Thứ Sáu, 04/03/2016 14:17

Chưa tiếp cận với người khuyết tật

Tiếp cận giao thông, các công trình xây dựng cho người khuyết tật (NKT) là vấn đề cấp thiết nhưng vẫn chưa được cộng đồng thực sự quan tâm.

Chuyên gia Mỹ: Việt Nam có quyết tâm cao nhằm bảo vệ quyền lợi của người khuyết tậtBữa tiệc ngọt ngào cho trẻ em có hoàn cảnh khó khănTrao xe lăn cho người khuyết tật và học bổng cho học sinh khó khănTrên 5 tỷ đồng trợ giúp người khuyết tậtXây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật

Các công trình xây dựng cần thiết kế lối đi dành cho NKT

Khó khăn khi đi lại

Theo khảo sát của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), trên địa bàn tỉnh, đa phần các công trình, như: UBND các phường xã, trạm y tế, bưu điện, nhà ga và nhiều công trình công cộng chưa tiếp cận với NKT. Lối đi, nhà vệ sinh dành cho NKT chưa có khiến NKT rất khó khăn khi cần đến giao dịch, đi lại ở những địa điểm này.

Ông Hoàng Thanh Long, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Phú Lộc, chia sẻ: “Việc tiếp cận cho NKT trong việc sử dụng các công trình công cộng rất hạn chế. Đa phần các trụ sở đều không có lối đi dành cho NKT, người ta quên, không tính toán chuyện tiếp cận cho NKT ngay từ khâu thiết kế ban đầu. Ngay cả bến xe, điểm chờ xe buýt cũng không có chỗ dành cho NKT theo đúng quy chuẩn”.

Việc đi lại, sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ cũng gặp không ít khó khăn, khi từ khâu thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị trợ giúp, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm lòng đường, bến xe khách, nhà chờ xe buýt… hầu như không đảm bảo cho NKT tiếp cận, sử dụng. Chị Phạm Thị Hiếu, cán bộ ACDC, cho biết: “Các phương tiện giao thông xe buýt, xe khách chưa có đường ren di động hỗ trợ cho NKT lên xe, sân bay Phú Bài cũng chưa có xe nâng hỗ trợ NKT lên, xuống máy bay. Việc miễn giảm vé xe buýt, xe khách cho NKT chưa được áp dụng theo công ước của Liên Hiệp quốc về quyền của NKT và Luật Người khuyết tật…”.

Theo ông Đinh Mẫn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đối với NKT, tham gia giao thông, đi lại chính là hòa nhập với cuộc sống cộng đồng nhưng rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng nông thôn. Các công trình xây dựng từ trước không được quan tâm cải tạo đảm bảo tiếp cận cho NKT.

Phá bỏ rào cản

Dự án hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2018 do ACCD thực hiện với sự tài trợ của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đã quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tiếp cận giao thông và công trình xây dựng cho NKT.

Dự án đã tổ chức các hoạt động tập huấn, khảo sát tiếp cận và các hội thảo để chia sẻ các vấn đề liên quan đến tiếp cận, cung cấp kiến thức cho NKT và hội nhóm NKT về vấn đề tiếp cận, dự án. Cán bộ chủ chốt Hội NKT tỉnh, thành phố và các huyện; nhóm NKT nòng cốt huyện A Lưới được trang bị các kiến thức về quy chuẩn tiêu chuẩn về nhà ở và công trình công cộng đảm bảo tiếp cận cho NKT và kỹ năng khảo sát tiếp cận.

Các báo cáo về vấn đề tiếp cận tại địa phương được chia sẻ với các cơ quan liên quan tại địa phương và một số phản hồi tích cực đã được thực hiện. Dù chưa nhiều nhưng một số công trình xây dựng công cộng đã được cải tạo để tăng khả năng tiếp cận cho NKT, như: Ga Huế, các khách sạn, trụ sở các cơ quan. Dự án cũng tài trợ cải tạo trụ sở UBND xã và trạm y tế các xã Lộc Hòa, Lộc Trì của huyện Phú Lộc, Hội Đặc thù tại huyện A Lưới được sửa chữa tiếp cận cho NKT.

Để tư vấn cho các cơ quan ban ngành liên quan, dự án phối hợp với Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải khảo sát và đánh giá tiếp cận về giao thông tại địa phương. Các cơ quan liên quan như Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải tham gia hỗ trợ cho việc đảm bảo tiếp cận dành cho NKT bằng cách ban hành các chủ trương. Tháng 3 năm nay, Sở Xây dựng ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng”, trong đó quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng.

Để giúp NKT hòa nhập cộng đồng, phá bỏ những rào cản, ông Đinh Mẫn đề nghị: “Cần có các quy định yêu cầu các doanh nghiệp vận tải từng bước thay thế, đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện, có khả năng tiếp cận cho NKT sử dụng. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng giao thông phù hợp để NKT có cơ hội tiếp cận, sử dụng”.

Việc xây dựng hệ thống âm thanh thông báo của xe khách, xe buýt, cải thiện, nâng cấp vỉa hè, có hệ thống thông báo âm thanh ở điểm giao cắt, ngã ba, ngã tư để dễ tiếp cận với người khiếm thị là điều cần được tính đến. Các công trình công cộng, các dịch vụ xã hội, kể cả các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí mới được xây dựng cũng cần chú trọng đến việc đảm bảo có lối đi riêng hoặc các điều kiện cần thiết để NKT có thể tiếp cận và sử dụng.

Bài, ảnh: Minh Hiền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật
Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

Không chỉ cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, các hoạt động của dự án CBM (Community – Based Rehabilitation) giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.

Để người khuyết tật vượt qua khó khăn  làm chủ cuộc sống
Để người khuyết tật vượt qua khó khăn & làm chủ cuộc sống

Hỗ trợ, tạo cơ hội để người khuyết tật (NKT) phát triển sinh kế, cải thiện thu nhập, những hoạt động có hiệu quả từ Hội NKT – Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi tỉnh đang tạo động lực để NKT vượt qua khó khăn, làm chủ cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Chống bạo lực kép
Chống bạo lực "kép"

Có nhiều chương trình, dự án được triển khai, cùng với sự chung tay của toàn xã hội để hỗ trợ người khuyết tật (NKT) nói chung và phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng. Nhờ đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, xây dựng môi trường không rào cản, không bạo lực, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp... của NKT.

Các dịch vụ, hoạt động cho người khuyết tật tăng về chất và lượng
Các dịch vụ, hoạt động cho người khuyết tật tăng về chất và lượng

Đó là đánh giá của bà Vũ Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Văn phòng dự án CBM tại Việt Nam về hoạt động dự án này giai đoạn 2019-2022 triển khai tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị tổng kết dự án “Hỗ trợ tiếp cận dịch vụ về dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình chân tay giả và các dịch vụ liên quan cho phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và bị suy giảm thể lực diễn ra tại Phú Lộc chiều 14/10.