Thứ Năm, 25/09/2014 12:27

Chiến sĩ biệt động kể chuyện giải phóng Phú Vang

Câu chuyện bắt đầu khi xe khởi hành đưa những người lính biệt động trong chiến dịch giải phóng quê hương Phú Vang năm 1975 về thăm lại chiến trường xưa.

Các CCB thăm Đài tưởng niệm K4 - K10 ở thị trấn Phú Đa. Trong ảnh: Ông Nguyễn Manh (bên trái), ông Dương Thanh Xu (bên phải), ông Lê Hồng Phong (giữa)

Những năm tháng không quên

Ông Dương Thanh Xu, Đội trưởng đội biệt động (ĐBĐ) 2, nay là cựu chiến binh (CCB) phường An Đông (TP. Huế) mở đầu câu chuyện: "Hai Tiểu đoàn K4 và K10 của Thành đội Huế chiến đấu trên địa bàn Phú Vang. Vì thiếu quân số, Huyện đội Phú Vang xin bổ sung một số chiến sĩ người địa phương về Huyện đội để thành lập các ĐBĐ. Các ĐBĐ được lệnh chốt trên các đồi 273 và núi Nghệ ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, cách căn cứ Phú Bài của địch 10 km đường chim bay. Ngày 5/3/1975, chúng tôi nhận lệnh về Huyện đội Phú Vang (lúc bấy giờ đang đóng nhờ ở Vũng Tròn, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) để họp khẩn. Đoạn đường chỉ cách 2 km đường chim bay, nhưng để vượt qua làn đạn pháo 105 và 155 ly của địch từ Trung tâm huấn luyện Đống Đa đóng ở Phú Bài, chúng tôi phải tìm những lối đi hiểm hóc trong rừng nên mất 5 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đồng chí Phạm Kiến, Huyện đội phó Phú Vang thông báo, chiều 6/3/1975, Ban Chỉ huy mời toàn thể lãnh đạo các ĐBĐ và các xã lên Huyện ủy để triển khai kế hoạch tiến về đồng bằng chiến đấu giải phóng 5 xã: Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân, Phú Mỹ và Phú An. 16g30 ngày 6/3, tất cả có mặt đầy đủ tại căn cứ Huyện ủy. Bí thư Huyện ủy Phú Vang Lê Hùng Vinh chủ trì cuộc họp, thông báo: "Thời khắc đã điểm, điều mong đợi đã đến, các đồng chí chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu". Sau phút bàng hoàng, tất cả đồng thanh: “Quyết tâm, quyết tâm”, “Chiến thắng, chiến thắng”. Đêm hôm đó, chẳng ai ngủ được, cảm giác hồi hộp, thăng hoa như xua đuổi những lo âu dù ngày mai sẽ đối diện với mưa bom, bão đạn, với sự sống và cái chết.

Chủ tịch Hội CCB Phú Vang Nguyễn Manh trước đây là chiến sĩ ĐBĐ 2 đang chăm chú lắng nghe câu chuyện của đồng đội, bỗng bật cười thành tiếng rồi nói chen ngang: “Bác còn nhớ chuyện tìm chú Việt không?” .“Có chứ. Răng mà quên được”. Như sợ ông Xu cướp lời, ông Manh kể vội: “Chiều 7/3/1975, chúng tôi có mặt tại BCH Huyện đội để chuẩn bị hành quân. Đồng chí Sâm, Huyện đội trưởng phân công ĐBĐ 1 và 2 cùng với các đội an ninh, đội công tác phụ trách 5 xã nói trên; còn đội 3 đi theo Tiểu đoàn K4 về chiến đấu tại nha Phú Thứ. Đúng 17 giờ, bắt đầu hành quân. Để về đồng bằng, phải vượt sông, thế nhưng lên bờ điểm quân thì thiếu đồng chí Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương. Tôi và một đồng chí nữa vội vàng quay lại tìm. Thì ra Việt không biết bơi nên cứ ôm phao trôi theo dòng nước. Đưa được Việt lên bờ thì trời gần sáng nên hành quân chậm mất 1 ngày”.

Ông Xu tiếp lời, hôm sau hành quân, tránh được các chốt địch, nhưng đến sông Lợi Nông thì dân báo tin có 1 tiểu đoàn dù và 1 đại đội quân địa phương của địch đang phục kích. Tôi cử một số đồng chí đi trinh sát, đến cầu Miếu Bông (nay là cầu Lợi Nông) thì trúng mìn của địch, toàn bộ tổ trinh sát hy sinh. Lập tức, đại liên, trung liên của địch bắn xối xả về phía quả mìn vừa nổ. Chúng tôi dùng 4 quả B40 - B41, hỏa lực của chúng tắt lịm. Hôm đó, tất cả chiến sĩ tạm lánh trong nhà dân, lúc này mới biết tin đồng chí Nguyễn Đích – chỉ huy trưởng trận đánh đã hy sinh. Tôi chủ động ra lệnh cho 1 tổ 4 người bò vào chân cầu Miếu Bông để đánh và tiêu diệt hơn 40 tên địch. Trời sáng, chúng tôi bò ra cánh đồng Thủy Phương (Hương Thủy) sát hàng rào đài VOA của Mỹ để núp. Lúc này, 2 ĐBĐ từ 50 người chỉ còn 25 người. Từ 8 giờ sáng 9/3, 2 chiếc máy bay trực thăng HUIA của địch lượn vòng tròn trên trời xả súng liên hồi xuống cánh đồng. Nhờ vụ lúa chiêm đang trổ bông nên chúng tôi không bị phát hiện. Đến 20 giờ, chúng tôi rút quân theo hướng tây, quay về sông 2 nhánh thì cả đội đói lả. Đến Huyện đội Hương Thủy, Huyện đội trưởng Nguyễn Văn Tòng phát cho 1 thùng lương khô để ăn lấy lại sức, 2 tiếng sau chúng tôi hành quân về đơn vị. BCH biểu dương tinh thần của các ĐBĐ và ra lệnh củng cố lực lượng chờ ngày giải phóng”.

Ngày giải phóng

CCB Lê Hồng Phong, trước thuộc ĐBĐ 3 chậm rãi kể: Ngày 16/3/1975, chúng tôi nhận lệnh rút về căn cứ. Suốt 3 ngày ở hậu cứ, ngoài việc tập trung bổ sung lực lượng, tăng cường vũ khí và lương thực, chúng tôi được truyền đạt chủ trương của Thường vụ Khu ủy là: “Tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực lượng giải phóng Thừa Thiên Huế bằng một cuộc tổng tiến công tổng hợp, toàn diện. Đồng thời, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, trực tiếp đánh địch, hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy, giành đất, giữ dân, đưa chiến dịch đến toàn thắng”.

Chiều 24/3, có lệnh tập hợp toàn bộ lực lượng tiến về đồng bằng. Đêm 24/3 bắt đầu hành quân, rạng sáng 25 đến xã Vinh Hà thì gặp một toán tàn quân địch rất đông. Đồng chí Phạm Kiến ra lệnh bắt gọn đưa vào đình làng Vinh Hà để phân loại. Binh sĩ, hạ sĩ quan cho về nhà; còn sĩ quan từ thiếu úy trở lên chuyển lên Huyện đội Phú Vang để chuẩn bị đưa đi cải tạo. Trong ngày 25/3, Huyện đội Phú Vang cùng bộ đội chủ lực đánh tan 2 tiểu đoàn địch, 7 trung đội nghĩa quân, diệt 45 tên địch và bắt sống 725 tên. Có được chiến công đó, còn nhờ sự tham gia của quần chúng Nhân dân các xã nổi dậy bắt sống địch, phá trụ sở của quân ngụy, thu vũ khí, trang thiết bị…

Tôi còn nhớ như in, khoảng 10 giờ đêm 25/3, các đồng chí Kiều, Xu và 3 đồng chí dân quân khác lái chiếc Jeep lùn vào trinh sát quận lỵ Phú Vang. Chúng tôi giữ nguyên vẹn cơ sở vật chất, trang thiết bị của địch, đặc biệt là kho tài liệu chúng chưa kịp phá hủy. Và điều mong đợi đã trở thành sự thật khi đồng chí Lê Hùng Vinh tuyên bố Phú Vang đã hoàn toàn giải phóng."

HƯƠNG LAN (ghi)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký ức ngày về
Ký ức ngày về

Đầu năm 1947, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ba mạ tôi “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Ký ức tháng 3
Ký ức tháng 3

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng mỗi lần tháng 3 về, nhiều người lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về một thời gian khó nhưng rất đỗi từ hào. Mọi người đã vỡ òa niềm vui khi quê hương được giải phóng.

Ngày trở về
Ngày trở về

Ngày 26/3/1975, TP. Huế được giải phóng. Từ Hà Nội, lòng tôi náo nức khó tả. Lúc ấy, tôi đang làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch nói Việt Nam. Thu xếp xong công việc và được cấp trên cho phép, tôi nhanh chóng lên đường về quê tôi - làng Phước Tích, huyện Phong Điền sau 21 năm tập kết ra miền Bắc.

Ngày 26 3 với phong trào tuổi trẻ
Ngày 26/3 với phong trào tuổi trẻ

Đối với tuổi trẻ tỉnh nhà, ngày 26/3 luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó không chỉ là kỷ niệm ngày thành lập Đoàn mà còn là ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Viếng các Anh hùng liệt sĩ nhân ngày giải phóng quê hương
Viếng các Anh hùng liệt sĩ nhân ngày giải phóng quê hương

Nhân Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2017), sáng 24/3, đoàn lãnh đạo tỉnh long trọng tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Huế nhằm tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.