Thứ Hai, 01/07/2019 15:45

Công bố Festival Huế 2022 và tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn

Sáng 1/1, tại Ngọ Môn – Đại Nội Huế, UBND tỉnh tổ chức chương trình công bố Festival Huế 2022.

Huế tổ chức Festival bốn mùaYêu mến và hiểu Huế mới làm cho Huế ngày càng đẹp hơnCơ hội quảng diễn nghề truyền thốngTạo không khí sôi động trong 4 tuần liên tục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu công bố Festival Huế 2022

Đến dự chương trình có các ông: Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Tiến, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các hoạt động của Festival Huế 2022 gắn với định hướng Festival bốn mùa, với chuỗi các hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm từng bước phát triển mô hình festival mới, vừa kết hợp truyền thống lẫn đương đại, có nhiều hình thức. Festival Huế 2022 xâu chuỗi, phân bố lại các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội dân gian, lễ hội cung đình và các lễ hội mới có chất lượng, quy mô tương xứng với tiềm năng, đặc trưng văn hóa, tạo nên bản sắc của vùng đất Cố đô.

Festival Huế 2022 mở đầu bằng lễ Ban sóc diễn ra ngày 1/1 tại Ngọ Môn, kết thúc bằng chương trình Countdown ngày 31/12 và điểm nhấn là Festival văn hóa, nghệ thuật đa quốc gia vào tháng 4, kết hợp với một số chương trình, lễ hội đã tạo thương hiệu tại các kỳ Festival Huế trước đây.

Theo đó, Festival Huế 2022 diễn ra suốt 4 mùa. Lễ hội mùa xuân “Sắc xuân giao hòa” (từ tháng 1-3) với các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian đặc thù, như: Lễ Ban sóc, lễ Thượng nêu, lễ hội đền Huyền Trân, lễ tế Xã tắc, Festival Thơ Huế và điểm nhấn là lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực vào tháng 3 hàng năm.

Lễ hội mùa hạ với tháng cao điểm Festival Huế “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 9 đến 13/4 với chương trình “Đêm hội khai màn” mở màn cho chuỗi hoạt động festival nghệ thuật đã được định vị của Huế, các chương trình: Lễ Tế giao, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Đại lễ Vesak, ngày hội sen Huế, ngày hội áo dài…

Lễ hội mùa thu “Thu quyến rũ” (tháng 7-9) với lễ hội Truyền lô, ngày hội Lân Huế, lễ hội đèn lồng Cố đô, lễ hội “Hương xưa làng cổ”, ngày hội hiphop... Festival Huế 2022 kết thúc với lễ hội “Giai điệu mùa đông” (tháng 10-12) gồm các hoạt động: liên hoan xiếc quốc tế, liên hoan ca Huế, Festival âm nhạc giai điệu mùa đông…

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh COVID-19, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, các sự kiện trong khuôn khổ Festival Huế 2022 sẽ được tổ chức phù hợp, linh hoạt.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Các hoạt động Festival Huế 2022 với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô văn hiến với 7 di sản được UNESCO vinh danh. Festival Huế được tổ chức theo định hướng bốn mùa lễ hội, bao gồm các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại, sự kiện thể thao, được trải dài trong năm, phù hợp với thực tế địa phương, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia.

* Hoạt động tái hiện lễ Ban sóc 

Tiến lịch vào Hoàng cung 

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt: xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ, xem lịch để ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của các viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để Hoàng gia dùng, được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Lễ Ban Sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm 1840, lần đầu tiên, lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn. Năm nay, lễ Ban Sóc được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa tại Ngọ Môn với những trình thức, nghi tiết thuở xưa...

Tái hiện lễ Ban Sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.

Một số hình ảnh tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn do Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Tái hiện nghi thức xưa

Lễ Ban sóc gồm nhiều nghi thức: khai lễ, vào lễ, tuyên chỉ ban lịch...

Cung nhân giới thiệu về nghi tiết

Thân công, Hoàng tử lĩnh lịch

Lịch còn được phát cho các quan ở kinh thành, địa phương

Lễ Ban sóc được xem là khởi đầu của năm mới

Tin, ảnh: Minh Hiền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm “sống” không gian di sản
Làm “sống” không gian di sản

Bằng việc giới thiệu các chương trình, loại hình nghệ thuật di sản bên ngoài không gian di tích, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế góp phần làm “sống” không gian thâm nghiêm cổ kính của Hoàng cung.