Thứ Ba, 04/01/2011 11:07

Chấn chỉnh chuyện đổ rác thải xây dựng bừa bãi ở Huế

Tình trạng đổ rác thải xây dựng (RTXD) bừa bãi diễn ra tại nhiều khu vực công cộng trên địa bàn TP Huế, nhất là khi gần đây các điểm tập kết RTXD cũ bị lấp đầy, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. TP Huế đang bắt tay chấn chỉnh, xử lý vi phạm, song để tình trạng này không tái diễn nhiều vấn đề đang đặt ra.
Đường phố thành nơi chứa rác
 
Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp đi qua Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung (đường Ngự Bình). Là một công trình văn hoá, nhưng phía gần đối diện là những đống RTXD khá lớn nằm ngay bên vệ đường. Chạy xe về đường Hồ Đắc Di (nối dài), chuyện đổ RTXD bừa bãi diễn ra một cách ngang nhiên. Hai bên đường, hàng chục đống rác cứ nối dài ra...
 
Đổ RTXD bừa bãi ở khu vực công cộng
 
Không riêng những khu vực vắng vẻ như trên, nhiều khu vực khác ở TP Huế cũng diễn ra tình cảnh tương tự, nhất là ở các khu vực phường Hương Sơ, Phú Hậu, Xuân Phú... Gần đây nhất, Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế (gọi tắt là Công ty MT&CTĐT) phải ra quân gần một tuần lễ để thu dọn RTXD ở các khu vực phường Phú Hậu. Đáng chú ý, tại các cửa vào nội thành như Đông Ba, cửa Hữu, chuyện đổ RTXD, phế thải xây dựng gây không ít bức xúc cho người dân. Đi từ đường Lê Duẩn vào cửa Hữu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến ngay khu vực hai bên ngoài cửa có gần cả chục am thờ cũ và RTXD của người dân vứt ngổn ngang. Một ngày sau, công nhân môi trường đã thu gom nhưng những ngày sau tình trạng này lại tái diễn. Còn tại cửa Đông Ba, người dân phường Phú Hòa đã phản ánh nhiều về vấn đề trên, song theo lý giải của các cơ quan chức năng “để phát hiện và bắt quả tang các đối tượng vi phạm là một vấn đề rất khó vì việc này thường diễn ra vào đêm khuya”. 
 
Tại các khu đất trống ở gần khu quy hoạch, chuyện đổ RTXD bừa bãi càng không phải là chuyện lạ. Chúng tôi tận mắt chứng kiến tại khu tái định cư Lịch Đợi (Phường Đúc), nhiều người dân đang xây dựng nhà đã vô tư đưa rác ra đổ ở khu đất trống dự kiến sẽ xây dựng một công trình phúc lợi. Theo lãnh đạo Công ty MT&CTĐT Huế, với nhiệm vụ được giao, vài tháng hoặc trước dịp lễ, Công ty tiến hành khảo sát và thực hiện thu gom RTXD ở nhiều khu vực, tuyến đường, nhưng cũng chỉ tập trung giải quyết ở khu vực trung tâm TP. Những khu vực có điều kiện hạ tầng kém (lề đất) và các khu vực gần sông, hồ, kênh, mương, dân cư thưa thớt, các khu quy hoạch đô thị mới... tình trạng đổ RTXD xảy ra rất phổ biến. Một đợt khảo sát gần cuối năm 2012 của TP Huế cho thấy, gần 50 vị trí đã bị biến thành nơi chứa RTXD. 
 
