Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao đổi với lãnh đạo dự án Nhà máy Thạch Anh Chân Mây của Công ty TNHH America Quartz Technology
Từ dự án Khu liên hợp Sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế tại KKT Chân Mây – Lăng Cô cho thấy, tổng diện tích đất cần phải thu hồi để thực hiện dự án là 164,9ha, với 220 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, đã thực hiện xong công tác GPMB giai đoạn 1, với diện tích 60 ha, 130 hộ dân bị ảnh hưởng.
Khó khăn, vướng mắc hiện nay là, công tác thu hồi đất, GPMB giai đoạn 2 cần thống nhất chủ trương để dự án tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, cần được đẩy nhanh các thủ tục có liên quan để sớm hoàn thành khu vực khai thác mỏ đất phục vụ dự án.
Trực tiếp kiểm tra tại dự án Nhà máy Thạch Anh Chân Mây của Công ty TNHH America Quartz Technology, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và đoàn công tác nhận thấy, công tác GPMB đã hoàn tất, hiện nhà đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai các công đoạn còn lại, phấn đấu đến tháng 6/2023 tới nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy chuyên sản xuất và gia công các bộ phận, chi tiết bằng gốm, thạch anh, đá saphia, thủy tinh, kim loại, hợp kim, phi kim, nhựa polyme và bằng các chất bán dẫn khác cho các loại máy móc, thiết bị trong ngành điện tử và bán dẫn; sản xuất và gia công nguyên liệu bán dẫn cho ngành điện tử và bán dẫn.
Qua làm việc với Công ty cổ phần Cảng Chân Mây – Lăng Cô, hiện dự án đầu tư xây dựng bến số 2 tại cảng được Ban Quản lý khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư ngày 7/3/2017 với vốn đầu tư 849 tỷ đồng.
Hiện giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 7/2021; thi công nạo vét khu nước trước bến, khu quay tàu đến độ sâu -10m, với vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 383 tỷ đồng. Giai đoạn 2, chậm tiến độ một phần do vướng mắc vị trí đổ vật liệu nạo vét, phát sinh khối lượng nạo vét khi thay đổi vị trí khu quay tàu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh đã chủ trì, tổ chức làm việc với với Cục Hải quan tỉnh, Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An và các doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh về mở tuyến container.
Đến nay, đã hình thành tuyến container nội địa đi TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng), mỗi tháng khoảng 4-6 chuyến. Tàu container quốc tế vận chuyển bia, mỗi tháng khoảng 2 chuyến. Từ tháng 10/2022 đến nay, lượng hàng container qua cảng khoảng 1.104 TEU.
Trước những khó khăn, vướng mắc tại các dự án, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu Ban Quản lý khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh phối hợp với Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nghiên cứu thật kỹ các phương án, đề ra các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng. Mục tiêu cao nhất là, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất để thực hiện các dự án.
Công tác GPMB tại dự án Khu liên hợp Sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế
Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để các dự án tiếp tục được thi công, sớm đưa vào vận hành. Với những hộ dân có nguyện vọng xin được bố trí tái định cư, cấp ủy, chính quyền địa phương làm việc với chủ các dự án để bồi thường hợp tình, hợp lý cho người dân.
Riêng về những tồn tại, khó khăn hiện nay tại Cảng Chân Mây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo UBND tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh các thủ tục để tháo gỡ khó khăn. Cần nghiên cứu riêng về quy hoạch cảng than, tránh ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đặt ra là, vừa phục vụ sản xuất, nhưng cũng cần tính toán đến yếu tố môi trường.
Liên quan đến hoạt động hàng hóa qua cảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu đơn vị tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông; có cơ chế hỗ trợ các mặt hàng.
“Những dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Lộc có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển đi lên không chỉ huyện mà cả tỉnh. Vì vậy, việc GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án là vấn đề đặt ra của không chỉ huyện Phú Lộc mà các sở, ban, ngành của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.
Bài, ảnh: ANH PHONG