Thứ Bảy, 15/12/2012 05:49

Cha con tranh chấp nhà

Vụ án “cha con tranh chấp nhà” dưới đây là một nỗi buồn dai dẳng kéo từ phiên tòa này sang phiên tòa khác.

Ông P - nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp nhà, bị đơn chính là các con ruột của ông. Theo ông P, ngôi nhà tọa lạc tại phường Phú Hậu, TP Huế hiện các con ông đang sử dụng, sinh sống, là tài sản của ông. Nhưng các con ông lại đánh đuổi cha ra khỏi nhà, khiến ông lang thang nay đây mai đó, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Ở nhờ từ nhà người bà con này đến nhà người bà con khác kéo theo biết bao bất tiện, phiền phức. Tuổi ông P đã lớn, rất cần có một chỗ ở ổn định, do đó không còn cách nào khác, ông phải “đâm” đơn ra tòa nhờ pháp luật phân xử. Để chắc ăn, ông P thuê luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Theo một Thẩm phán TAND TP Huế, câu chuyện buồn tranh nhà giữa cha con ông P bắt đầu từ sự việc dường như chẳng dính dáng gì về nhà cửa. Số là ông P và vợ chung sống với nhau sinh con đẻ cái, nhưng không đăng ký kết hôn. Vợ chồng cùng sống trong ngôi nhà của cha mẹ ông P. Sau những ngày “cơm không lành, canh không ngọt”, ông P “đứng” nguyên đơn yêu cầu tòa án xử cho ly hôn với vợ. Tòa án thụ lý vụ án hôn nhân & gia đình. Quá trình tống đạt giấy triệu tập và lấy lời khai, hòa giải giữa các đương sự rất vất vả, bởi người vợ không muốn ly hôn, nên chẳng mặn mà gì với việc đến chốn pháp đình. Tuy nhiên, ông P lại một mực yêu cầu tòa xử cho đường ai nấy đi, bởi giữa vợ chồng nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết, không còn tình cảm, đồng thời “tố” các con bất hiếu đánh đập ông. Ngược lại, vợ con ông P “kể tội” ông đi lang bạt theo người phụ nữ khác, có con riêng, về phụ bạc vợ con ở nhà.
Vị thẩm phán cho biết, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, do ông P và “vợ” không đăng ký kết hôn nên tòa không công nhận các đương sự là vợ chồng. Nhà đất mà cả gia đình ông P đang ở là của cha mẹ ông P (đã mất), do đó không phải là tài sản chung để đem chia, tòa giao cho ông P. Tòa xử là thế, nhưng cứ cho rằng cha “không ra gì”, bỏ bê vợ con theo người phụ nữ khác, nên các con ông P nhất quyết không cho ông “giành nhà”. Nhà của mình nhưng không được về, không có nơi ở, ông P một lần nữa đệ đơn kiện ra tòa, lần này là để tranh chấp nhà với các con.
Trước pháp luật, các con ông P không thể không thừa nhận ngôi nhà thuộc quyền của người cha. Tuy nhiên họ cho rằng, đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để sửa chữa nhà, yêu cầu ông P phải hoàn lại số tiền này. Ông P chấp nhận việc các con có sửa chữa. Nhưng nghi ngờ số tiền mà các con bỏ ra có thể không nhiều đến vậy, ông P đề nghị định giá cho “chắc nụi”. Chẳng ngờ, kết quả định giá, phần sửa chữa “đội” lên đến hơn 40 triệu đồng. Không cam tâm, ông P kháng cáo phần này lên TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm.
Theo thông tin từ luật sư của ông P, hai người con trai của ông P đã sang Lào làm ăn, chỉ có cô con gái ở nhà. Chưa ngã ngũ chuyện tiền bạc “bồi thường” và vụ án vẫn chưa kết thúc, nên ông P vẫn lúc ở nhờ nhà người chú, lúc lại ra tỉnh Quảng Trị làm ăn, chờ ngày ra phiên tòa phúc thẩm. Thẩm phán thụ lý phúc thẩm vụ án tranh chấp nhà giữa ông P và các con cho biết, đang nhanh chóng nghiên cứu hồ sơ, hoàn tất mọi thủ tục tố tụng để sớm đưa ra xét xử.
Ngôi nhà của cha mẹ ông P để lại, tòa án xử giao cho ông P (nhưng hiện các con ông đang sử dụng), nằm sâu trong khuôn viên đất vườn rộng, sau cánh cổng cao đóng kín, khá bề thế nhưng nhuốm màu buồn bã. Lẽ ra, đó là nơi để cha mẹ con cái quây quần đầm ấm bên nhau, là tổ ấm. Đau lòng thay, bởi cách sống, cách cư xử không đúng của những thành viên trong gia đình, dẫn tới tan tành tình phụ tử, ngôi nhà của ông bà tổ tiên để lại bị đem ra “xâu xé”.
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.