Thứ Ba, 21/07/2020 07:18

Đằm thắm sơn ta

Trong căn nhà cuối một con ngõ nhỏ ở đường Phạm Thị Liên, họa sĩ Lê Phan Quốc đang miệt mài hoàn thiện các bức tranh “Cổng vào cung Diên Thọ” và “Nét Huế” bằng sơn ta. Với anh, sơn ta luôn có một sức hút kỳ lạ bởi nó đem lại nét huyền ảo, sâu lắng cho tranh mà không chất liệu nào có được.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức triển lãm tranh tại Hà NộiTrưng bày bức tranh gốc của vua Hàm NghiCuộc hội ngộ của tình bạn

Tuổi hồn nhiên 1

Chiều sâu của vẻ đẹp

Có rất nhiều tranh trên các bức tường trong nhà họa sĩ Lê Phan Quốc với những gam trầm sâu lắng, dịu dàng mà sang trọng. Cảm giác thật khó gọi tên, nhưng hẳn là tranh sơn mài của Quốc đã chạm đến thật sâu trong tâm hồn và gợi cho người xem nhớ về những ngày xưa cũ đầy hoài niệm…

“So với tranh vẽ bằng sơn mài Nhật, tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam (sơn ta) đẹp hơn hẳn bởi chiều sâu mà nó đem lại. Màu sắc tranh sơn mài Nhật nổi trội, mạnh mẽ và bật ra ngoài, nhưng không có sự huyền ảo bên trong như sơn ta. Hiện sơn mài Nhật phổ biến hơn sơn ta nhiều vì dễ làm, nhanh khô, màu sắc mạnh mẽ. Vì cuộc sống, nhiều họa sĩ vẫn vẽ sơn mài Nhật nhưng nếu sáng tác thì vẫn chọn sơn ta”, Lê Phan Quốc hào hứng mở đầu câu chuyện.

22 năm theo đuổi tranh sơn mài, họa sĩ Lê Phan Quốc đã sáng tác hơn 50 tác phẩm tranh sơn mài truyền thống về đề tài phong cảnh và thiếu nữ theo phong cách hiện thực. “Phong cảnh ở Huế rất đẹp và phong phú, gợi nhiều cảm hứng sáng tác cho người nghệ sĩ. Còn phụ nữ là vẻ đẹp của tạo hóa. Mình muốn tác phẩm của mình phải có tính thông tin, nhân văn và bản sắc Việt Nam trong đó. Khi vẽ về văn hóa cổ truyền Việt Nam và các vùng, miền, chất liệu sơn ta sẽ tạo nên sự gần gũi, đằm thắm và dẫn dắt mình rất sâu mà những chất liệu khác khó diễn tả được”, họa sĩ Lê Phan Quốc cho hay. Có lẽ bắt nguồn từ niềm đam mê này mà Quốc đã hai lần đạt giải Nhì, một tại cuộc thi Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mê Kông (Mekong Art) lần thứ III - 2014 tại Thái Lan với tác phẩm “Nét duyên Tây Bắc”, và giải Nhì với tác phẩm “Tuổi hồn nhiên” tại cuộc thi Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mê Kông lần thứ II - năm 2013. Mới đây, anh lại đạt giải Khuyến khích tại Triển lãm khu vực Bắc miền Trung năm 2022 với tác phẩm “Đường về Khe Sanh”, chất liệu sơn mài.

Sơn mài Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và Việt Nam được xem là nơi phát tích và sản sinh ra kỹ thuật vẽ sơn mài. Theo họa sĩ Lê Phan Quốc, từ sơn mài trang trí vật dụng đồ dùng, các họa sĩ của Việt Nam đã phát triển, chuyển hóa lên thành tranh sơn mài. Loại hình này được khởi đầu từ các họa sĩ Việt Nam. Gần đây, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc mới làm tranh sơn mài. Tranh sơn mài còn được gọi quốc họa của Việt Nam và được người nước ngoài rất thích. Đây là lý do mà nhiều họa sĩ ở các nước đã đến Việt Nam tìm hiểu, học hỏi để làm tranh sơn mài.

Đường về Khe Sanh

Duyên

Nói về niềm đam mê với tranh sơn mài, họa sĩ Lê Phan Quốc cho biết, “từ thời sinh viên, mình đã thích tranh sơn mài. Khi thi đại học đăng ký nguyện vọng thì nguyện vọng 1 của mình là sơn mài. Nguyện vọng 2 cũng sơn mài. Dường như từ trong căn cơ con người mình đã mê sơn mài rồi nên dấn thân vào sơn mài không chỉ là lựa chọn”.

