nội dung tích hợp có nội dung Quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đô thị, góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đô thị…

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo ra nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân, doanh nghiệp và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước; đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới.

  1. Dân số

Hà Nội có dân số đông dân cao thứ hai trong 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam. Hà Nội có sự gia tăng dân số mạnh mẽ, trong vòng 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020), dân số Hà Nội tăng 1.376,3 nghìn người (tăng 20,03%) từ 6.870,2 nghìn người lên thành 8.246,5 nghìn người.

Theo kết quả thống kê dân số năm 2020, quận Hoàng Mai có dân số đông nhất với 521,9 nghìn người, quận Hoàn Kiếm có dân số ít nhất là 139,3 nghìn người.

Năm 2014, cùng với việc thành lập 02 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, toàn bộ dân số của huyện Từ Liêm (trước đây) trở thành dân cư đô thị, đưa tỷ lệ đô thị hóa toàn Thành phố lên 49,3% và cơ bản ổn định cho đến nay. Theo số liệu tại Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội năm 2020, dân số hiện trạng toàn Thành phố đã đạt 8,2465 triệu người (trong đó dân số khu vực thành thị khoảng 4,0625 triệu người, dân số khu vực nông thôn khoảng 4,184 triệu người); tăng 10,9% so với năm 2015, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,1% năm; trong khi đó tỷ lệ đô thị hoá mới đạt khoảng 49,3% (so với mức dự kiến 58÷60%).

Bảng 2: Thực trạng về phân bố dân cư và dự báo quy mô dân số

TT

Hạng mục

Đơn vị

Năm 2008

Dự báo theo QHC1259

Năm 2020

2010-2020

2030-2040

2040-2050

1

Toàn Thành phố

1.000 người

6.230,0

7.956,0

10.025,9

10.733,5

8.246,5

2

Khu vực Thành thị

1.000 người

2.583,3

4.676,8

6.960,0

7.510,5

4.062,5

3

Khu vực Nông thôn

1.000 người

3.766,7

3.279,2

3.066,0

3.223,0

4.184,0

4

Tỉ lệ đô thị hoá

%

41,4

58,8

69,4

70,0

49,3

                                        Nguồn: QHC1259, Niên giám thống kê

Như vậy, hiện trạng dân số toàn Thành phố đã vượt ngưỡng dự báo đến năm 2020, đồng thời tỷ lệ đô thị hoá chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Thời gian tới, thành phố Hà Nội cần nhiều nỗ lực và giải pháp hơn nữa trong tiến trình đô thị hoá để phấn đấu đạt được mục tiêu về công tác quy hoạch, phân bổ dân cư theo lãnh thổ gắn với đô thị hoá, phù hợp với các hoạt động kinh tế, văn hoá, lối sống đô thị và tiện ích cho cuộc sống người dân. Dự kiến đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành Đề án xây dựng quận đối với 05 huyện gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; dự báo tỷ lệ đô thị hóa khi đó sẽ đạt khoảng 60-62%, phù hợp với định hướng QHC1259 (đến năm 2030 đạt khoảng 65÷68%).

Dân số trung bình năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tính 8.330,8 nghìn người, tăng 1% so với năm 2020, trong đó dân số khu vực thành thị 4.095,3 nghìn người, chiếm 49,2% tổng dân số và tăng 0,8%; dân số khu vực nông thôn 4.235,5 nghìn người, chiếm 50,8% và tăng 1,2%. Chia theo giới tính, dân số nam 4.132 nghìn người, chiếm 49,6% và tăng 1,1% so với năm 2020; dân số nữ 4.198,8 nghìn người, chiếm 50,4% và tăng 0,9%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 4.171,5 nghìn người, tăng 1,1% so với năm 2020.

  1. Phân bố dân cư và mật độ dân cư

Sự phân bố dân số của Hà Nội không đồng đều giữa các quận, huyện, thị xã. Dân số tập trung chủ yếu tại các quận nội thành với mật độ cao, dân số ít tập trung và có mật độ thấp hơn tại các huyện ngoại thành. Mật độ dân số trung bình của thành phố đã tăng từ 2.064 người/ km2 (năm 2011) tăng lên thành 2.454 người/km2 (năm 2020).

