Thứ Hai, 25/04/2016 13:45

Hỗ trợ lao động thất nghiệp chuyển đổi nghề

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Để chính sách này lan tỏa trong đời sống, việc đào tạo giúp người lao động chuyển đổi nghề được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung đẩy mạnh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới ra đời“Chỉ cần siêng, dân biển đủ sức làm giàu”Hỗ trợ học nghề, chuyển nghề cho ngư dân 4 tỉnh miền TrungHộ nghèo tại miền núi được giảm 50% lãi suất vay vốn

Đào tạo nghề giúp người lao động sớm hòa nhập thị trường lao động

Học nghề miễn phí

Từng là nhân viên y tế trường học ở Đồng Nai, khi chuyển về Huế sinh sống, Trương Thị Thủy (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) không xin được công việc đúng chuyên môn nên thất nghiệp. Khi làm thủ tục BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Thủy được trung tâm giới thiệu học nghề để thay đổi công việc. Thủy chia sẻ: “Vốn yêu thích công việc may vá nên em chọn học nghề may công nghiệp, hơn nữa, sau khi ra trường, trung tâm sẽ giới thiệu cho em vào làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế”.

Sau khi nghỉ việc tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, chị Tôn Nữ Tường Vy (đường Điện Biên Phủ, TP. Huế) quyết định tham gia khóa đào tạo nghề miễn phí về kỹ thuật chế biến món ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Với kiến thức được trang bị từ khóa học, chị Vy mở quán cháo lươn và được nhiều người ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị.

Hỗ trợ học nghề là một phần trong chính sách BHTN nhằm tạo điều kiện cho người lao động mất việc làm có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Từ đầu năm đến nay, khoảng 200 lao động thất nghiệp đăng ký học chuyển đổi nghề ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với những nghề phổ biến, như: may công nghiệp, lái xe, kỹ thuật chế biến món ăn. Ngoài các lớp ở trung tâm, những ngành nghề nào trung tâm không tổ chức được, sẽ giới thiệu người lao động đến các cơ sở đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Đào tạo nghề giúp lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chuyển đổi nghề là chính sách mang tính nhân văn vừa chia sẻ khó khăn trong giai đoạn lao động nghỉ việc, trang bị nghề nghiệp giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động”.

Nâng cao hiệu quả tư vấn

Ra đời năm 2010 nhưng những năm đầu triển khai, chính sách này chưa thu hút được sự quan tâm của lao động thất nghiệp, khiến việc đào tạo nghề sau thất nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Tâm lý muốn tìm kiếm ngay việc làm mới từ phía người lao động là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chưa hấp dẫn người học: Số tiền hỗ trợ thấp, danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, công tác tư vấn định hướng chọn nghề và giới thiệu việc làm chưa được quan tâm đúng mức.

Gần đây, với việc thay đổi chính sách hỗ trợ theo hướng có lợi hơn cho người lao động cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn nên số lao động thất nghiệp được đào tạo chuyển đổi nghề trên địa bàn tỉnh đã tăng dần. Năm 2014, cùng với sự ra đời của Quyết định 77 nâng mức hỗ trợ học nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng có những thay đổi đáng kể trong công tác tuyên truyền và liên kết để đa dạng ngành nghề đào tạo và cung ứng lao động sau đào tạo. Mỗi khi có lao động đến đăng ký thất nghiệp, ngoài hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ của trung tâm còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho người lao động.

Ông Nguyễn Duy Thông cho hay: “Trung tâm tăng cường công tác tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm bằng các hình thức tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các hội nghị ở các địa phương để tuyên truyền về BHTN nên lao động nắm được thông tin về chính sách hỗ trợ học nghề và tham gia nhiều hơn. Trung tâm cũng liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi đào tạo. Từ sự thay đổi này, số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo học các khóa đào tạo nghề tăng lên qua từng năm”.

Tuy vậy, tỷ lệ lao động đăng ký học chuyển đổi nghề vẫn chưa cao so với lượng lao động thất nghiệp. Bởi, trong hoàn cảnh khó khăn do bị mất việc, mức hỗ trợ còn thấp (1 triệu đồng/người/tháng) khiến lao động thất nghiệp chưa mặn mà. Các danh mục ngành nghề đào tạo chưa phong phú, chủ yếu là trình độ sơ cấp. Trung tâm đào tạo nghề có chức năng dạy nghề cho lao động thất nghiệp chưa có đủ năng lực để mở nhiều ngành nghề phong phú, buộc người lao động phải học những nghề trung tâm có, thay vì theo mong muốn, nguyện vọng của họ.

Để chính sách hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ liên kết, mở thêm các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường và đa dạng các hình thức tuyên truyền. Việc tư vấn học nghề hướng tới những nghề mà thị trường lao động đang cần, để người lao động học xong tìm được việc làm ngay, tạo động lực cho người lao động thất nghiệp đi học nghề.

Bài, ảnh: Minh Hiền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

Timor Leste gia nhập ASEAN có thể giúp thúc đẩy tự do
Timor Leste gia nhập ASEAN có thể giúp thúc đẩy tự do

Việc Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Điều này được nhận định có khả năng sẽ giúp Indonesia thúc đẩy chương trình nghị sự ngoại giao vì hòa bình và dân chủ.