Chủ Nhật, 01/10/2017 13:11

Hàng chục ha rau má “bỏ hoang” trên đồng

Liên kết tiêu thụ, khuyến khích người trồng tăng cường bán lẻ là những giải pháp được đưa ra nhằm giúp nông dân “giải quyết” hàng chục ha rau má đang tồn đọng trên đồng.

Chung tay “giải cứu” nông sản và liên kết tiêu thụ sản phẩm“Giải cứu” nông sản bằng sàn kinh tế hợp tácSở Công thương khảo sát các trang trại gia cầm để tìm hướng tiêu thụỔn định sản xuất, giá cả cho cao su

Cắt rau má cho… cá ăn

Người dân vẫn ra ruộng chăm sóc cây rau má 

Vùng chuyên canh cây rau má ở Quảng Thọ (Quảng Điền) đìu hiu cả mấy tháng nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hàng chục ha rau má đang kỳ thu hoạch phải “đứng đồng” do không có người mua. Người trồng rau vẫn ra ruộng đều đặn chăm sóc cây chờ thị trường ổn định trở lại.

Vừa ra ruộng rau nhổ cỏ dại, ông Nguyễn Lương Bằng (thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ) cho biết: “Mấy tháng nay rau không bán được hoặc bán với giá chưa bằng ½ thời điểm sau tết do HTX không thu mua hết cho người dân. Trong khi 3 mẫu rau má của gia đình tôi trồng đang kỳ thu hoạch phải cắt bỏ vì để lâu trên ruộng rau già, phá hư gốc”.

Không bán được, người dân phải thu hoạch số rau má già mang cho cá lồng ăn. Số còn lại bà con dùng máy cắt cỏ phá bỏ ruộng rau để chờ lứa khác lên tươi non hơn. “Bán cho cá lồng, bò ăn cũng chỉ được vài bữa đầu thôi. Ăn nhiều mấy vật nuôi này cũng…ngán”, ông Bằng nói.

Theo tính toán của ông Bằng, bình quân 1 sào rau má gia đình ông trồng thu được 3 tạ, với giá bán trước đây từ 6-7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí phân thuốc, công nhổ cỏ, thu hoạch, ông lãi khoảng 1,5 triệu đồng/sào/lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến người trồng rau má như ông Bằng càng trồng càng lỗ do rau già trên ruộng phải vứt bỏ.

Cùng chung tình cảnh như ông Bằng là khoảng 600 hộ dân ở vùng chuyên canh cây rau má Quảng Thọ.

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2 thông tin, trong giai đoạn khó khăn chung, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, rau má Quảng Thọ cũng đang loay hoay tìm đầu ra. Hiện HTX chỉ tiến hành thu mua số lượng nhỏ để sấy khô làm nguyên liệu trà, còn thu mua lớn như trước đây thì không biết bán cho ai do các đơn hàng ngoại tỉnh gần như ngưng trệ.

Tăng cường bán lẻ

Ông Hoàng Công Phong, cho biết, toàn xã có 60 ha rau má chuyên canh theo mô hình VietGAP của khoảng 600 hộ dân của 2 HTX Quảng Thọ 1 và Quảng Thọ 2 với doanh thu giai đoạn “hoàng kim” khoảng 20 tỷ đồng/năm. Từ trước đến nay, sản lượng rau má tại địa phương đạt 6 tấn/ngày chủ yếu được HTX thu mua để sấy khô làm trà, số còn lại được các thương lái bán ra thị trường Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình theo các xe hàng.

Thu hoạch rau má bán lẻ tại ruộng góp phần giải quyết số rau tồn đọng

Từ khi ảnh hưởng dịch COVID-19 đến ngày mỗi ngày các HTX chỉ xuất đi khoảng 1 tấn nên không thể giải quyết được số hàng tồn đọng cho người dân. Khó khăn nhất là các ruộng rau đã đến lứa thu hoạch không thể để mãi trên ruộng.

Theo tìm hiểu của địa phương hiện nay ngoài một số lượng nhỏ diện tích HTX thu mua để sấy khô; người dân bán lẻ trên ruộng thì đầu ra của rau má gần như bị “đứng” do cước vận tải tăng cao, mặt hàng chỉ bán trong tỉnh. Hiện HTX có thu mua cho người dân thì không thể bán được nên đành để rau già trên ruộng.

Địa phương đã chỉ đạo HTX tập trung thu mua rau má được sản xuất theo mô hình hữu cơ với diện tích 1,5 ha vì đầu ra loại  sản phẩm này có liên kết tiêu thụ nên khá ổn.

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2 thông tin, thời gian gần đây HTX chỉ thu mua được khoảng 10% sản lượng 2.500 tấn rau má/năm của các hộ dân nên số lượng rau má tồn đọng khá nhiều. Trước đây số lượng người dân bán ra bình thường đạt 5 tấn/ngày, bây giờ chỉ khoảng 1 tấn/ngày mà thôi. Nguyên nhân hiện tại hoạt động vận tải đang tạm dừng nên các đơn hàng đi các tỉnh lớn đều phải ngưng trệ.

Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, chính quyền địa phương cùng với HTX đã đưa sản phẩm rau má lên trang nông sản của huyện để tăng cường kết nối tiêu thụ trong tỉnh; khuyến khích các hộ dân tăng cường bán lẻ tại ruộng, đưa hàng về các chợ đầu mối trong tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng kết nối với Hội Doanh nhân nữ của tỉnh, các đoàn thể hỗ trợ giới thiệu, bán hàng, chung tay tiêu thụ giúp rau má cho người dân.

Ngoài nông sản tồn đọng, hiện trên địa bàn xã Quảng Thọ còn hơn 900 lồng cá diêu hồng (khoảng 40 tấn) đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không bán được. Người nuôi đang lo lắng bởi giai đoạn hiện nay đang xuất hiện nắng nóng, cá nuôi dễ bị dịch bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại lớn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, cá diêu hồng, ngoài tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thì chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch qua Lào. Đa số các hộ nuôi cá diêu hồng hiện nay chưa được cấp giấy chứng đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản nên gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nên sản phẩm cá bị tồn đọng nhiều.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Quảng Điền làm giàu
Nông dân Quảng Điền làm giàu

Phong trào sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tạo động lực cho nhiều hộ nông dân nghèo ở Quảng Điền vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Thi thể phân hủy trôi dạt vào bờ biển Quảng Điền
Thi thể phân hủy trôi dạt vào bờ biển Quảng Điền

Sáng 25/2, tin từ UBND xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp cơ quan chức năng xác minh danh tính, thân nhân của một nạn nhân được phát hiện tử vong, trôi dạt vào bờ biển của xã trong tình trạng thi thể đã phân hủy.

Điểm sáng nông thôn
Điểm sáng nông thôn

Từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã thật sự tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức hội viên nông dân (HVND) xã Quảng Thọ (Quảng Điền) trong bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp”.