Theo QHC1259 được duyệt, mật độ dân số toàn Thành phố ước tính đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm là 5.012 người/km2.

Sau hơn 10 năm cụ thể hoá QHC1259, mật độ dân số trung bình năm 2020 là 2.454 người/km2, tuy nhiên dân cư phân bổ không đều, tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm. Theo đó, mật độ dân số trung bình của 12 quận khoảng 11.975 người/km2 (cao nhất quận Đống Đa là 37.688 người/km2), cao gấp 4,9 lần so với mật độ trung bình toàn Thành phố và vượt hơn gấp đôi so với dự báo đến năm 2020 của QHC1259. Điều này cho thấy việc kiểm soát các dự án phát triển đô thị, đặc biệt là nhà ở tại khu vực trung tâm trên thực tiễn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của QHC1259.

So sánh với quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (đối với đô thị đặc biệt định mức 12.000 người/km2): Mật độ dân số các quận thuộc khu vực nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định; Cụ thể: quận Ba Đình vượt 204%, quận Hoàn Kiếm vượt 217%, quận Đống Đa vượt 314%, quận Hai Bà Trưng vượt 246%. Điều này tiếp tục lặp lại ở một số quận thuộc khu vực nội đô mở rộng (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai), điển hình là Thanh Xuân vượt 269%, Cầu Giấy vượt 201%, do quỹ đất tự nhiên để phát triển đô thị còn hạn chế.

2. Các vấn đề đô thị hóa tại Hà Nội

Hà Nội trước thời điểm hợp nhất có diện tích khoảng 921,8km2, dân số 3.457.424 người (đăng ký hộ khẩu) và khoảng 02 triệu người thường xuyên lưu trú. Sau hợp nhất, mở rộng Thành phố, Hà Nội có diện tích khoảng 3.344,7 km2 (tăng gấp 3,6 lần), dân số khoảng 6.232.940 người (tăng 2.775.516 người); Tỷ lệ đô thị hóa của Thành phố từ 65.3% (năn 2007, trước thời điểm hợp nhất) giảm còn 41,4% (năm 2008, sau thời điểm hợp nhất).

Theo số liệu thống kê năm 2022, dân số thường trú trên địa bàn 30 đơn vị hành chính quận, huyện thành phố Hà Nội là 8,44 triệu người, dân số thành thị khoảng 4,14 triệu người (chiếm 49,1% tổng dân số), dân số nông thôn khoảng 4,3 triệu người (chiếm 50,9% tổng dân số). Quy mô dân số Hà Nội liên tục tăng nhanh từ 5,91 triệu năm 2005 lên tới 8,44 triệu năm 2022, gấp 1,42 lần so với 2005, gấp 1,21 lần trong vòng 10 năm qua. Dân số Hà Nội được đánh giá là phát triển ổn định và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Xu thế này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội Thành phố cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh.

          Về không gian vùng cho thấy không gian xây dựng phát triển đô thị đang từng bước mở rộng, kết nối với các địa phương lân cận thuộc vùng Thủ đô Hà Nội theo mô hình vùng đô thị lớn. Không gian đô thị, nông thôn cho thấy các khu vực đô thị hóa mở rộng theo các dự án khu đô thị, dân cư trộn lẫn với các khu vực làng xóm đô thị hóa tự phát thông qua sự gia tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình.

Vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị dẫn đến mật độ dân số ở thành thị tăng cao: Quá trình đô thị hóa nhanh cùng với sự thay đổi điều kiện sống đã làm cho một bộ phận dân cư ở nông thôn di cư mạnh ra các đô thị. Số dân cư sống ở thành thị tăng đột biến với mật độ dân cư dày đặc gây mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, đồng thời đặt ra những vấn đề nan giải về giải quyết việc làm, thất nghiệp tại chỗ, nhà ở và tệ nạn xã hội làm cho trật tự xã hội ven đô ngày càng thêm phức tạp. Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), người di cư nông thôn chiếm tới 1/10 dân số của Hà Nội và làn sóng này vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Tình trạng thất nghiệp và phân hóa giàu nghèo: Trong quá trình hội nhập, người dân đô thị cần có trình độ văn hóa, tay nghề cao để tiếp cận với khoa học kỹ thuật - công nghệ và đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng lao động. Song thực tế cho thấy ở khu vực đô thị và các vùng ngoại thành ven đô vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người thất nghiệp, trình độ học vấn không cao. Đây chủ yếu là những lao động giản đơn di cư từ khu vực nông thôn lên thành thị để kiếm việc làm. Phần lớn trong số họ chỉ tìm được công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở gần thành thị, một số khác phải làm công việc không ổn định trong nội thị với thu nhập ít ỏi. Nhiều vấn đề phát sinh cũng bắt nguồn từ đó, khi thu nhập của người lao động không đủ tích lũy để gửi về gia đình như kỳ vọng. Do chỉ được hưởng mức lương thấp, lại phải làm việc vất vả nên số lao động di cư này dễ nảy sinh những bất đồng, đây chính là nguyên nhân của sự bất ổn đối với chủ trương phát triển một xã hội đô thị công bằng, ổn định và văn minh.

Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội, trong năm 2021, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 179,6 nghìn lao động, đạt 112,2% kế hoạch năm. Trong đó Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố vay với số tiền là 2,3 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 52,4 nghìn lao động); đưa 1,4 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan); gần 14,7 nghìn lao động được tuyển dụng sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; hơn 111,1 nghìn lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của doanh nghiệp và hình thức khác.

Năm 2021, Thành phố đã tiếp nhận hơn 80,4 nghìn hồ sơ đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho trên 78,9 nghìn người với số tiền 1.721 tỷ đồng (tăng 10,3% số người và 11,2% số tiền trợ cấp so với năm 2020); hỗ trợ học nghề cho hơn 2,9 nghìn người tăng 11,5%. 

Tình hình lao động, việc làm năm 2021 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc hoặc phải nghỉ giãn việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Theo kết quả sơ bộ của Điều tra lao động việc làm năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp toàn Thành phố là 2,6%, tăng 0,27 điểm % so với năm trước, trong đó khu vực thành thị là 3,97%, tăng 0,75 điểm % so với năm 2020, nhưng vẫn đạt kế hoạch đề ra.

Tính đến cuối năm 2021, thành phố Hà Nội có 7,4 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế tăng 2,8% so với cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số. Có 1,85 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2,9%; 57 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 17,9%; 1,78 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3%.

Vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị: Nhìn chung hầu hết ở các đô thị hiện nay đều xảy ra tình trạng thiếu nhà ở. Đặc biệt là dân nghèo đô thị và những người mới nhập cư vào thành phố. Thống kê của UNFPA cho thấy, 30% dân số Hà Nội phải sống trong môi trường chật chội với diện tích ở không quá 3m2/người. Chính vì thế, một số người đã bất chấp những quy định về quản lý đô thị, tự ý san lấp, lấn chiếm, sang nhượng đất để xây nhà một cách tạm bợ, tùy tiện không theo quy hoạch gây ảnh hưởng đến mỹ quan của các đô thị. Việc xây cất không theo quy hoạch đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các tệ nạn xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự an toàn xã hội.

Tính đến hết năm 2020, diện tích nhà ở bình quân ở Hà Nội đạt 27,25 m2/người (Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là 26,3m2/người); tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn đạt 224,73 triệu m2, tăng 49,67 triệu m2 so với năm 2016. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, góp phần bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Thành phố Hà Nội đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; tỉ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 99,1% (so với mục tiêu 91,2%); tỉ lệ nhà ở chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đạt khoảng 92%.

