Thứ Hai, 21/04/2014 14:53 (GMT+7)
Iraq: Quân chính phủ giành quyền kiểm soát nhiều nơi ở Mosul
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 20/10 cho biết các lực lượng chính phủ nước này đang có những bước tiến nhanh hơn mong đợi trong chiến dịch tổng tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố miền Bắc Mosul từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phát biểu trực tuyến tại hội nghị quốc tế về tương lai của Mosul ở Paris, Pháp ngày 20/10. Ảnh: AFP
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến quốc tế về tương lai của Mosul do Iraq và Pháp đồng chủ trì tại thủ đô Paris, Thủ tướng al-Abadi khẳng định Baghdad "đã đạt được những tiến triển khả quan hơn dự kiến trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát Mosul - thành trì cuối cùng của IS tại Iraq."
Ông cũng cam kết sẽ bảo vệ dân thường sơ tán khỏi Mosul do lo ngại giao tranh.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết các phần tử IS hiện đang trốn chạy tới Raqa - thành trì của IS ở nước láng giềng Syria, đồng thời cam kết sẽ không cho các phần tử IS thoát khỏi Mosul.
Hội nghị quốc tế trên được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp, với sự tham gia của các đại diện đến từ gần 20 nước; trong đó có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong ngày 20/10, các lực lượng an ninh Iraq đã phối hợp cùng các lực lượng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Bartillah, cách Mosul 20km về phía Đông, tiêu diệt hàng chục phiến quân IS, thu giữ 1 lượng lớn vũ khí, đạn dược và thuốc nổ.
Ở phía Nam, các lực lượng Iraq cũng đang giành bước tiến chắc chắn, mở đường đến Thung lũng Tigris.
Trong khi đó, các lực lượng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát 1 số ngôi làng trong đó có Nawran, Barmia, Kani Shrin, Sumaqiyah cũng như mở một mặt trận tấn công mới từ nhiều hướng vào thị trấn Bashiqa ở Đông Bắc Mosul.
Ngày 17/10 vừa qua, với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu, quân đội chính phủ và các lực lượng người Kurd ở Iraq đã phát động chiến dịch tấn công quân sự có quy mô được coi là lớn nhất kể từ năm 2011 nhằm giải phóng thành phố Mosul từ tay IS.
Khoảng 30.000 binh lính thuộc quân đội Iraq, lực lượng người Kurd và các chiến binh thuộc các bộ tộc người Hồi giáo theo dòng Sunni tham gia chiến dịch quân sự trên.
Hiện quân chính phủ và các lực lượng Iraq vẫn chưa công bố con số thương vong trong 4 ngày đầu tiên của chiến dịch.
Liên hợp quốc lo ngại giao tranh ở Mosul có thể khiến khoảng 1 triệu người ở Mosul phải đi sơ tán, kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa ghi nhận dòng người di tản lớn nào. Ước tính khoảng 500 người di tản trong 2 tuần qua đã sang nước láng giềng Syria và ở tại trại tị nạn Al-Hawl, trong khi vẫn còn 2.000-3.000 người đang đợi ở biên giới.
Trong khi đó, Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết giao tranh tại Mosul trong 3 ngày qua đã khiến 5.640 người phải sơ tán.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), người dân đã di chuyển từ phía Tây sang phía Đông Mosul sau khi xảy ra các cuộc không kích và bắn phá ở phía Tây./.
Theo TTXVN