Thứ Ba, 09/02/2010 05:43

Đặt tên kiểu Huế

Thêm một chiếc cầu nữa được xây dựng trên sông Hương. Lạ thay, điều bàn tán nhiều không phải là kiểu dáng, vị thế hay tiện ích của cầu mới xây dựng mà là tên gọi. Tôi được biết, lần đầu tiên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có thông báo mời góp ý và đặt tên cho cầu đường bộ bắc qua sông Hương được xây dựng ở gần vị trí cầu đường sắt Bạch Hổ. Và không có chi lạ khi nhiều tên gọi được đề xuất. Vậy nhưng, qua chuyện đặt tên cho cầu mới làm này lại thấy thêm một tính cách nữa của người Huế mình, rất xem trọng chuyện đặt tên (cho cả người và vật) và công việc này xem chừng không dễ khi mà sự thống nhất thường rất khó khăn.

Cách nay 10 năm, anh Dương Phước Thu cất công tìm tòi và đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Huý kỵ và quốc huý thời Nguyễn”. Tôi nhớ trong lời tâm sự đầu cuốn sách, anh Thu đã nói đến chuyện thường bắt gặp nhiều tên người, tên đất ở Thừa Thiên Huế do kiêng tránh mà phải gọi trại và thành những tên khác. Với người Việt ta, việc đặt tên không chỉ hàm chứa nhiều ý nghĩa văn hoá, thể hiện những mong ước và gửi gắm, mà một thời từ rất lâu còn thể hiện sự hiểu biết về những quy định và tục lệ mà việc kiêng tránh- huý kỵ là một minh chứng. Ở Huế càng khó khăn hơn và không có gì lạ khi hàng trăm năm trời, đây từng là thủ phủ, rồi kinh đô của đất nước. Đã có nhiều trường hợp tên gọi đã được thay đổi vì phạm huý. Chợ Đông Ba nổi tiếng là một ví dụ. Nguyên trước đó chợ có tên Đông Hoa. Cũng bởi vì đây là tên của vợ vua Minh Mạng, bà Hồ Thị Hoa gốc người Biên Hoà (Nam bộ) mà Đông Hoa đã phải gọi trệch thành Đông Ba và để rồi, định danh ấy sống mãi với thời gian.

Trở lại tên gọi những cây cầu bắc qua sông Hương. Bài thơ “Thuận Hoá thành tức sự” của nhà thơ Thái Thuận thời vua Lê Thánh Tôn có câu: “Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa/ Cầu Mống giăng sông cửa nước chừa”. Thi sĩ Quách Tấn căn cứ vào bài thơ này đã khẳng định, vào thời Lê, sông Hương đã có cầu và ít nhất có đến hai tên gọi. Cầu được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Cũng vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Cầu Trường Tiền nổi tiếng được xây dựng từ năm 1879 cũng đã có nhiều tên gọi khác nhau, ít nhất là trên giấy tờ: Cầu Thành Thái, cầu Clémenceau (tên của Thủ tướng Pháp thời đệ nhất thế chiến, sau năm 1907 khi vua Thành Thái bị Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion), cầu Nguyễn Hoàng thời Chính phủ Trần Trọng Kim. Tên gọi Trường Tiền (hay Tràng Tiền) hiện nay là từ tên gọi dân gian với nghĩa là cầu bắc qua sông Hương ở gần vị trí đúc tiền thời Nguyễn. Hay nữa là chuyện bốn mươi năm trước, có thêm một chiếc cầu mới được xây dựng mà bây giờ ta vẫn thường qua lại. Từ khi thi công cho đến khi khánh thành, chính quyền lúc bấy giờ đã chuẩn bị sẵn tên gọi là Phú Xuân, thế nhưng không ít người vẫn cứ gọi đó là cầu Mới, nghe gần gũi và thân quen lạ. Lại có người đề xuất nên đặt tên là “cầu Chống Mỹ”, gợi nhớ một thời người dân Huế xuống đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Lại nghĩ đến người Huế mình, ít nói nhưng ý tứ, thâm trầm, sâu sắc trong lời ăn tiếng nói và ứng xử hàng ngày. Ở vùng đất văn hoá - lịch sử với bao dấu ấn ken dày tầng tầng lớp lớp này, việc gán ý nghĩa cho những tên gọi không khó, vậy nhưng để tên gọi đi vào lòng người thì không dễ. Điều lạ, có khi nó chỉ là điều gì đó được bắt đầu rất bình thường. Tôi đã nghĩ đến tên gọi Đông Ba có được từ cách đọc trệch hay Trường Tiền chỉ đơn giản là cầu gần nơi đúc tiền. Vậy mà kỳ lạ thay, tên gọi Đông Ba hay Trường Tiền dung dị ra đời đã là bổ sung tuyệt vời và làm giàu thêm gia tài văn hoá Huế vốn đã có bản sắc phong phú. Đó mới là cách đặt tên kiểu Huế, phù hợp với tâm hồn, tính cách của người dân đất Thần kinh, đơn giản mà sang trọng và hơn thế, không góp nhặt và lặp lại người đời.

 Đan Duy
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.