Tuy nhiên, nếu tính theo các chỉ tiêu m2 sàn của từng loại nhà ở thì chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, đạt gần 20,42 triệu m2 sàn, vượt hơn 1,14 triệu m2. Nhà ở riêng lẻ cũng tăng nhanh, trong khi với nhà ở xã hội (cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên), Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2 nhưng kết quả thực hiện là 1,25 triệu m2 sàn. Với nhà tái định cư, thành phố đặt mục tiêu phát triển 1,2 triệu m2 sàn nhưng kết quả thực hiện chỉ 371.000m2.

Nguyên nhân là do chính sách phát triển nhà ở xã hội còn bất cập, thiếu đồng bộ. Đơn cử, nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, trong khi nếu vay thương mại, chi phí xây dựng sẽ rất lớn. Thực tế, so với giai đoạn trước năm 2016, số dự án nhà ở xã hội giảm rất nhiều. Một số dự án đã hoàn thành có vị trí xa trung tâm nên rất khó bán.

Chính sự phát triển không đồng đều, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn thấp, trong khi nhu cầu của đa số người dân rất lớn, cộng với nguồn cung nhà ở giảm trong 2-3 năm gần đây đã đẩy giá nhà liên tục tăng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước: Tại các đô thị, việc chiếm dụng đất công, san lấp mặt bằng, sông ngòi, lấn chiếm lòng đề đường để làm nhà và xây dựng trái phép diễn ra hàng ngày làm cản trở đến việc tiêu, thoát nước và chất thải đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ, đường xá giao thông tắc nghẽn, nguồn nước ngầm và các dòng sông bị đe dọa nhiễm bẩn nghiêm trọng vì chất thải, không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề vì bụi công trường, khói xe, khói nhà máy sản xuất công nghiệp. Nghiên cứu của UNFPA cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vào loại kém nhất trong khu vực. Phần lớn hệ thống nước thải không được xử lý, khối lượng chất thải rắn đang gia tăng nhanh chóng, và chỉ có một phần nhỏ lượng chất thải công nghiệp nguy hại được xử lý an toàn.

Qua rà soát, đánh giá hiện trạng môi trường thành phố, ngành Tài nguyên và Môi trường xác định: Các nguồn ô nhiễm môi trường ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm nước mặt trong các sông, hồ, kênh thoát nước; ô nhiễm không khí và ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt do chưa được phân loại, xử lý dứt điểm... Cụ thể, mỗi ngày Hà Nội xả ra khoảng 900.000m3 nước thải, trong khi công suất các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn hiện chỉ đạt 276.000m3 (khoảng 28,8%), phần còn lại được xả vào hệ thống ao hồ, kênh, mương và sông ngòi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các sông nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ có một vài chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép.

Tương tự, ô nhiễm không khí cũng ở mức cao, nhất là vào mùa đông. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vào giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021, chỉ số chất lượng không khí trong khu vực nội thành thường ở mức kém và xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Ô nhiễm chủ yếu ghi nhận do bụi PM10 và bụi mịn PM2.5...

3. Một số giải pháp

Để khắc phục các vấn đề tồn tại trong quá trình đô thị hóa của Thành phố, nên thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời tiến hành quy hoạch phân bổ đồng đều các khu công nghiệp, khu đô thị tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Hai là, tăng cường giáo dục nếp sống văn minh đối với cư dân đô thị, hạn chế những hành vi xấu làm ảnh hưởng đến lối sống văn minh của cư dân đô thị. Hạn chế và quản lý tốt hơn đối với dân nhập cư, góp phần lập lại trật tự xã hội đảm bảo cho việc xây dựng xã hội đô thị ổn định, bền vững.

Ba là, cần có chiến lược, lộ trình quy hoạch đô thị đồng bộ. Hoàn thiện và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông đường bộ thuận tiện, tránh ách tắc và ít gây ô nhiễm môi trường.

Bốn là, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, không gây ô nhiễm. Cần xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng là giải pháp trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị.

Năm là, rà soát các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, cấp phép, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch..., tập trung rà soát quỹ đất, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phát triển nhà ở.

Lê Thị Hiền (Tổng hợp)
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.