Thứ Tư, 01/04/2020 06:30

Chủ động thích ứng với già hóa dân số

Trong văn hóa người Việt từ xưa đến nay, người cao tuổi luôn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Trong nhiều gia đình, người cao tuổi có vị trí đúng nghĩa là “đầu tàu”, có tiếng nói quyết định trong nhiều việc quan trọng và giúp con cháu định hướng đúng lối sống chuẩn mực và phù hợp với truyền thống gia phong.

Hội viên người cao tuổi tích cực xây dựng nông thôn mớiHuy động các nguồn lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tuổi cao - gương sáng

Vừa tròn 60 tuổi, bà Lê Thị Liên (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) “chuyển vai” từ hội viên Hội Phụ nữ sang hội viên Hội Người cao tuổi của xã. Đó cũng là sự kiện ghi dấu “tuổi lão” của bà và cũng là lời nhắc nhẹ với mấy đứa con trong gia đình về một giai đoạn tuổi mới của người “đầu tàu” trong gia đình. Lên “lão”, nhưng với bà Liên mọi việc vẫn không có nhiều thay đổi. Chỉ khác, trong mỗi buổi sáng sớm bà lại có lịch luyện các bài tập thể dục nhẹ nhàng cùng các bạn già trong hội. “Trước nay tôi cũng dậy sớm nhưng chỉ nghe tiếng các cụ hô nhịp tập rộn ràng. Từ ngày cùng theo tập, tôi thấy đỡ nhức mỏi tay chân, xương khớp lắm, lại được gặp gỡ bạn già trong xóm nữa. Người có tuổi mà bắt đầu một ngày như vậy, thiệt hay”, bà Liên vui vẻ.

Khác với bà Liên, vợ chồng ông bà Hải – Phương (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) lại chốt đầu ngày và cuối ngày bằng các buổi đi bộ quanh khu phố với những người bạn già cùng độ tuổi trong khu vực. Đó cũng là “diễn đàn” để các cụ chốt lịch cà phê tuần, hẹn hò đánh cầu lông, cờ tướng và uống nước trà giữa các giờ đón cháu. Nhóm bạn già của ông bà Hải – Phương có khoảng 6 cặp vợ chồng, đều là hưu trí. Ngoài là bạn chung xóm, chung khu phố, các ông các bà còn là bạn chung ở Hội Người cao tuổi của phường và số nhiều trong các cụ còn sinh hoạt chung tổ Đảng nơi cư trú. Cũng nhờ vậy mà các ông các bà luôn là những thành viên rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của khu phố, nhất là các việc dọn dẹp vệ sinh trong các "Ngày Chủ nhật xanh"; hay quyên góp, vận động hỗ trợ trường hợp khó khăn trong khu dân cư… Bà Phương chia sẻ: “Khi đi làm rồi thì mỗi người mỗi việc, nay nghỉ hưu thì ngoài việc phụ con đưa đón cháu nhỏ, còn thì nghỉ ngơi là chính. Nhờ có hội bạn già này mà hầu như mọi người đều thêm vui, thêm trẻ. Nhà ai có việc chi, các ông các bà đều chung tay hỗ trợ, chia sẻ. Tinh thần thôi, nhưng ý nghĩa vô cùng”.

Chủ động với sự già hóa

Năm nay, Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) tập trung vào chủ đề “Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi - Chủ động thích ứng với già hóa dân số”. Thông điệp truyền thông này hướng đến việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của cộng đồng về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Đồng thời, từng bước xóa bỏ định kiến cũ về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão).

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Thời gian để chuyển từ giai đoạn “già hóa” sang giai đoạn “già” chỉ mất 20 năm. Thời gian qua, các vấn đề liên quan đến già hóa dân số được Chính phủ coi trọng trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Vấn đề này cũng được đề cập đến trong nhiều chiến lược quốc gia khác nhau.

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền rất quan tâm đến chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 20/01/2022 về chăm sóc sức kh NCT của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Tuy nhiên, với tỷ lệ người cao tuổi là 14,6%, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa có xu hướng tăng nhanh, trong khi thu nhập bình quân đầu người đang còn ở mức thấp. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Hưởng ứng Ngày Quốc tế người cao tuổi năm nay, ngành y tế đã tăng cường công tác truyền thông về vai trò của người cao tuổi. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động vận động tạo dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi, nhất là ở gia đình và cộng đồng.

Theo ông Phan Đăng Tâm, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh: Trong hai thập kỷ qua, tỷ trọng dân số trẻ em dưới 15 tuổi của Thừa Thiên Huế có xu hướng giảm và tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên tăng, làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng nhanh. Xu hướng này tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Vì vậy, chúng ta cần có những chính sách đảm bảo thích ứng, như: Cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội; tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách liên quan để đảm bảo quy mô dân số hợp lý và tuyên truyền về già hóa dân số mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tài chính cá nhân vững vàng - Bước đi đầu cho một Việt Nam già hóa chủ động
Tài chính cá nhân vững vàng - Bước đi đầu cho một Việt Nam già hóa chủ động

Trước bối cảnh già hóa dân số không ngừng tăng nhanh tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn nghỉ hưu sớm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là khía cạnh tài chính và đảm bảo an ninh thu nhập để có được tuổi già độc lập như mong đợi.

Bơm tiêu đón nước phòng ngập lúa đông xuân
Bơm tiêu đón nước phòng ngập lúa đông xuân

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã triển khai bơm tiêu đón nước và mở các cống lớn để giảm mực nước trên các sông bảo vệ lúa đông xuân.

Tiêu úng “cứu” lúa
Tiêu úng “cứu” lúa

Tổng lượng mưa từ ngày 27 đến sáng 28/1 vùng đồng bằng phổ biến 30 - 60mm, một số nơi cao hơn như Tư Hiền, Lăng Cô (Phú Lộc) từ 91mm đến 116mm, đã làm hàng nghìn ha lúa đông xuân tiếp tục bị ngập úng. Các địa phương đang huy động máy móc, nhân lực tiêu úng bảo vệ đồng ruộng.