Chủ Nhật, 26/03/2017 18:27

Gỡ “thẻ vàng” - thời gian không còn nhiều

Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, thị trường châu Âu (EU) đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% là thông tin của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU ((khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), được tổ chức ngày 25/9 vừa qua. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ sau 2 năm (23/10/2017) Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam.

Tác động của “thẻ vàng” trước tiên ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi toàn bộ các lô hàng xuất khẩu vào EU đều bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và phát sinh thêm chi phí kiểm tra nguồn gốc và phí lưu cảng, thậm chí bị trả về làm giảm sức cạnh tranh, lợi nhuận của các doanh nghiệp. Không những thế, khách hàng tại EU e ngại bị phạt theo quy định IUU nên sẽ giảm và ngừng nhập hàng hải sản của Việt Nam. Chưa hết, EU là thị trường tín chỉ nên khi bị thẻ đỏ, các thị trường khác có thể áp dụng các biện pháp tương tự đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Trên bình diện rộng hơn, khi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản gặp khó khăn sẽ dẫn đến lượng thu mua thủy hải sản giảm, giá thu mua thấp sẽ tác động ngược trở lại với chủ tàu, ngư dân. Sản phẩm đánh bắt được khó tiêu thụ, giá bán thấp sẽ khiến các chủ tàu không thể duy trì hoạt động, thậm chí nằm bờ; ngư dân phải bỏ nghề, xa biển…

Phân tích như trên để thấy tác động sâu rộng của “thẻ vàng” trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của từng địa phương và cả quốc gia, cũng như sự cấp thiết của việc chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC.

Gần 2 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC, như luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về IUU trong Luật Thủy sản 2017; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản đồng loạt treo biển cam kết chống khai thác IUU, chỉ mua nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Ngư dân bắt đầu thực hiện lắp đặt giám sát hành trình, ghi nhật ký đánh bắt của tàu; cải hoán tàu đáp ứng các quy định đánh bắt xa bờ. Các cảng cá được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc thủy hải sản khai thác cho các tàu cá.

Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương, ngư dân, doanh nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định chống khai thác IUU. Với Thừa Thiên Huế, việc cảng cá Thuận An xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu cập bến của các tàu cá, nhất là các tàu công suất lớn khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc khai báo, chứng nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt. Với ngư dân, việc đầu tư lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình hay đầu tư cải hoán, nâng công suất đáp ứng quy định tàu đánh bắt xa bờ cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn lực có hạn, năng lực tiếp thu, vận hành trang thiết bị mới, ghi nhật ký của ngư dân hạn chế…

Theo kế hoạch, tháng 11/2019, EC sẽ tiếp tục có đợt đánh giá về “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp, chủ tàu, ngư dân cần chung sức, rốt ráo thực hiện các quy định về chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam. Nếu không giải quyết được vấn đề chống khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Khi đó, toàn bộ các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU. Đây là điều không mong muốn, bởi những tác động xấu đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các địa phương và cả nền kinh tế của nước ta.

Hoàng Minh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phái yếu ra khơi
Phái yếu ra khơi

Dong thuyền ra biển giờ đây không còn dành riêng cho đàn ông. Với nhiều gia đình ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), điều khiển thuyền đi đánh bắt xa bờ (ĐBXB) đã trở thành nghề chính của phụ nữ.

Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển
Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển

Trưa 25/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng Phong Hải phối hợp với gia đình nạn nhân vừa tìm thấy thi thể ngư dân Nguyễn Văn Siêu trôi dạt vào bờ biển xóm Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền.

Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Sau hơn 5 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, 28 tỉnh ven biển trong cả nước vẫn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức trong khai thác hải sản tuân thủ quy định pháp luật. Bằng sự đồng lòng của các cơ quan, đơn vị, cùng với lực lượng biên phòng, nghề cá đã đồng loạt thực hiện chống khái thác bất hợp pháp, không theo quy định trong năm 2023.

Chìm tàu, một thuyền viên mất tích
Chìm tàu, một thuyền viên mất tích

Sáng 22/2, ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển.

Tự tin vươn khơi
Tự tin vươn khơi

Toàn bộ tàu thuyền đã cập cảng, về bờ trước khi không khí lạnh, biển động mạnh đợt này xảy ra. Lượng hải sản chuyến biển đầu năm tuy không lớn, nhưng là lộc khởi đầu cho một năm suôn sẻ, bội thu.