Thứ Sáu, 19/06/2015 06:06

Chọn giải pháp phù hợp chống sạt lở bờ biển

Sau các trận mưa lũ, triều cường vừa qua, sạt lở biển tiếp tục dễn ra với nhiều điểm mới. Trong khi nguồn lực còn khó khăn, việc chọn nghiên cứu phương án đầu tư trồng cây chắn sóng, giữ đất hoặc xây kè vùng xung yếu, trọng điểm đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai.

Bờ biển tiếp tục sạt lở: Chờ phương án tối ưuỨng phó với sạt lở, triều cường: Cần trợ giúp từ trung ương75 hộ dân xã Lộc Thủy bị sạt lở đe dọaTái định cư vùng sạt lở ven biển Phong Hải

 Xây kè chống sạt lở biển được xem là giải pháp tối ưu

Trồng rừng chắn sóng hay xây kè chỉnh trị?

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai vừa qua làm sạt lở, xâm thực bờ biển các điểm mới và cũ trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10km qua các địa phương.

Ước tính trong 40 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 ha đất bị biến mất do biển xâm thực. Có những điểm “tái” xâm thực nhiều lần sau khi khắc phục tạm thời như ở Vinh Hải (Phú Lộc). Tình trạng xâm thực biển diễn ra mạnh mẽ nhất từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 và diễn biến với cường độ ngày càng mạnh từ năm 2001 đến nay.

Các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, khảo sát để chọn mô hình ứng phó phù hợp. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều địa phương, thông dụng và hiệu quả nhất là trồng rừng phi lao chắn sóng hoặc xây kè chỉnh trị. Tuy nhiên, đặc điểm địa hình vùng biển ở Thừa Thiên Huế là vùng bờ thấp, nằm sát mực nước nên việc trồng các loại cây chắn sóng ở một số nơi sẽ không hiệu quả do cây chưa đủ lớn, bộ rễ chưa đủ độ chống chọi với thiên tai, giữ đất thì đã bị sóng cuốn trôi. Do vậy, ở mỗi địa phương khác nhau, cần chọn phương án đầu tư chống sạt lở phù hợp nhằm đảm bảo tính hiệu quả trước mắt cũng như sự bền vững lâu dài.

Xây kè chống sạt lở biển được xem là giải pháp tối ưu

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã mời nhiều đoàn chuyên gia của Bộ NN&PTNT và cả chuyên gia của nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu nhằm tìm biện pháp khắc phục. Các nhà khoa học đánh giá nguyên nhân tình trạng sạt lở là do biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy hải văn, mực nước biển có xu hướng đang lên, tác động của triều cường đã làm tình trạng sạt lở, xâm thực biển ngày một nặng hơn.

“Biện pháp xây kè chống sạt lở hiện đã triển khai ở một số địa phương và phát huy được hiệu quả. Nhưng đây là giải pháp tốn kém kinh phí và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Do vậy, phương án sẽ nghiên cứu và chọn vùng nào phù hợp để triển khai xây kè, vùng nào có thể phát triển cây phi lao để ứng phó sạt lở”, ông Hùng nói.

Đầu tư vùng xung yếu, trọng điểm

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) thông tin, địa phương đã làm việc với Trường đại học Nông lâm Huế về việc tìm phương án chống sạt lở bằng cách trồng cây giữ đất ven biển. Theo đó, sẽ triển khai trồng cây trang- loại cây cùng họ với cây đước, có sức sống mãnh liệt với bộ rễ bám sâu, giữ đất.

“Đây chỉ mới là bước đầu thử nghiệm; hy vọng khi triển khai trồng cây này sẽ phát huy hiệu quả chống sạt lở trên vùng biển Phú Thuận”, ông Tùy nói.

Đề nghị hỗ trợ 1.000 tỷ đồng

UNND tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa vào chương trình nâng cấp đê biển, để có kế hoạch đầu tư xây dựng lâu dài; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án, xây dựng còn dang dở 8,3km; tiếp tục đầu tư 136km đê biển còn lại và 137 cống trên đê chưa được nâng cấp. Tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư khoảng 1.000 tỷ để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển tại các địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, các điểm sạt lở đều được lãnh đạo tỉnh, huyện trực tiếp kiểm tra nhằm tìm phương án khắc phục trước mắt và xử lý lâu dài. Đối với các điểm sạt lở biển mới ở các địa phương như Vinh Hiền, Lộc Bình, Lăng Cô, trước mắt huyện đã huy động lực lượng và các nguồn lực tập trung xử lý bằng các vật liệu đơn giản như vải, bao cát, cọc gỗ gia cố tạm thời, tránh tình trạng xâm thực sâu thêm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Địa phương cũng chủ động huy động nguồn lực, làm việc với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu các phương án xây kè hoặc tìm các loại cây trồng phù hợp nhằm giữ đất, chống xói lở. Đối với khu vực biển Vinh Hải, xác định việc gia cố chống sạt lở trong các năm vừa qua chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, địa phương cần sự hỗ trợ của tỉnh, trung ương, xây dựng kè chống sạt lở mới chỉnh trị được khu vực này.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho rằng, nguồn kinh phí xây dựng các công trình chống sạt lở biển chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, các cơ quan chức năng chỉ tập trung đầu tư các vùng xung yếu, trọng điểm như đã xây dựng tuyến đê kè chống sạt lở qua địa bàn xã Quảng Công, Hải Dương, Phú Thuận và tập trung khảo sát xây dựng các khu tái định cư. Các điểm còn lại như Vinh Hải, cửa Lạch Giang… sẽ cân đối nguồn vốn xây dựng trong những năm tiếp theo. Để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương huy động nguồn lực để khắc phục trước mắt. 

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện đặt tên đường phố
Chuyện đặt tên đường phố

Việc đặt tên đường hiện nay trở thành câu chuyện được nhiều người quan tâm bởi nó xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người dân và chính quyền cơ sở. Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 8, HĐND tỉnh, vấn đề này được bàn thảo khá sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp thường niên mới trình các đề án đặt tên đường phố và công trình công cộng mà phải linh hoạt, chủ động để đáp ứng kịp thời những yêu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống.

Hướng đến nông nghiệp xanh
Hướng đến nông nghiệp xanh

Hướng đến nền “nông nghiệp xanh”, bền vững được xác định là mục tiêu, hướng đi phù hợp của tỉnh trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.