Thứ Ba, 09/10/2012 17:19

Đối mặt với biến đổi khí hậu

Đầu tuần nay, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đã tức tốc có chuyến thị sát tại tỉnh Ninh Thuận-nơi những vườn nho đã héo rũ vì thiếu nước tưới. Để tìm nước, người ta đã khoan giếng sâu đến 40m nhưng vẫn vô vọng. Để cứu hơn 10.000 ha đất trồng trọt tại Ninh Thuận, chỉ còn trông chờ vào đợt lũ tiểu mãn sắp đến mà theo dự báo là sẽ khó xảy ra. Ngay cả các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới có mặt tại cuộc thị sát cũng không giấu được lo ngại về những khó khăn do biến đổi khí hậu mà nông dân Ninh Thuận đang đối mặt.

Cũng về câu chuyện biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Việt, chuyên gia khí tượng thủy văn của Thừa Thiên Huế không khỏi lo ngại khi cho hay, trong tháng 3 vừa qua, Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực Trung Trung Bộ có lượng mưa thấp nhất, với mực nước kiệt nhất kể từ nhiều năm nay.

Một hiện tượng dị thường khác xảy ra trong tháng 3 vừa qua là mưa lụt trên diện rộng khiến hàng ngàn ha hoa màu và lúa ở các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ bị ngập. Đây là trận mưa lũ bất thường khiến mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi lên cao nhất so với cùng thời kỳ, tính từ năm 1976 đến nay. Về tình hình bão, theo như mọi năm thì từ tháng 5 trở đi mới bắt đầu xuất hiện bão trên biển Thái Bình Dương và tháng 6 mới xuất hiện ở Biển Đông, nhưng năm nay, mới đến hết tháng 3 đã xuất hiện 4 cơn bão. Trong những ngày đầu tháng 2, dù chỉ vừa kết thúc mùa đông mà thời tiết đã nắng nóng như mùa hè, ve kêu sớm hơn cũng là hiện tượng không bình thường.

Theo kịch bản dự báo, nhiệt độ ở Thừa Thiên Huế sẽ tăng 0,50C vào năm 2020, 1,40C vào năm 2050 và 2,60C vào năm 2100. Lượng mưa trung bình năm tăng tương ứng 0,5% vào năm 2020, 3,7% vào năm 2050 và 6,8% vào năm 2100 với xu thế giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Do vậy, về mùa khô, hạn càng nặng nề hơn, về mùa mưa lũ, lụt càng dữ dội hơn.

Nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Việt cho thấy, tổng lượng mưa ở Huế so với cách đây 30 năm thấp hơn 5%. Số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp giảm 30% so với 30 năm trước. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngày càng xuất hiện nhiều cơn bão cường độ mạnh như bão Yangsane (2006), Ketsana (2009), Haiyan (2013)... gây thiệt hại rất lớn về người và của. Trong 20 năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, số trận lũ tăng 26% và đỉnh lũ tăng 11%.

Về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,  Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ có đặc điểm địa hình eo thắt, có các dạng địa hình, các sông đều dốc. Riêng Thừa Thiên Huế có đầm phá Tam Giang-Cầu Hai-Lăng Cô nên có nguy cơ hứng chịu những thiên tai, địa họa cao. Hiện tượng sạt lở bờ sông với trên 84 điểm có chiều dài khoảng 80km và trên 30km bờ biển là quy luật tự nhiên, nhưng trong 10 năm trở lại đây, do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng này diễn ra càng nhanh và mạnh hơn. Nhiều người lo sợ rằng nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời và thường xuyên thì e rằng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trong tương lai sẽ thông luôn với biển.

Theo các chuyên gia, Thừa Thiên Huế có thành phần nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm tỷ lệ còn cao. Có hơn 300.000 dân (khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh) sống ở vùng quanh đầm phá, chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Họ là những người chịu rủi ro nhất khi nước biển dâng và thiên tai bão lũ. Do đó, việc xây dựng các giải pháp, chiến lược ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu rất cấp bách và cần cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Về giải pháp ứng phó, Thừa Thiên Huế đã có hàng loạt văn bản có tính pháp lý ra đời và nhiều mô hình sinh kế, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đi vào cuộc sống như: mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, xây dựng làng an toàn, nhà chống bão; trồng rau trên giàn mùa lụt, nuôi trồng thủy sản xen canh, phục tráng giống lúa chịu mặn; trồng rừng ngập mặn trên một số khu vực đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, trồng cây tra, cây hóp chống sạt lở bờ biển, ngăn bão; bảo tồn đa dạng sinh học...

Tuy nhiên, để giúp người dân và nhà quản lý sớm lường trước diễn biến, việc cần làm là sớm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn để có dự báo kịp thời, chính xác. Coi trọng quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước, điều hòa chia sẻ và cân đối nguồn nước giữa các lưu vực, thực hiện đầy đủ quy trình vận hành liên hồ chứa kể cả mùa lũ và mùa khô, nhằm hạn chế lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Tiếp tục xây dựng những dự án tạo sinh kế cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Nghiên cứu, hỗ trợ áp dụng các công nghệ mới, giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và biện pháp canh tác mới phù hợp với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống giao thông, công trình đảm bảo thích ứng, giảm nhẹ tác động và các mô hình, công nghệ sản xuất xanh, thân thiện môi trường...

Trên thực tế, tác động của biến đổi khí hậu đã diễn ra hàng ngày trước mắt, gây ra nhiều thiệt hại. Nếu không có kế hoạch ứng phó sớm thì hậu quả sẽ khó lường.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.