Do hụt thuốc, các trạm y tế trên địa bàn đang tạm hoãn uống vitamin A đợt 2 năm 2022
Nguồn thuốc viện trợ chưa về
Ngày 5/12, chị Phan L.H. đưa con đến trạm y tế phường Thuận Hòa (TP. Huế) uống vitamin A, song đến nơi chị mới biết là đợt uống này tạm hoãn do thuốc chưa chuyển về trạm.
Chị L.H. cho hay: “Mấy ngày qua cháu sốt, nay đỡ tôi mới đưa cháu lên trạm uống vitamin A. Do không vào facebook xem nên không đọc được thông báo. Không biết nếu cho uống trễ quá có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con không”?
Theo trạm Y tế phường Thuận Hòa, kế hoạch của trạm sẽ cho 340 trường hợp uống bổ sung vitamin A. Trạm ra thông báo triển khai uống cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi từ ngày 1/12 đến 6/12, tuy nhiên, đến ngày 2/12 thì hết 100 liều được cấp. Cùng ngày, trạm nhận được công văn tạm hoãn uống vitamin A từ Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Huế nên đã dán thông báo và nói rõ trên fanpage để các bậc phụ huynh hiểu, chờ đến khi có thông báo mới.
Tại trạm Y tế phường Kim Long (TP. Huế), lịch uống vitamin A của trạm theo kế hoạch triển khai từ 1/12 đến 7/12, BS Nguyễn Thanh Minh, Trưởng trạm Y tế Kim Long nói rằng, trạm mới được tạm ứng 100 viên cho trẻ uống trên tổng số dự kiến 500 trường hợp. Nhận được thông báo tạm hoãn, trạm thông báo trên hệ thống loa phát thanh, nhắn đến các tổ trưởng dân phố, đăng trên facebook để người dân được biết.
Trước đó, ngày 2/12, Trung tâm Y tế TP. Huế có công văn tạm hoãn chiến dịch uống vitamin A đợt 2 năm 2022 gửi trạm y tế 36 phường, xã. Lý do là trung tâm chưa nhận được vitamin A từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh.
Thông báo mua gom vitamin A trên mạng xã hội
Lý giải nguyên nhân hụt vitamin A, Phó Giám đốc Trung tâm CDC tỉnh - Th.S BS Hoàng Văn Thám - cho hay do nguồn thuốc từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp chưa chuyển về. Nguồn vitamin A này được tài trợ theo dự án. Việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ chậm không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ vì đây không phải là liệu trình điều trị. Dự kiến sau 15/12 này, nguồn vitamin A sẽ được phân bổ về cho tỉnh.
Không nên tự ý bổ sung vitamin A
Không chỉ riêng Thừa Thiên Huế, nhiều đơn vị y tế trên toàn quốc cũng thiếu hụt nguồn vitamin A. Đã có tình trạng một bộ phận người dân lo lắng nên mua gom chung thuốc trên các trang mạng xã hội hoặc tự ý mua vitamin A ở tiệm thuốc cho trẻ uống.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo không nên tự ý bổ sung loại vitamin này cho trẻ bởi vitamin A trên thị trường được sản xuất riêng, mẫu mã khác biệt với vitamin A liều cao các trạm y tế cho trẻ uống. Th.S BS Hoàng Văn Thám lưu ý: “Vitamin A trên thị trường thường là loại dưới 5.000 đơn vị, phục vụ điều trị theo kê đơn của bác sĩ. Với vitamin A liều cao, WHO khuyến cáo mỗi năm uống 2 đợt là vừa đủ để bổ sung cho trẻ”.
Nếu tự ý bổ sung vitamin A với lượng lớn hoặc kéo dài sẽ dẫn đến thừa vitamin A. Thừa vitamin A gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến buồn nôn, nôn, đau đầu. Ở trẻ nhỏ có biểu hiện thóp phồng. Ngoài ra, thừa vitamin A ảnh hưởng đến sự phát triển của xương làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh và nhiều hậu quả khác như: ngứa da vẩy nến, xung huyết ở da và các niêm mạc, tóc khô, xơ xác, dễ gãy, viêm niêm mạc miệng, môi khô, nứt nẻ hai bên mép, gan to, bong da ở gan bàn tay, gan bàn chân. Đặc biệt đối với phụ nữ trước khi mang thai và có thai 3 tháng đầu, nếu bổ sung thừa vitamin A có thể gây nên tình trạng hở hàm ếch; dị dạng tim mạch, cơ, xương, hệ thần kinh trung ương...
Vitamin A liều cao được cấp phát cho trẻ ở các trạm y tế là hàng viện trợ, khác với vitamin A liều thấp theo kê đơn của bác sĩ
T.S BS Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó trưởng khoa Khoa Nhi Tiêu hóa – Dinh dưỡng – Bệnh nhiệt đới (NTHĐBNĐ), Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế đưa ra lời khuyên: “Vitamin A tự nhiên tốt hơn vitamin A đến từ thực phẩm chức năng. Cách tốt nhất để cơ thể hấp thụ vitamin A (và nhiều loại vitamin và khoáng chất khác) bằng cách tự nhiên qua đường thực phẩm tươi sống. Đơn giản vì khi chúng ta ăn uống trái cây, thực phẩm giàu vitamin A thì cơ thể cũng hấp thụ các loại chất khác, kèm thêm chất xơ và quan trọng là không có chất bảo quản”. Vitamin A có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm… Thức ăn có nguồn gốc thực vật: Các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí…; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài… chứa nhiều tiền vitamin A (beta-caroten). Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành vitamin A.
Để phòng thiếu vitamin A, bên cạnh biện pháp ăn uống đủ chất dinh dưỡng và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, trẻ em trong độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi và các bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cần được uống bổ sung vitamin A 2 lần/năm trong Ngày Vi chất dinh dưỡng do Bộ Y tế phát động. Ngoài ra cần tẩy giun định kỳ và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ, nhất là bệnh sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… để phòng nguy cơ thiếu vitamin A.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ 6-36 tháng tuổi đều phải được bổ sung vitamin A liều cao mỗi 6 tháng (vào ngày 1 - 2 tháng 6; 1 - 2 tháng 12) tại các điểm uống vitamin A. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A như suy dinh dưỡng, bị sởi hoặc bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại, tiêu chảy kéo dài… cũng cần được uống vitamin A liều cao. Trẻ nhỏ 6-12 tháng tuổi uống 100.000 đơn vị. Trẻ 12 - 36 tháng uống 200.000 đơn vị. |
Bài, ảnh: LINH TUỆ