Thứ Bảy, 22/07/2017 08:42

Học sinh vùng cao thắng lớn giải thưởng khoa học kỹ thuật

Ba học sinh của Trường trung học phổ thông (THPT) A Lưới đã đoạt hai giải nhất và một giải nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019-2020. Trong đó, dự án “Thùng rác xanh” đại diện cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) toàn quốc.

Đến trường vùng caoBằng tình yêu với vùng caoBền vững cho giáo dục & đào tạoHết lòng với học sinh vùng cao

Dự án "Thùng rác xanh" là một trong hai dự án của Thừa Thiên Huế dự thi KHKT cấp quốc gia

Thiết thực với cuộc sống

Tôi vẫn thích dự án về chiếc “Áo phao thông minh tái chế từ rác thải nhựa” của em Ngô Phan Thế Đạt, học sinh Trường THPT A Lưới. Thú vị ở chỗ là từ các chai nhựa bỏ đi, em đã dùng dây dù bản to để kết nối lại, tạo ra chiếc áo phao bắt mắt và thuận tiện với học trò vùng cao. Cái hay của đề tài là các em sử dụng tích hợp phần mềm lập trình để định vị, báo cho người thân hoặc trung tâm cứu nạn cứu hộ khi gặp nguy hiểm. Trong áo phao có một số ngăn được thiết kế sẵn để dự trữ lương thực nên sẽ không lo bị bỏ đói trong thời gian đợi người đến cứu.

Em Ngô Phan Thế Đạt cho biết: “A Lưới có nhiều suối nên số học sinh tắm suối bị đuối nước hàng năm khá cao. Ý tưởng vừa sử dụng vật liệu tái chế, vừa đảm bảo an toàn xuất phát từ nhu cầu đó. Dự án đã được các bạn trong trường áp dụng vào thực tế và khá thuận tiện khi đảm bảo an toàn”.

“Áo phao thông minh tái chế từ rác thải nhựa” mang tính ứng dụng cao

Trong cuộc thi KHKT năm nay, có một giải nhì cho Trường THPT A Lưới với dự án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt zèng hướng đến phát triển du lịch về nguồn ở huyện A Lưới”. Ban giám khảo đánh giá cao về dự án này khi các em là người dân tộc thiểu số say sưa thuyết trình, quảng bá về di sản của quê hương một cách tinh tế. Trong vai một hướng dẫn viên du lịch bản địa, em Việt Đàm Đan Linh đã đưa sản phẩm dệt zèng đến gần người dân. Dự án của các em có tính thực tiễn cao khi giới thiệu các sản phẩm từ zèng với thông điệp thanh niên A Lưới có thể khởi nghiệp từ nghề truyền thống gắn với du lịch địa phương, nhất là A Lưới đang phát triển các dịch vụ lưu trú homestay.

Trong 3 dự án của Trường THPT A Lưới, “Thùng rác xanh” giành giải nhất và được chọn để dự thi giải quốc gia. Xuất phát từ thực hiện đề án của tỉnh về “Ngày Chủ nhật xanh”, các em có ý tưởng xây dựng thùng rác xanh để giúp các bạn ý thức bảo vệ môi trường học đường. Thùng rác sẽ hỗ trợ trong việc xử lý và phân loại rác thải.

Khi chúng tôi hỏi bí quyết đoạt giải, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nghĩa, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Em yêu khoa học” Trường THPT A Lưới, cho biết: Nhà trường phát động các cuộc thi ý tưởng cấp trường, từ đó, chúng tôi sẽ chọn những ý tưởng hay, phù hợp với thực tế của địa phương. Hầu hết, các đề tài đều gần gũi với cuộc sống, giúp người dân ngày càng có trách nhiệm hơn với môi trường.

“Xuống phố” và rinh giải

Bắt đầu “xuống phố” tham gia kỳ thi KHKT dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh từ năm 2014, Trường THPT A Lưới đã rinh ngay giải nhì với dự án “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng đất sét rêu phong và cát” và đạt giải khuyến khích cấp quốc gia. Từ đó đến nay, hầu như năm nào ngôi trường này đều có học sinh đoạt giải tại cuộc thi KHKT” .

Cô giáo Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới cho biết: Toàn trường có gần 900 học sinh, trong đó, có 70% học sinh dân tộc thiểu số. Động lực để các em say mê nghiên cứu khoa học khi nhà trường thành lập “Câu lạc bộ em yêu khoa học” và thu hút hơn 60 em tham gia. Tinh thần học đi đôi với hành, khao khát khám phá tri thức và ứng dụng tri thức vào thực tiễn được thể hiện trong hoạt động của câu lạc bộ, kiến thức phổ thông phải gắn với thực tiễn cuộc sống.

Thời kỳ đầu, câu lạc bộ “Em yêu khoa học” nhà trường gặp nhiều khó khăn. Bởi, phần lớn các em dành thời gian học tập trên lớp. Trong khi, phát triển một ý tưởng sáng tạo KHKT đòi hỏi phải đầu tư nhiều về thời gian lẫn kinh phí. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ phải linh hoạt trong việc sắp xếp lịch sinh hoạt định kỳ. Để có kinh phí hoạt động, giáo viên trong ban cố vấn và thành viên tích cực đã gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, trình bày ý tưởng và xin tài trợ. Thầy và trò cũng tận dụng tối đa trang thiết bị cũ nhằm tiết kiệm chi phí. Sau giờ học, thầy trò lại cùng nhau thiết kế mô hình sản phẩm, tìm mua thiết bị, tháo lắp, thử nghiệm, quay video quá trình thực hiện dự án và biểu diễn sản phẩm của dự án...

Nói về những khó khăn của học sinh vùng cao tham gia nghiên cứu KHKT, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nghĩa thông tin: Đa số, các em là người dân tộc thiểu số khả năng tiếp cận các vấn đề còn chậm. Những thông số được kiểm định cũng khó khăn khi trường ở xa các trung tâm, trường đại học, các cơ sở nghiên cứu. Đội ngũ giáo viên có tâm huyết nhưng năng lực, trình độ để hướng dẫn các em vẫn còn hạn chế”…

Nghiên cứu KHKT luôn là khát khao cháy bỏng chinh phục đỉnh cao tri thức trong học sinh. Các đề tài đều thể hiện tính sáng tạo, giúp các em tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu và học hỏi thêm nhiều kiến thức từ thực tế cuộc sống cũng như khơi nguồn đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh và phát huy các đề tài đó hữu dụng hơn.

Bài, ảnh: HUẾ THU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.

Chuyện ít biết về đồ án đạt hai giải thưởng kiến trúc
Chuyện ít biết về đồ án đạt hai giải thưởng kiến trúc

Từ ý tưởng đậm chất nhân văn, đồ án “Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho cựu chiến binh” của nữ sinh viên Võ Nhật Anh (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) liên tiếp đạt hai giải thưởng lớn trong nước là Kiến trúc xanh và giải thưởng Loa Thành.