Chủ Nhật, 14/02/2016 14:20

Dồn điền đổi thửa ở Điền Lộc: Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Được đánh giá đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở huyện Phong Điền, với diện tích đất canh tác trên 313 ha, xã Điền Lộc có điều kiện để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Hy vọng về một “cú hích”

Đo đạc đất ruộng tại xã Điền Lộc

Ông Dương Thuận, hộ trồng lúa ở thôn Nhì Đông cho biết, trước đây, gia đình ông canh tác trên 5 thửa ruộng tại các vùng Đất Bắc, Cồn Đao, Ruộng Cạn, Nội Điền, Bờ Du với diện tích trên 1ha. Để làm 5 thửa ruộng này, gia đình ông phải mất 5 ngày cho mỗi khâu, từ làm đất, gieo cấy, bỏ phân, bơm thuốc, thu hoạch... Năng suất lúa rất bấp bênh do mỗi vùng mỗi khác chỉ từ 55-62 tạ/ha. Năm 2017, thực hiện chủ trương DĐĐT của xã Điền Lộc, gia đình ông nhận 2 thửa ruộng lớn, diện tích trên 1ha tại vùng Nội Điền, Cồn Đao. Qua 2 vụ mùa, gia đình ông thấy hiệu quả hơn hẳn. Trước đây mất 5 ngày cho các khâu thì nay chỉ còn 2 ngày. Năng suất cũng tăng lên trên 65 tạ/ha

Không riêng gia đình ông Thuận, nhiều hộ gia đình ở Điền Lộc từ chỗ có 4-5 ô thửa, nay dồn lại còn từ 1-2 ô thửa lớn, tạo điều kiện để người dân đầu tư gieo cấy các loại lúa hàng hóa chất lượng cao, giảm  chi phí sản xuất, ngày công lao động. Sau khi đổi thửa, các hộ dân có điều kiện đầu tư phân bón, thuỷ lợi, nhất là không còn phải đi xa trong quá trình sản xuất vừa mất công sức, vừa mất thời gian. Đây là chủ trương đúng đắn của nhà nước, các hộ nông dân trong cánh đồng này đều thống nhất, đồng tình cao.

Ông Hồ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc thông tin: Hiệu quả rõ nhất khi thực hiện thành công DĐĐT, đó là đã tạo điều kiện tổ chức tốt lại hệ thống mạng lưới giao thông nội đồng, đảm bảo thuận canh thuận cư, tưới tiêu thuận lợi; từ đóquy tụ được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bố trí lại các loại đất công ích, đất giao thông, thủy lợi giúp công tác quản lý đất đai thuận lợi và chặt chẽ hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giảm bớt áp lực thiếu lao động. DĐĐT giúp địa phương có điều kiện bố trí các loại cây trồng ở từng vùng đất, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả kinh tế cao hơn; tạo thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đạt hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Đến nay, xã Điền Lộc đã liên kết với Công ty Quế Lâm quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 16ha. Trong đó, Công ty Quế Lâm cung ứng giống, vật tư, phân bón; đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, lợi nhuận tăng 20-25% so với cây lúa bình thường. Xã cũng đã liên kết với Công ty Hưng Cúc (Thái Bình) quy hoạch vùng sản xuất lúa theo hướng VietGap với diện tích 50ha. Trong đó, Công ty Hưng Cúc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá đầu ra ổn định, tăng 10% so với giá lúa bình thường. Xã đã quy hoạch, chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen với diện tích 15ha. So với cây lúa, cây sen cho thu hoạch gấp 2 đến 2,5; quy hoạch, đưa vào sản xuất rau sạch công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích là 4.000m2. Trong đó, đầu tư xây dựng nhà kính trên diện tích 500m2 với kinh phí trên 200 triệu đồng...

Theo ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc, sau khi hoàn thành DĐĐT, xã sẽ tạo điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, tạo cú hích cho kinh tế tại địa phương.

Sau khi giao đất thực địa hoàn thành và kết thúc thu hoạch lúa vụ hè thu, UBND xã chỉ đạo HTXNN tổ chức vận động người dân phá các bờ thửa để tăng rộng diện tích, tổ chức cải tạo và nạo vét các kênh mương thủy lợi và một số tuyến giao thông theo quy hoạch, đầu tư cải tạo trạm bơm Bến Cây đa với tổng kinh phí khoảng 250 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương, bước đầu đã chống ngập úng cho một số diện tích thấp trũng. Qua sản xuất vụ đông xuân cho thấy không có diện tích nào bị chết do ngập úng làm thiệt hại cho những hộ có diện tích sâu trũng. UBND xã sẽ phối hợp với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện để đo vẽ chỉnh lý bản đồ hồ sơ địa chính để cấp lại giấy chứng nhận quyền sử sụng đất trồng lúa.

Đến nay, xã Điền Lộc đã thực hiện DĐĐT tại xứ đồng ở các thôn Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây và Giáp Nam và những diện khác. Trước đây, toàn xã có hơn 313ha đất ruộng với 3.143 thửa của 639 hộ dân, bình quân mỗi hộ có từ 4-5 thửa; sau khi DĐĐT còn lại 1.383 thửa, giảm 1.760 thửa, bình quân mỗi hộ là 2,16 thửa...

Bài, ảnh: Hải Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.

Về Điền Lộc, nhớ ông Xuân
Về Điền Lộc, nhớ ông Xuân

Nắng chói chang nhưng lối về xã Điền Lộc (Phong Điền) hôm nay rợp màu xanh với ruộng lúa, ô màu nối dài. Như bao lần qua đây, tôi lại nhớ ông Hoàng Xuân, một người cộng sản kiên trung đã quyết tử cho quê hương. Gần 50 năm đã về nơi đất mẹ nhưng khí tiết không chịu khuất phục trước kẻ thù bao năm ấy của ông luôn được người dân, đồng đội khắc ghi.