Thứ Năm, 07/12/2017 15:37

Cái kết đẹp của một giấc mơ

Huế, mảnh đất đế đô xưa còn nổi tiếng là đất học. Rất nhiều bậc hiền tài, vĩ nhân của đất nước đều đã từng được học hành, hun đúc từ đất thiêng sông Hương núi Ngự này

Hoàn trả mặt bằng di dời hiện vật tại Bảo tàng Lịch sửBảo tàng Lịch sử về địa điểm mới

“Huế, mảnh đất đế đô xưa còn nổi tiếng là đất học. Rất nhiều bậc hiền tài, vĩ nhân của đất nước đều đã từng được học hành, hun đúc từ đất thiêng sông Hương núi Ngự này. Đất Huế bây chừ, “bước chân ra là thấy chữ”. Chữ ở Ngọ Môn, chữ trên các cổng thành, ở Thương Bạc, ở chùa tháp, ở Văn miếu, Võ miếu… Một vùng đất như thế, sao lại không nghĩ đến việc lập một bảo tàng giáo dục? Có thể cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và bắt đầu với các khoa thi, với Văn miếu… để thấy giáo dục thời Nguyễn như thế nào? Tiếp đó là giáo dục thời Pháp thuộc, thời trước 1975, giáo dục hiện nay ra sao?... Sẽ có rất nhiều, rất sẵn chất liệu để tạo nên một bảo tàng giáo dục phong phú và hấp dẫn. Nó không chỉ có tính cổ suý, có tính giáo dục cao mà còn là một việc làm tốt, một địa chỉ hay giúp giáo dục nước nhà “ôn cố tri tân”. Đó chắc chắn cũng sẽ là một “điểm đến” không thể bỏ qua của du khách khi thăm Huế. Ý tưởng ấy ấp ủ trong Hồ Vĩnh, nhưng không biết liệu có được đồng cảm, sẻ chia?”- Đó là một đoạn trong bài báo “Hồ Vĩnh và giấc mơ về một Bảo tàng giáo dục cho Huế” mà tôi đã viết và được Thừa Thiên Huế Cuối tuần đăng tải vào tháng 8/2008.

Còn nhớ đó là một buổi chuyện trò rất thú vị giữa Hồ Vĩnh với chúng tôi, chủ đề chỉ xoay quanh câu chuyện giáo dục. Anh say sưa trải những tâm sự, nghĩ suy, nhận xét, mong ước của mình về giáo dục nước nhà, giáo dục của Huế. Phong cách nói có sách mách có chứng, thỉnh thoảng anh làm chúng tôi bất ngờ khi được chưng cho xem những tư liệu, những hiện vật tự đời nảo đời nào mà có lẽ chỉ có những người mê say như anh mới giữ lại: những chiếc thẻ học sinh, những cuốn sách giáo khoa… của anh từ thời còn tiểu học. Hay cuốn sách bằng tiếng Pháp có dòng đề tặng, kèm chữ ký và con dấu ở trang đầu do Hiệu trưởng Trường Quốc Học thay mặt nhà trường ký tặng làm phần thưởng cho học sinh vào tháng 6/1924- một cách thưởng mà theo anh Vĩnh nhận xét là rất hay, rất đáng học tập.

Các hiện vật chiến tranh của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tại di tích Quốc tử giám đã được dời đi để xây dựng bảo tàng Giáo dục Khoa cử tại không gian di tích này. Ảnh: Quang Thiều

Một tư liệu khác được anh trưng dẫn cho thấy, khoa thi hương năm Bính Tý (1876-triều Tự Đức), 4.500 sĩ tử dự thi chỉ lấy có 75; khoa thi Ất Mão (1915) có đến 3.000 sĩ tử ứng thí nhưng chỉ lấy đỗ 30 người (cử nhân & tú tài)… Cho thấy “tỷ lệ chọi” là rất cao. Và 30 thí sinh đỗ tại khoa thi Ất Mão - 1915 thì Trường Quốc Tử Giám đã chiếm đến 24 “suất”, các tỉnh chỉ đỗ được 6 người. “Chứng tỏ rằng chất lượng giáo dục của Quốc Tử Giám là rất cao. Nó cũng tương tự như Trường Quốc Học hiện nay vậy, kỳ thi đại học nào học sinh Quốc Học gần như cũng đỗ nhiều nhất.”- Hồ Vĩnh nhận xét.

Say mê với câu chuyện giáo dục và ngày ngày được sống trên mảnh đất hễ “bước chân ra là thấy chữ”, cho nên Hồ Vĩnh khát khao có một bảo tàng giáo dục cho Huế. Đó không chỉ là một địa chỉ du lịch, mà còn là một “thiết chế” để soi chiếu hết sức bổ ích cho giáo dục nước nhà.

Và giờ đây, giấc mơ dễ thương ấy của Hồ Vĩnh đã sắp thành hiện thực. Những ngày vừa qua, khi thấy các hiện vật chiến tranh của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng được dời lên địa chỉ 268 Điện Biên Phủ, hàng rào được tháo dỡ, khuôn viên được chỉnh trang, không gian cổ kính của Quốc Tử Giám được hoàn trả; lại nghe tin lãnh đạo tỉnh chủ trương giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu để xây dựng bảo tàng Giáo dục Khoa cử tại không gian di tích này, ai cũng thấy vui, mà có lẽ người vui nhất là Hồ Vĩnh. Gặp tôi, anh cười rạng rỡ, nhắc lại với tôi bài báo cũ như một kỷ niệm đẹp và có hậu…

DIÊN THỐNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vụ cháy di tích Quốc Tử Giám Hiện vật không bị ảnh hưởng
Vụ cháy di tích Quốc Tử Giám: Hiện vật không bị ảnh hưởng

Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra ở dãy nhà bên trong di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn – trụ sở và là nơi trưng bày hiện vật của Bảo tàng Lịch sử tỉnh (đường 23 Tháng 8, phường Đông Ba, TP. Huế), chiều 18/8 Sở Văn hóa và Thể thao đã nhận được báo cáo nhanh từ bảo tàng.

Hỏa hoạn bên trong Quốc Tử Giám
Hỏa hoạn bên trong Quốc Tử Giám

Chiều 17/8, một vụ cháy lớn đã xảy ra bên trong di tích Quốc Tử Giám trên đường 23 Tháng 8, ở khu vực Kinh thành Huế. Di tích này hiện là trụ sở của Bảo tàng Lịch sử tỉnh và là nơi trưng bày hiện vật.

Giấc mơ bảo tàng giáo dục Đã dần hiện hữu…
Giấc mơ bảo tàng giáo dục: Đã dần hiện hữu…

Cách đây chỉ mới ít hôm, ngày 6/12, tại di tích Quốc Tử Giám (QTG) thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã diễn ra một sự kiện hết sức “độc đáo” và ý nghĩa: UBND tỉnh tổ chức tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường”. 367 học sinh, trong đó, có 37 học sinh thuộc khối THPT, 130 học sinh khối THCS, 200 học sinh tiểu học được vinh danh trong sự kiện lần đầu tiên được tổ chức này. “Học sinh danh dự toàn trường”, quả đúng như tên gọi bởi chỉ những học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc, toàn diện trong năm học mới được chọn trao. Và mỗi trường chỉ duy nhất có một học sinh dành vinh dự được tuyên dương tại Quốc Tử Giám!

Vinh danh 367 học sinh tại Quốc tử giám
Vinh danh 367 học sinh tại Quốc tử giám

Sáng 6/12, tại Quốc Tử Giám, UBND tỉnh tổ chức lễ tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường”. Đến dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh.