Thứ Tư, 06/09/2017 11:06

Du lịch tìm cách vượt khó thời dịch COVID - 19

Khi cánh cửa đón khách quốc tế từ một số thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và một số nước châu Âu khép lại do ảnh hưởng của dịch virus Corona (COVID-19) cũng là lúc các doanh nghiệp lữ hành xoay xở tìm hướng đi mới. Chưa thể thống kê được tổng thiệt hại trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng đây được xem như một liều thuốc, hay đơn giản là phép thử để tăng cường sức đề kháng cho ngành “công nghiệp không khói”.

Phối hợp tích cực để phòng chống dịch bệnh tốt nhấtTrang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ khách trong mùa dịchKiểm dịch y tế cho gần 2.500 thuyền viên và hành khách quốc tếCó phương án theo dõi sức khỏe khách Trung Quốc lưu trú ở Laguna Lăng CôChủ động có giải pháp khôi phục du lịch sau dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Thống kê sơ bộ lượng khách trên địa bàn tỉnh bắt đầu giảm từ tháng 2, mức giảm từ 20-30% với khoảng 16.000 lượt phòng (khoảng 29.000 khách) bị hủy, khoảng 2.300 tour của các đơn vị lữ hành trong tỉnh (khoảng 7.000 khách) bị hủy. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 110 tỷ đồng.

Ngoài thiệt hại bằng về tài chính, còn lắm kiểu thiệt hại khác. Chẳng hạn, việc đầu tư, nâng cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách và xu thế du lịch chung theo kế hoạch của nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng, các doanh nghiệp đều căng mình với việc thương lượng với khách hàng hủy tour, thỏa thuận tiền cọc với các đơn vị vận chuyển, với các đối tác và giải quyết mọi thứ liên quan”

- Con số thiệt hại sẽ dừng lại đó, thưa ông?

Đúng như thế. Dự kiến, tháng 3 và 4 lượng khách sẽ còn giảm mạnh, trong đó đáng chú ý là thị trường khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và các nước châu Âu. Rồi do thay đổi lịch học toàn quốc và tâm lý e ngại, lượng khách trong nước dự kiến sẽ giảm và vào mùa du lịch nội địa cũng muộn hơn. Vì thế, thiệt hại khả năng sẽ gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với tháng 2. Điều này, dẫn tới các dịch vụ đi kèm với ngành du lịch như lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, trình diễn nghệ thuật, sản phẩm lưu niệm… cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề.

Theo tôi được biết, thời điểm này một số khách sạn gặp khó khăn trong việc duy trì, trả lương cho nhân viên, các khoảng điện nước, bảo hiểm. Nhiều khách sạn có kế hoạch cho nhân viên nghỉ bù, nghỉ phép, tạm nghỉ không lương, thậm chí cho giảm dần từ 20% đến 70% nhân sự trong các tháng tới nếu tình hình dịch bệnh chưa được khống chế.

- Điều đó cho thấy “sức đề kháng” của doanh nghiệp du lịch chưa tốt?

Đợt dịch lần này có thể xem là phép thử, kiểm chứng được “sức đề kháng” của rất nhiều doanh nghiệp du lịch. Qua khảo sát, chúng tôi được biết chỉ có một số doanh nghiệp du lịch lập quỹ dự phòng rủi ro để hỗ trợ cho nhân viên cũng như tự bảo vệ mình trước những bất trắc khó lường. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từ đó, tạo ra sức “đề kháng” cho doanh nghiệp.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương hợp tác liên kết với nhau. Có những doanh nghiệp trước đây hô hào kết nối chia sẻ dùng chung sản phẩm nhưng chưa làm được thì nay sẽ là dịp cùng ngồi lại với nhau tìm hướng kết nối vượt khó.

Mới đây, trong một cuộc trao đổi với các doanh nghiệp trước tình hình khó khăn do COVID-19 với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, nhiều doanh nghiệp đề xuất ý kiến, xin giãn thời gian nợ, giảm lãi suất vay, vay lại với lãi suất đặc biệt từ quỹ hỗ trợ, giảm thuế thuê đất… Vấn đề này xem ra rất khó, do ngân sách tỉnh năm nay sẽ hụt thu khá lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng lãnh đạo tỉnh đã tổng hợp, tiếp nhận và sẽ xem xét những đề xuất của doanh nghiệp.

Du khách nội địa vui chơi Bạch Mã - Thác Trượt

- Có kịch bản nào, nếu tình hình khó khăn này còn kéo dài?

Có hai kịch bản mà ngành du lịch đã đặt lên bàn. Cụ thể, ngoài dòng khách nội địa chuẩn bị vào mùa từ quý II, ngành du lịch đang xoay trục, nhắm vào du khách quốc tế đến từ các thị trường tiềm năng lâu nay như Nga, Đông Âu, Ấn Độ, Indonesia… Các nước này được xem thị trường còn khá an toàn, vẫn đang duy trì đường bay đến Việt Nam, đặc biệt, sắp tới khi có các chuyến bay thẳng từ Nga, Ấn Độ và Indonesia tới Đà Nẵng. Như thế, cũng là cơ hội cho Thừa Thiên Huế và các địa phương lân cận. Vì thế, ngành và các đơn vị đang liên kết kích cầu, quảng bá, xúc tiến để thu hút các dòng khách này ra Huế.

Trong trường hợp khác, nếu không có khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới do dịch bệnh bùng phát ở các châu lục, ngành phải  tính đến tập trung kích cầu du lịch nội địa đồng thời với việc tích cực duy trì các điểm đến an toàn trong nước. Vận động người Việt Nam sử dụng sản phẩm du lịch Việt Nam; người địa phương tìm hiểu trải nghiệm lịch sử, văn hóa và danh thắng nơi mình đang sống; các doanh nghiệp du lịch địa phương liên kết sử dụng sản phẩm của nhau.

Liên quan đến hai kịch bản này, Tổng Cục Du lịch cùng Hiệp Hội du lịch Việt Nam cũng đang lên kế hoạch khôi phục ngành du lịch hậu dịch COVID - 19 và chương trình kích cầu du lịch nội địa và quốc tế để đề nghị các địa phương toàn quốc đồng loạt triển khai.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

Với tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành du lịch đang phối hợp với các hãng bay có chính sách giảm 50% giá vé từ Huế đi các địa phương khác và ngược lại, đề xuất tỉnh có chính sách ưu đãi. Vận động các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, điểm đến, bán hàng và lữ hành xây dựng gói kích cầu du lịch theo nguyên tắc “tăng số lượng, chất lượng dịch vụ nhưng giữ nguyên giá thành”, hoặc có “giá ưu đãi, khuyến mãi nhưng đảm bảo giữ nguyên chất lượng dịch vụ”.

Hiện nay, sở đã kết hợp với Hiệp Hội du lịch kêu gọi được khoảng 40 doanh nghiệp đăng ký, tham gia gói kích cầu du lịch địa phương để gửi Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành lớn nhằm công bố rộng rãi và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương được kết nối với đơn vị bạn. Nhiều doanh nghiệp khác đang xây dựng các gói kích cầu của đơn vị để tiếp tục đăng ký tham gia.

Ngoài ra, kết hợp với các Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp lữ hành ở hai đầu đất nước để họ biết chương trình kích cầu của mình để tìm hiểu, liên kết, xây dựng chương trình tour kích cầu hấp dẫn và ưu đãi đưa khách đến Huế. Riêng với Huế, các đơn vị lữ hành sẽ liên minh xây dựng một số tour, tuyến mới, hoặc làm mới một số tour tuyến đã có dựa vào lợi thế về di sản văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, môi trường sống trong lành,đang được biết đến là điểm đến của bối cảnh nhiều phim Việt Nam, nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu các dòng khách đang cố gắng duy trì để công bố trong tháng 3 và đầu tháng 4.

Huế cũng sẽ liên kết với ba địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình hình thành tour 4 địa phương để sử dụng dịch vụ lẫn nhau.

-  Với khách nội tỉnh, thì sao thưa ông?

Ngành du lịch tỉnh đang khuyến khích du khách là người dân trong tỉnh tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng ở địa phương; các doanh nghiệp du lịch địa phương cần liên kết sử dụng sản phẩm của nhau. Sở cũng đang tiến hành khảo sát, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp về chương trình kích cầu du lịch nội tỉnh và các đề xuất liên quan để báo cáo tỉnh để có sự hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, sở kêu gọi các ngành dịch vụ, cung ứng nguyên liệu, sản phẩm liên quan cùng liên kết, hỗ trợ, đồng hành để có những ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch cùng đưa ra sản phẩm tốt nhất với giá ưu đãi nhất trong bối cảnh hiện nay. Với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước, sở sẽ thường xuyên chuyển tải thông điệp điểm đến an toàn, thân thiện và hẫn dẫn để du khách gần xa biết; tăng cường quảng bá, xúc tiến các gói kích cầu, sản phẩm tour, tuyến đến các đối tác và thị trường; hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh hình thành các gói kích cầu liên tỉnh, liên vùng.

Thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp với ngành y tế tiếp tục duy trì công tác phòng ngừa dịch đảm bảo an toàn sức khỏe cho lực lượng nhân sự của ngành, du khách và cộng đồng.

Nhiều sản phẩm du lịch mới

Không gian nhà vườn An Hiên sau thời gian làm mới, đưa vào hoạt động

Thời gian gần đây, có khá nhiều sản phẩm mới lạ rất phù hợp với người địa phương, nhất là giới trẻ, như Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng, Không gian nghệ thuật Đông Khuyết Đài, Khu du lịch Sinh thái YesHue Eco – Thác Mơ, Làng Bạch Mã- Thác Trượt, làng du lịch cộng đồng A Nôr – A-lưới, các bối cảnh đẹp trong phim "Mắt Biếc" và phim "Nàng dâu Xứ Huế" (Gái già lắm chiêu 3) ở thôn Hà Cảng - huyện Quảng Điền, phố cổ Bao Vinh – Thị xã Hương Trà, vùng Phú Mộng – Kim Long,… thêm một loạt các vườn hoa tạo tiểu cảnh ở vùng ven TP. Huế đang là những điểm check-in rất nổi.

Các điểm đến mới này nếu được kết hợp, lồng ghép với các sản phẩm truyền thống lâu nay như di sản, di tích văn hóa, làng nghề truyền thống, điểm đến đầm phá, suối thác đang được khai thác hay sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe dựa vào suối khoáng nóng sẽ làm mới các chương trình tour tuyến hoặc hình thành các tour mới chuyên để riêng khá hấp dẫn dành cho các nhóm cộng đồng địa phương, các nhóm gia đình, đoàn thể.

PHAN THÀNH - THU LINH (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.