“Sơn ta có đặc tính là tạo ra sự ngẫu nhiên rất lớn. Những mảng màu và độ biểu hiện màu của sơn ta cực kỳ phong phú và hấp dẫn, khi tác phẩm hoàn thiện thì không có bức nào giống bức nào. Hiệu ứng bất ngờ đầy cuốn hút ấy lôi cuốn mình theo nghiệp vẽ tranh sơn mài”, Quốc tâm tình.

Cũng từ cây sơn, nhưng sơn mài Nhật được pha chế theo công nghệ hiện đại, còn sơn ta thì được pha chế thủ công. Sơn ta lâu khô, vẽ một lớp xong phải chờ vài ngày mới khô để vẽ một lớp mới. Do vậy mà thời gian hoàn thiện một bức tranh bằng sơn ta có khi mất cả tháng mới xong. Bù lại, tranh sơn ta có độ bền tới gần cả 100 năm, như tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên,… Trong các điện ở Đại Nội và lăng tẩm triều Nguyễn, sơn son thếp vàng giờ vẫn còn đẹp cũng chính là từ chất liệu sơn ta.

Tranh sơn mài bằng sơn ta đẹp và quý phái là vậy nhưng để sáng tác loại tranh này đòi hỏi người họa sĩ phải kiên nhẫn, có không gian sáng tác riêng nên phải đam mê lắm mới theo đuổi được. “Người sáng tác tranh sơn ta thì ý đồ, năng lượng sáng tác phải lớn và mạnh mẽ - Lê Phan Quốc nói - Mình ngày nào cũng làm việc, dường như sơn mài với mình là nghiệp rồi. Thế nên ngày nào không vẽ là cảm thấy buồn lắm”.

“Lê Phan Quốc là họa sĩ mà ngay từ thời kỳ đầu đã xoáy sâu nghiên cứu, khai thác chất liệu sơn mài truyền thống và cố gắng tìm kiếm, khai phá chất liệu đó trong biểu hiện mới. Dòng tranh của Quốc về các chủ đề phong cảnh, thiếu nữ, chân dung, thiếu nhi,… đều xuất phát và phản ánh hiện thực. Quốc đã chú ý sử dụng tính năng biểu cảm của sơn mài là gần gũi và sử dụng vỏ trứng, dát vàng lên tranh. Có thể nói, Quốc đã ra tạo khuôn mặt riêng trong giới họa sĩ sơn mài ở Huế, những sáng tạo của Quốc không đi quá xa để tạo nên những phá cách mà mà vừa tầm để làm tranh sơn mài gần gũi, thể hiện sự trong sáng,  hấp dẫn hơn, điều này rất đáng trân trọng”, PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế nói.

Bài, ảnh: Ngọc Hà

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối hoa vàng
Lối hoa vàng

Giữa một ngày mưa lâm thâm nhưng sân nhà vàng ươm màu nắng, cây hoàng mai bên hiên bung nở chẳng chờ xuân.

Không ngừng khai phá, tìm kiếm…
Không ngừng khai phá, tìm kiếm…

Ra mắt công chúng nhân kỷ niệm ngày truyền thống mỹ thuật Việt Nam, triển lãm mỹ thuật được trưng bày tại Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế từ ngày 10 đến 18/12 là nơi hội tụ những tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ sau một năm miệt mài sáng tạo.

“Khu vườn” của các nữ họa sĩ
“Khu vườn” của các nữ họa sĩ

Với nhiều chất liệu phong phú, như: sơn dầu, acrylic, sơn mài, đồ họa, trúc chỉ, lụa, tổng hợp, giấy, in kẽm… mỗi bức tranh thể hiện một loài hoa với dáng vẻ khác nhau.

Sâu lắng “Khúc tình Huế”
Sâu lắng “Khúc tình Huế”

Giai điệu ngọt ngào, ca từ mộc mạc, đậm chất Huế là nét riêng của những ca khúc viết về Huế. Thế nên, những người tổ chức “Khúc tình Huế” kỳ vọng chương trình sẽ đi vào lòng người, nhẹ nhàng mà sâu lắng.