Cần thiết quy hoạch các điểm đổ RTXD
 
Để xử lý RTXD, người dân cũng như các chủ đầu tư công trình trên địa bàn TP Huế có thể liên hệ Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình Đô thị Huế tại số 46 Trần Phú hoặc qua số máy điện thoại 054. 3823896.
Trước đây, TP quy định một số vị trí đổ RTXD như: tại ngã 3 đường Tự Đức - Thủy Dương - Hồ Đắc Di, cuối phường Hương Long và một điểm ở đường Nguyễn Văn Linh. Sau một thời gian sử dụng, các điểm đổ RTXD ở trên được lấp đầy. Đầu tháng 5/2013, TP thống nhất 2 vị trí tập kết RTXD mới trên đường Tự Đức - Thủy Dương, song do không cắm biển thông báo nên nhiều người không nhận biết đâu là điểm đổ RTXD. Hơn nữa, với một địa bàn rộng lớn, trong khi chỉ có 2 điểm tập kết RTXD lại cùng ở khu vực phía Nam TP, cùng trên một tuyến đường, trong khi ở khu vực phía Bắc TP không có nên tình trạng đổ trộm RTXD bừa bãi cứ diễn ra. Số liệu từ ông Lê Vĩnh Thắng, Phó Phòng kế hoạch Công ty MT&CTĐT Huế cung cấp: năm 2012, trung bình mỗi tháng Công ty thu gom khoảng 100m3 RTXD, riêng 6 tháng đầu năm 2013, lượng RTXD được thu gom là 1.000m3. Về xử lý vi phạm, theo ông Lê Văn Phiệt, Đội trưởng Đội Quản lý đô thị TP Huế, việc đổ RTXD trên các tuyến đường thường vào buổi tối nên việc phát hiện, xử lý khá khó khăn. Riêng việc đổ RTXD tại khu vực ao hồ nhằm mục đích lấn chiếm đất công có phần dễ phát hiện hơn. Trong năm 2012, Đội đã kiểm tra, xử lý việc đổ đất đá, phế liệu xuống sông, hồ 34 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2013 là 21 trường hợp.
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh ngày 24/5/2013, UBND TP Huế đã có Công văn số 1213/UBND-QLĐT yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể nhằm chấn chỉnh, xử lý tình trạng đổ RTXD không đúng nơi quy định trên địa bàn TP Huế. Trong đó, TP yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể nhằm tuyên truyền, xử lý tình trạng đổ RTXD bừa bãi trên địa bàn. Với sự quan tâm của tỉnh, TP, hy vọng chuyện đổ RTXD không đúng nơi quy định sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, để giải quyết tốt vấn đề, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, nhất là chú ý kiểm tra vào buổi tối. TP cũng cần nhanh chóng khảo sát, tìm kiếm thêm các điểm tập kết RTXD ở khu vực phía Bắc TP, trong đó chú ý nghiên cứu kỹ địa hình để tránh những ảnh hưởng, bất cập về sau. Về lâu dài, TP cần khảo sát, quy hoạch và xây dựng các điểm đổ RTXD, tránh tình trạng “vừa bắc nước, vừa đuổi gà”.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế:
 
“Thành phố đang tìm kiếm các điểm đổ rác thải xây dựng mới”
 
Đối với các điểm đổ RTXD hiện nay, chỉ khoảng 2 - 3 năm nữa là lấp đầy, cho nên UBND TP Huế đang trăn trở tìm kiếm điểm đổ RTXD mới. Cụ thể như tìm những mặt bằng trũng, vừa giải quyết bài toán đổ RTXD, vừa giảm chi phí san lấp mặt bằng. Về lâu dài, TP sẽ suy nghĩ thêm đến các giải pháp khác như một số nước phát triển đã làm.
 
Để chấn chỉnh tình trạng đổ RTXD không đúng nơi quy định, TP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyên, theo dõi, xử lý; không để tình trạng hạ tầng đô thị nhếch nhác, dễ bị người dân lợi dụng làm nơi đổ rác thải nói chung, RTXD nói riêng.
 
Ông Đoàn Sĩ Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH NN Môi trường và Công trình đô thị Huế
 
“Cần sớm có quy hoạch”
 
Sau rác thải sinh hoạt, nhu cầu xử lý RTXD đang là vấn đề bức xúc. TP đã tập trung chỉ đạo tiến hành khảo sát, lựa chọn thêm các điểm đổ, nhưng việc tìm được điểm đổ RTXD đang rất khó khăn vì phải vừa đảm bảo thuận lợi cho dân vừa thuận tiện cho công tác quản lý và phải có thời gian sử dụng vài năm trở lên. Trong quá trình đô thị hóa, RTXD sẽ ngày càng tăng và sẽ là áp lực lớn đối với chính quyền đô thị. Bởi vậy vấn đề đặt ra là cần sớm có quy hoạch - xây dựng các bãi chứa loại rác thải này.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế:
 
“Ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”
 
Trong năm 2013, tại vị trí Km 16+500 (P), Quốc lộ 49A, đường Ngự Bình, trước mặt Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung thuộc địa phận phường An Cựu, các hộ dân và các đơn vị thi công đã đổ vật liệu thải bên đường, chất thành đống gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Sau nhiều lần dọn dẹp, vận chuyển đến vị trí tập kết đúng quy định nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng trên, Công ty đã có công văn đề nghị các ban ngành liên quan có biện pháp xử lý và khắc phục. Mới đây, UBND TP Huế đã có công văn chỉ đạo việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng này. Nếu nghiêm túc thực hiện, hy vọng việc đổ RTXD bừa bãi sẽ hạn chế.
 
Bích Thùy (ghi)
 
Thùy Hương
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.