Thứ Sáu, 09/09/2016 17:00

Dấu ấn Đức ở khu di sản Huế

“Dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong và non bộ tại điện Phụng Tiên đã kết thúc nhưng mối quan hệ của chúng ta vẫn tiếp tục được mở ra”. Ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh, đánh dấu thêm sự hợp tác đối ngoại thành công ở khu di sản Huế.

Cơ hội quảng bá di sản văn hóa HuếTham quan di tích thời 4.0Cộng đồng & di sản văn hóa phi vật thể

Bà Andrea Teufel và cộng sự tại khu di sản Huế

Điểm nhấn Phụng Tiên

Sau hơn một năm triển khai, dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong và non bộ tại điện Phụng Tiên (Đại Nội) kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, do chuyên gia Đức Andrea Teufel làm trưởng dự án, đã thành công. Dưới sự hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của bà Andrea Teufel, cổng và bình phong điện Phụng Tiên được bảo tồn và phục hồi hoàn chỉnh bằng kỹ thuật “fresco” (vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt). Kỹ thuật này từng được các nghệ nhân sử dụng trong các công trình, kiến trúc triều Nguyễn nhưng đã thất truyền.

Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng năm Minh Mạng thứ 10. Đây lại là điểm thờ tự duy nhất cho phép nữ giới trong hoàng gia tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói hàng ngày. Qua hơn 180 năm, Phụng Tiên được tu bổ nhiều lần, nhưng trong chiến tranh những công trình chính của điện bị hủy hoại hoàn toàn. Những công trình phụ còn lại, gồm: hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong, non bộ-bể cạn... cũng trong tình trạng hư hại nặng. Mục tiêu của dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình và non bộ tại điện Phụng Tiên là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco. Đồng thời, đào tạo một đội ngũ kế cận am hiểu kỹ thuật bảo tồn truyền thống này.

Bà Andrea Teufel là một trong những chuyên gia hàng đầu của CHLB Đức tham gia vào công cuộc trùng tu, bảo tồn khu di sản Huế. Bà đã gắn bó với Cố đô Huế 16 năm và là trưởng của 5 dự án liên tục. Trước điện Phụng Tiên là những dự án gắn với các di tích: Cung An Định, Tả Vu (điện Cần Chánh), Tối Linh Từ (phủ Nội vụ), cổng và bình phong lăng mộ vua Tự Đức. Với thành công của dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong và non bộ điện Phụng Tiên, bà Andrea xúc động: “Chúng tôi đã bảo tồn và phục hồi thận trọng cổng và bình phong điện Phụng Tiên kéo dài một năm với kết quả rất tốt. Nếu có ai đó nghĩ việc bảo tồn này kéo dài quá lâu, chúng ta phải bảo vệ quan điểm của mình. Bởi vì, một công trình nguyên bản là hết sức độc đáo và xứng đáng nhận được sự chăm sóc tốt nhất”.

Bền chặt hữu nghị Việt – Đức

Một trong những yếu tố khiến Thừa Thiên Huế có thế mạnh về công tác bảo tồn di sản văn hóa là có được nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt. Trong đó, CHLB Đức là một trong những đối tác để lại dấu ấn sâu sắc ở khu di sản Huế. Ngoài các khoản tài trợ, CHLB Đức còn gửi nhiều nhà bảo tồn hỗ trợ Thừa Thiên Huế thực hiện dự án. Họ là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu cứng, kiến trúc kiên cố, gạch, đá và vôi vữa.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, điều quan trọng là bên cạnh những công trình di tích quan trọng được phục hồi, còn có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo thông qua các dự án. Họ đều là những người trẻ, có nền tảng cơ bản về lý thuyết nhưng lại rất thiếu kỹ năng thực hành theo công nghệ tiên tiến. Nhờ có những dự án đó mà những người trẻ này được trưởng thành và trở thành đội ngũ nòng cốt của các đơn vị bảo tồn di tích. “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì thông qua các dự án hợp tác với CHLB Đức, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam, Đức và bạn bè quốc tế tiếp tục được củng cố và kết nối. Rất nhiều người Đức đã hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua sự kết nối từ những dự án do CHLB Đức tài trợ”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Rất nhiệt tình và thân thiện, ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam đều đến TP. Huế tham dự lễ khởi công và hoàn công dự án ở điện Phụng Tiên. Mỗi dịp đến Huế, ông đều bày tỏ tình yêu đối với Cố đô. Với ông, Huế nhỏ, xinh đẹp và rất ấn tượng bởi những di tích lịch sử văn hóa có một không hai trên thế giới. Ông vui vì được đóng góp một phần công sức vào công cuộc bảo tồn vốn di sản quý giá ấy. Hơn nữa, ngài đại sứ cũng rất đồng tình khi nhận thấy người dân Huế thường tham gia thảo luận với chính quyền về việc bảo tồn những di sản văn hóa thành phố như thế nào. Và ông hy vọng rằng, không chỉ thảo luận, người dân Huế cần trực tiếp tham gia nhiều hơn vào việc bảo tồn di sản văn hóa của thành phố, ít nhất là từ việc chung tay bảo vệ môi trường sống của thành phố và của các di sản.

Tuy chưa gọi tên cụ thể dự án nào, nhưng ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam tiếp tục có lời hẹn sẽ dành cho Huế thêm một dự án bảo tồn di sản văn hóa trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tại Việt Nam. Yêu Huế, ngài cũng nhấn mạnh rằng, chắc chắn sẽ trở lại Huế và giới thiệu thành phố xinh đẹp này với bạn bè, ngay cả khi đã hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

ASEAN Dấu ấn 2022  triển vọng 2023
ASEAN: Dấu ấn 2022 & triển vọng 2023

Năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã tập trung sự chú ý của thế giới với một loạt các hội nghị cấp cao, cho thấy sự thành công của chính sách kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị. Trong năm 2023, ngay cả khi dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, Đông Nam Á vẫn được giới chuyên gia nhận định và tin tưởng là đang nổi lên với tư cách là “người chiến thắng” về đầu tư và thương mại.

Dấu ấn trên hành trình góp sức, vươn mình
Dấu ấn trên hành trình góp sức, vươn mình

Vượt qua những thách thức từ công tác đào tạo và tuyển sinh, Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế đã và đang góp sức cùng các trường ĐH thành viên xây dựng và phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia.