Thứ Tư, 28/11/2012 15:01

Giữa sắc màu phật đản…

Những ngày này những người con Phật các giới ở Huế đang nao nức chuẩn bị đón mừng kỷ niệm Phật đản Phật lịch 2559.

Với Cố đô Huế, một trung tâm Phật giáo lớn của miền Trung và của cả nước, từ rất lâu rồi, mùa Phật đản luôn là một sự kiện được các giới phật tử đón chờ với niềm tôn kính. Không chỉ có các tổ đình, tự viện, niệm phật đường mà đến cả tư gia, tất thảy đều treo đèn kết hoa để cúng dường. Và cũng từ lâu lắm rồi, Phật đản đã không còn dừng lại là một nghi lễ tôn giáo thuần túy, mà đã trở thành một lễ hội, một sự kiện văn hóa tỏa lan trong toàn xã hội.

Với chủ trương nhất quán tôn trọng tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta, và cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân ngày mỗi được cải thiện, nhiều năm gần đây đại lễ Phật đản cũng được tổ chức ngày càng quy mô hơn. Bắt đầu từ đầu tháng 4 âm lịch, chùa chiền, khuôn hội, ban trị sự các cấp…đã triển khai công tác thiết trí trang hoàng. Công việc được tiến hành trong không khí khẩn trương nhưng đầy hân hoan. Và thường thì sau khoảng chừng 1 tuần lễ, mọi thứ đều đã nghiêm cẩn sẵn sàng. Sắc màu Phật đản đã lung linh rạng rỡ nơi nơi cho tuần lễ Phật đản bắt đầu.

Phật đản 2559- Ất Mùi 2015 cũng vậy. Đến thời điểm này, Bảy đóa sen hồng-Công trình mang dấu ấn của Tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phát tâm cúng dường Phật đản hàng năm đã được hạ thuỷ và rạng tỏa hàng đêm trên dòng Hương xứ Huế. Cờ Tổ quốc, cờ Phật giáo đã tung bay rợp phố; đèn lồng ngũ sắc, các cụm pano kính mừng Phật đản… đã được bài trí khắp các cửa ngõ dẫn vào thành phố, trên các cây cầu, các tuyến phố chính, tại các công viên, các điểm công cộng, trên các lối dẫn vào các tổ đình, chùa viện…; các điểm lễ đài cũng đã hoàn thiện đón du khách, phật tử đến tham quan, chiêm bái. Tại các chợ khắp trong tỉnh, không khí mua bán chừng cũng rộn rịp tươi tắn hơn. Bông trái, trầm hương, đồ ăn chay… được bày biện, người mua kẻ bán như cũng nhẹ nhàng hoan hỷ hơn ngày thường...

Phật đản là ngày lễ chung, nhưng Phật đản ở Huế hình như lại khác so với nhiều nơi. Nó đầm ấm, trang nghiêm, thiền vị hơn nhiều. Đó là nhận xét không hoàn toàn mang tính chủ quan, võ đoán của riêng cá nhân ai mà là của nhiều người đã hữu duyên được một lần đắm mình vào không khí Phật đản xứ Huế. Lý giải điều này, giới nghiên cứu văn hóa Phật giáo cho rằng ấy cũng là bởi nhờ Phật giáo Huế còn giữ được bản sắc, ít xô bồ, lai tạp như thực trạng của một số vùng miền khác.

Trước thềm Phật đản, may mắn được góp mặt trong một cuộc luận bàn về câu chuyện Phật giáo xứ Huế, chúng tôi lấy làm thú vị khi được nghe các bậc thức giả phân tích, mổ xẻ vấn đề dưới nhiều góc cạnh. Có người bảo, Phật giáo Huế còn giữ được nét thuần khiết là do được đứng chân, được nuôi dưỡng trên vùng đất văn hóa, ít xô bồ như Huế. Ý kiến khác lại nêu, chính nhờ Phật giáo truyền vào từ rất sớm, văn hóa Phật giáo, giới luật Phật giáo, đạo đức Phật giáo đã ăn sâu vào đời sống của đại bộ phận dân Huế, nhờ thế mà Huế bây giờ vẫn giữ được vẻ yên bình tĩnh lặng, ít náo nhiệt như nhiều đô thị khác…

Câu chuyện bất chợt đề cập đến Phật đản, có ý kiến hào hứng, chưa bao giờ Phật giáo phát triển rực rỡ như hiện nay. Không chỉ có lễ Phật đản được tổ chức ngày mỗi quy mô, mà cả xây chùa dựng tháp, ấn tống kinh sách, công tác phật sự…tất tật đều được thuận duyên.

Ý kiến được tán đồng khẳng định. Song, nhiều người vẫn mong bên những thành tựu có tính bề nổi ấy, làm sao cho những giá trị Phật giáo được thấm đẫm, được hành trì trong mỗi người con Phật, đó mới là điều căn bản nhất. Họ bảo, sơ đẳng nhất như 5 giới (điều răn) mà đức Thích Ca Mâu Ni khuyên dạy chúng phật tử tại gia, chỉ cần ai ai cũng thực hành một vài giới thôi là đã hạnh phúc cho xã hội lắm. Chẳng hạn “Không nói dối” (giới thứ 2), mọi người sống với nhau chân thành, trung thực, làm việc bằng tất cả tâm sức chứ không “làm màu” cho có lệ; hay “Không trộm cắp” (giới thứ 4), của ai người ấy hưởng, không tơ hào những cái không phải của mình, không tham ô của công…

Từ những người con Phật, những giá trị tốt đẹp ấy sẽ tỏa lan sang những người xung quanh, và xã hội sẽ thánh thiện, sẽ tốt đẹp lên nhiều. Điều ấy mới quan trọng, mới ý nghĩa vĩnh hằng. Đi giữa lung linh sắc màu Phật đản, mong cầu chỉ một điều bình dị như vậy…

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.