Thứ Tư, 14/11/2012 10:13

Hướng dẫn viên du lịch: Bát nháo

“Đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) không thiếu người có tâm. Tuy nhiên, số HDV không có tâm cũng không phải là ít. Thấy khách sang thì vui vẻ, tận tình nhưng khi khách không mua sắm hay boa tiền ít thì thay đổi thái độ”, bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi nhánh Huế chia sẻ.

Du khách tham quan di sản Huế

Vi phạm nhiều lỗi cơ bản

Sáng 7/5, đoàn Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) kiểm tra hoạt động của HDV tại Đại Nội. Thấy bóng thanh tra, một số HDV ngừng giới thiệu, tách ra khỏi đoàn. Số khác lẩn nhanh, mặc khách đứng bơ vơ. Theo chân đoàn khách đang tha thẩn ngắm thành quách rêu phong của Đại Nội, cuối cùng người hướng dẫn cũng quay trở lại. Ông tên là N.V.V, làm hướng dẫn cho 2 vị khách Pháp tham quan Huế nhưng lại không có thẻ hành nghề. Ông V. biện hộ: “Tôi không làm công việc này thường xuyên nên không làm thẻ. Hôm nay, người bạn bận việc đột xuất nên nhờ đi thay”. Nhưng, đây là lần thứ 2 ông bị đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm.

Trái với vẻ biết lỗi khi vi phạm của ông V, HDV M.V.N ngang bướng cãi bừa khi đoàn Thanh tra yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan. Tại thời điểm kiểm tra, N. đang hướng dẫn đoàn khách Trung Quốc nhưng không đeo thẻ, không xuất trình được hợp đồng và chương trình tour. Ấy thế mà lúc đoàn thanh tra mời ra làm việc, N. còn có thái độ hung hăng, thách thức, mắng thanh tra không biết cách thu hút khách du lịch khi cứ chăm chăm bắt lỗi HDV (!?).

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Chánh Thanh tra Sở VH, TT&DL cho biết, HDV thường vi phạm những lỗi cơ bản, như: không có thẻ, không đeo thẻ, không mang theo chương trình du lịch, hợp đồng lao động hoặc giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp lữ hành... Bị kiểm tra, nhiều HDV “coi trời bằng vung”, tỏ thái độ khiêu khích, bất hợp tác.

Trao đổi với đại diện một số công ty lữ hành về hoạt động của HDV, họ đều than phiền, HDV là linh hồn, có vai trò quan trọng tạo nên sự thành công của tour du lịch. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ HDV, nhất là HDV tự do đang “tự tung, tự tác”. Tự ý thay đổi chương trình tour mà không báo lại cho công ty, tự thay đổi hướng dẫn; chèo kéo, đưa khách đến những điểm mua sắm mình có thỏa hiệp để ăn chia hoa hồng, mặc khách bị “chặt chém”. Cũng có những HDV đôi khi quên mất nhiệm vụ chính là phục vụ khách. Họ say sưa chụp ảnh hoặc mải mê mua sắm đến bỏ quên khách.

Dù đã được công ty lữ hành trả thù lao nhưng có HDV không xem đó là thu nhập chính mà xem tiền hoa hồng từ việc khách sử dụng các dịch vụ, mua sắm, ăn uống, tiền tip mới quan trọng. Chạy theo lợi nhuận, nhiều HDV cứ nôn nóng đưa khách đi mua sắm trong khi việc chính là đưa khách đi tham quan theo chương trình thì chưa làm. Lên xe, nhiều khi họ chẳng nói gì với khách về chương trình tham quan mà tập trung giới thiệu các điểm mua sắm. Nếu khách mua sắm thì HDV mới vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn. Ngược lại thì hờ hững, giới thiệu không đến nơi, đến chốn.

Bà Công Lý kể: “Bây giờ, HDV không còn chịu thương chịu khó như thời ít khách. HDV chọn khách chứ không phải khách chọn hướng dẫn. Trước khi nhận tour, HDV hỏi khách nước nào, bao nhiêu người, từ đó suy đoán khách khó hay dễ, nhiều hay ít tiền thì mới nhận lời. Nhiều HDV ngày đầu tiên gặp, thấy khách ít tiền, ít mua sắm là bắt đầu tỏ thái độ thiếu niềm nở. Ngược lại, thấy khách sang, thuộc diện chi tiêu tốt thì những ngày sau đó sẽ rất vui vẻ, chăm sóc tận tình. Có HDV “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, ngày nào cũng tự bỏ tiền túi mua trái cây cho khách ăn. Đến khi khách không “boa” hoặc “boa” ít thì tỏ thái độ khó chịu, rồi khóc lóc năn nỉ, kể lể hoàn cảnh khó khăn để xin tiền khách. Hành động này rất phản cảm, làm xấu hình ảnh của công ty, của du lịch”.

Ảnh hưởng hình ảnh điểm đến

Không chỉ thiếu cái tâm với nghề, nhiều HDV không am hiểu kiến thức. Không biết cách thổi hồn để nâng giá trị của sản phẩm đã đành, nhiều người còn hạ thấp giá trị điểm đến khi thuyết minh sai lệch, không đúng sự thật, thậm chí lừa dối du khách.

Ông Henry, một khách Pháp bức xúc gửi thư cho Sở VH,TT&DL. Trong thư, ông Henry kể rằng, khi đến Huế du lịch, HDV của đoàn chúng tôi cho biết hôm đó là sinh nhật của anh ta nhưng vẫn nhận lời đi hướng dẫn cho chúng tôi. Chúng tôi rất cảm động và đã tổ chức tiệc sinh nhật, tặng quà cho anh ta vào buổi tối. Với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên nên khi về nước, tôi đã kể lại câu chuyện này cho người bạn của mình. Nghe xong, bạn tôi khựng lại, hỏi tên người HDV và kêu lên: “Cách đây mấy tháng, khi tôi đến Huế cũng gặp đúng HDV đó và anh ta cũng bảo là sinh nhật. Chúng tôi cũng đã tổ chức sinh nhật cho anh ta”. Tôi rất buồn và cảm thấy tình cảm của mình bị lừa. Vậy một năm, anh ta sinh nhật mấy lần?

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL, thực trạng bát nháo của HDV là vấn đề nhức nhối của ngành du lịch: “HDV được coi là đại sứ ngoại giao, truyền tải vẻ đẹp văn hóa của đất nước đến với du khách. Nhưng trong thực tế, nhiều HDV làm nghề không phải vì cái tâm. Chạy theo lợi ích kinh tế, họ đánh mất bản thân, không hành xử vì sự phát triển của du lịch”.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.