Biết có khói, nhưng với không ít người, điều này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nên “không mấy ảnh hưởng” và cứ “xưa răng, chừ vậy” thôi. Theo lý giải của bà con nông dân, rơm rạ sau thu hoạch mùa vụ gần như tận dụng được hết vào chăn nuôi, sản xuất. Việc cày vùi lại tốn nhân công… nên đốt là cách làm truyền thống, nhanh, gọn để xử lý phần còn lại trên đồng ruộng sau thu hoạch. Đó cũng là cách để loại trừ cỏ dại, dễ cày xới và tro đồng cũng sẽ trở thành phân bón cho các vụ sau.
Dưới góc nhìn của kỹ sư khuyến nông, đây là điều cần phải thay đổi vì việc đốt rơm rạ không chỉ làm các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất biến thành chất vô cơ, mà còn làm đồng ruộng mất đi một lượng nước trong đất; làm chúng trở nên chai cứng, khô cằn, mất độ phì nhiêu và mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Vì thế, việc bà con ít hoặc không còn dùng phương pháp cày vùi là điều đáng tiếc vì cộng với thời gian phân hủy hợp lý, rơm rạ sẽ biến thành phân bón và người nông dân sẽ tốn ít chi phí đầu tư hơn.
Theo tìm hiểu và quan sát của chúng tôi, thay vì đốt đồng, nhiều nơi – trong đó có Thừa Thiên Huế - bà con đã dùng máy cuốn rơm trên các cánh đồng và sử dụng chúng vào một số công đoạn sản xuất khác, như trồng nấm, trữ thức ăn cho trâu bò mùa mưa gió, làm nấm rơm; che phủ đất để trồng cây; chế biến phân hữu cơ… Đây cũng là một cách làm hạn chế được những tồn tại và phát sinh do khói đồng, lại giảm bớt được chi phí về mặt thời gian, nhân lực.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, diện tích gieo cấy lúa hàng năm trên địa bàn tỉnh vào khoảng 54,5 ngàn ha. Tính ra, mỗi ha cho 4 tấn rơm khô thì lượng rơm khô máy gặt thải trên đồng ước khoảng 218.000 tấn, chưa tính gốc rạ. Đây là một nguồn nguyên liệu lớn để chuyển thành nguồn phân bón hữu cơ, góp phần tái tạo lại chất lượng nguồn đất và tăng năng suất, sản lượng cho các vụ mùa. Phong Điền, Hương Thủy và Hương Trà là những địa phương đã đưa máy cuốn rơm ra đồng và bước đầu, đã đem đến những hiệu quả thiết thực. Xét về giá, thu gom 1 cuộn rơm bằng máy vào khoảng 9.300 đồng. Tính ra, chi phí cuốn 1 tấn rơm vào khoảng 500.000 đồng, tiết kiệm được 165.000đồng/tấn nếu thu gom bằng thủ công.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc làm thế nào tận dụng được hết nguồn rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Đây là bài toán lâu dài, và cần có sự tham gia dẫn dắt không chỉ của ngành chủ quản mà cả các doanh nghiệp trong việc tạo ra một hệ sinh thái để phát huy nguồn rơm rạ sau thu hoạch.
Làm tốt việc này trong tương lai, khói đồng sẽ được hạn chế và hệ sinh thái đồng ruộng chắc chắn sẽ được cân bằng.
Nguyễn Lê An