Chủ Nhật, 17/07/2011 11:11

Hàng xóm

Cuộc sống ngày càng khấm khá, đầy đủ thì tình làng nghĩa xóm càng thu hẹp, hẹp đến nỗi mỗi gia đình hầu như chỉ sinh hoạt sau cánh cửa nhà mình. Và tuổi trẻ ngày nay, nhiều em không còn hiểu hết ý nghĩa của câu thành ngữ “Bán bà con xa, mua láng giếng gần”.
Khi chúng tôi vừa biết nhận thức thì đất nước vừa đi qua chiến tranh, hậu quả để lại quá nặng nề. Điều kiện sinh hoạt dưới mỗi mái nhà chỉ có những vật dụng đơn sơ như giường, chiếu, nồi niêu, soong chảo… Điện chiếu sáng mỗi tuần chỉ 3 đêm thì nói gì đến các thiết bị hiện đại như vô tuyến, tủ lạnh, điều hòa… Nhưng chính những thiếu thốn ấy lại hình thành nhiều kỷ niệm đẹp. Sáng sớm, tiếng thiếu niên từ nhà này gọi nhau í ới sang nhà khác để cùng đến trường. Hàng rào ngăn cách mỗi nhà thường chỉ trồng vài ba cây râm bụt hay bụi chè tàu xén thâm thấp chứ không phải những bức tường xây xi măng kiên cố chí ít cũng cao quá đầu người để tránh sự phiền phức… Nhờ vậy mà buổi trưa, buổi tối, những cô bé ngang lứa vừa rửa rau, vo gạo, hay đun lửa bằng lá cây vừa râm ran chuyện trò, thi thoảng bên này hỏi mượn bên kia tí mắm, tí ruốc. Cả xóm chỉ vài nhà có vô tuyến, mỗi tuần cũng chỉ phát sóng 3 đêm. Đêm nào có phát sóng thì như ngày hội. Nhà đứa nào có gì mang theo cái đó, nào vả, khế, me và cả mít cám… Đứa nào nhà không có vườn thì phải lo gói muối ớt trộn thật cay, nếu “trộm” được của mẹ ít mì chính thì xem như bữa đó được “cải thiện”. Để trốn cái nóng hầm hập trưa hè dưới những căn nhà mái tôn, hay những đêm trăng mất điện, chúng tôi lại tìm đến những gốc cây cổ thụ có tán rộng, hay sân chùa góc đình có nền xi măng láng bóng để tụ tập, cùng nhau chơi những trò chơi dân gian; nào đuổi bắt, trốn tìm, bịt mắt bắt dê hay ô ăn quan, tổ chức đám cưới để được làm cô dâu chú rể, được đeo những vòng hoa ti-gôn lên đầu và được bạn bè trang điểm. Có nhóm lập thành một đội văn nghệ, cùng nhau biểu diễn, cùng nhau nhập vai như những vở kịch từng được xem trên vô tuyến… Và hơn hết là tiếng gọi nhau khi nhà có chuyện vui, chuyện buồn bất chợt.
 
Gia đình tôi chuyển đến khu phố nhỏ này đã gần 5 năm. Hôm qua con trai út của tôi khoe: “Ba ơi, cạnh nhà mình có bạn học cùng trường với con”. Nghe con nói chúng tôi cũng thấy giật mình vì chẳng biết gì về hàng xóm. Học sinh ngày nay đi học hầu hết đều do cha mẹ đưa đón, về đến nhà ngoài việc ăn, ngủ, học bài chỉ còn biết tìm đến phim hoạt hình, trò chơi điện tử… để giải trí. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm, dễ quản lý con hơn khi con ít quan hệ với hàng xóm. Chẳng mấy khi điện tắt, trong nhà có quạt máy, điều hòa còn ai tìm đến sân chùa hay gốc cổ thụ để chờ đợi một cơn gió, chờ đợi những ánh trăng. Và thế là tình làng nghĩa xóm cũng dần phai nhạt.
 
Được cái này thì phải mất cái khác cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng, những lúc buồn buồn, những lúc không nghĩ nhiều đến công việc lại ước ao, lại nhớ về những cánh cửa sổ mở tung, những hàng rào thưa và những tình cảm tâm giao xóm giềng. Vẫn biết rằng sự phẳng lặng sau mỗi cánh cửa nhà là lẽ tự nhiên, nhưng sự khép kín ấy cũng đã lấy đi của chúng ta những thi vị trong cuộc sống.        
Hương Lan
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.