Thứ Tư, 21/02/2018 14:38

Gửi đam mê vào âm nhạc dân gian

Những giá trị văn hóa của người Tà Ôi luôn hiện hữu, chỉ là trong thời buổi hiện đại nó bị khuất lấp đằng sau những biến thiên của thời cuộc. Giới trẻ ít mặn mà lưu giữ âu cũng có lý do, nhưng không phải tất cả, Rapat Ngọc Hà (thôn A Đớt, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) là một trong số ít chàng trai miền sơn cước cố níu giữ bản sắc văn hóa Tà Ôi.

Nữ thủ khoa sư phạm yêu thích âm nhạc dân gianKhai mạc trại sáng tác “Nhịp sống Huế”“Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, 25 năm một hành trình” – một công trình quý giá

Rapat Ngọc Hà (bên trái), trong một lần trình diễn dân ca dân nhạc của người Tà ÔI

20 tuổi, độ tuổi đẹp nhất để ước mơ, nhưng khi các bạn đồng lứa tiếp nhận ánh sáng văn minh thì Ngọc Hà vẫn thu mình bên bản làng heo hút. Năm vừa rồi, Hà mới quyết định xuống núi để đặt bước đi đầu tiên cho sự nghiệp. Hà chọn nghề may nhưng tâm trí vẫn ở lưng trâu, ở bản làng dưới chân đồi. “Em học xong sẽ quay trở lại núi, đó là quê hương em không thể nào dứt bỏ”, Hà nói.

Nhắc đến Rapat Ngọc Hà, những con dân bản làng hình dung về một chàng trai hiền lành, nhỏ nhắn và đam mê văn hóa Tà Ôi, còn với tôi, trò chuyện với Hà dường như những ý niệm về phong cách hiện đại chiếm lĩnh giới trẻ vùng cao tan biến.

Sinh ra trong một gia đình nghèo vùng biên viễn, Hà không nghỉ học sớm như đa phần giới trẻ vùng cao. Năm 2018, anh tốt nghiệp THPT thậm chí sau đó đậu vào 2 ngành báo chí và xã hội học của Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Song, Hà dường như không có cơ duyên với con đường học hành, cũng tại bởi cái đam mê dân ca dân nhạc vùng cao đã thấm vào máu thịt từ lâu. “Ngày nhà trường thông báo thời gian nhập học cũng là thời điểm em đi trình diễn văn hóa Tà Ôi ở xa nên bỏ lỡ con đường học tập. Song, em không hề hối hận với quyết định đó. Trong em, niềm đam mê dân ca dân nhạc Tà Ôi không có gì thay thế được”, Ngọc Hà bày tỏ.

Vốn có năng khiếu về văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số, từ nhỏ, Rapat Ngọc Hà đã là cái tên được cán bộ địa phương điền vào trang giấy mỗi khi vào dịp lễ hội hay thi thố. Từ hội thi nhỏ do trường, xã, huyện tổ chức đến các hội diễn mang tầm quốc gia, quốc tế như, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung tại Quảng Nam, Ngày hội diễn xướng dân gian các dân tộc Việt Nam khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên tại Lâm Đồng, Ngày hội thổ cẩm các Dân tộc Việt Nam ở Đắk Nông, Ngày hội giao lưu văn hóa thể thao du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào tại Thừa Thiên Huế… Và, Hà đã đạt nhiều giải cao.

Rapat Ngọc Hà (bên phải) giới thiệu thổ cẩm người Tà Ôi đến du khách

Với người Tà Ôi, loại hình dân ca dân nhạc tạo ra nét đặc trưng riêng biệt. Trong suy nghĩ của nhiều người, những già làng, trưởng bản mới thông thuộc, tường tận, song, Rapat Ngọc Hà dường như đã kết tinh những tinh túy đó trong thân hình nhỏ bé. Hà không chỉ thành thạo với các điệu dân ca như, cha châp, ba boch, kar lơi, ri roi,… hay các điệu dân nhạc với chiêng, trống, tù và, khèn, sáo, đàn… mà còn biết chế tác các loại sáo như, areng tireel kakăl; ahel; toát, toh âl loh… Các loại đàn như, ntrưl, tappreh alui, abel, pung pang, nkrao, tapplưng và các loại nhạc làm bằng sừng gồm tù và, karyok ayol… cũng được Hà chế tác, đưa vào phục vụ dịp sinh hoạt văn nghệ dân gian của địa phương.

“Ba boch là điệu dân ca đặc trưng nhất của người Tà Ôi, dùng cho cả nam và nữ, hát về nhiều nội dung như boch nhim, boch chi ronh, boch pasear yang, boch ntói ira. Kar lơi là thể loại hát đối đáp giàu tính triết lý, dành cho các vị già làng, trưởng bản, trưởng gia tộc, trưởng dòng họ và những người lớn tuổi trong thôn bản, có kinh nghiệm sống để truyền cảm, thắt chặt quan hệ cộng đồng, tỏ ý khuyên răn thế hệ trẻ hãy chăm lo cuộc sống, siêng năng lao động. Cha châp dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Người lớn tuổi hát lên điệu cha châp để giáo dục luân thường đạo lý cho con cái, gia đình hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong cộng đồng, xã hội. Đàn ông sẽ hát điệu ri roi. Và, còn có “Hát ru”, dân ca mới về ca ngợi Đảng, biết ơn Bác Hồ…”, Hà phân tích rành mạch.

Bây giờ điều Hà luyến tiếc nhất là không lưu lại những chỉ bày của các già làng ngày trước bằng văn bản. Trong số già làng dạy Hà những điệu nhạc đầu tiên có người đã khuất núi, những thanh âm bây giờ được lưu giữ trong chàng trai tuổi đôi mươi. “Dân tộc Tà Ôi còn nhiều giá trị văn hóa chưa được tìm kiếm, nếu để lâu sẽ mất lối đi. Dù em học nghề dưới đồng bằng, nhưng A lưới có hội diễn gì em cũng sẵn sàng góp sức. Học xong nghề em sẽ trở lại vùng cao lập nghiệp và giữ gìn văn hóa Tà Ôi”, Rapat Ngọc Hà chia sẻ.

Nói về Rapat Ngọc Hà, TS. Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới kỳ vọng: “Hà là đại diện cho một dòng họ hiếm của người Tà Ôi, là một tài năng nghệ thuật dân gian còn rất trẻ ở A Lưới, biết yêu văn hóa quê hương. Không chỉ có nhiều thành tích trong các hội diễn trong và ngoại tỉnh, mà Hà còn là một nghệ nhân chế tác nhạc cụ trẻ. Chúng tôi hy vọng, những ước mơ của Hà về lưu giữu văn hóa Tà Ôi sẽ thành hiện thực, để lan tỏa trong cộng đồng những thứ thuộc về nguồn cội”.

Bài, ảnh: Lê Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đuổi đam mê
Theo đuổi đam mê

Đam mê công nghệ thông tin, Nguyễn Phan Nguyên Bảo (lớp 12 Tin 2, Trường THPT chuyên Khoa học) đã đăng ký tham gia cuộc thi “Edison – Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khoa học” do trường tổ chức. Bạn đồng hành cùng Bảo là Nguyễn Huỳnh Minh Nhật (lớp 11 Toán – Lý).

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử
Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

Với cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) Phạm Đức Lương, việc học không đơn thuần chỉ là thu nạp kiến thức, đó còn là hành trình chinh phục và vượt qua những thách thức của bản thân.

Ký ức trò chơi dân gian
Ký ức trò chơi dân gian

Nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đưa trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa ở các trường học và khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể thao, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.