Thứ Năm, 04/07/2024 10:51

KẾT QUẢ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THỦ ĐÔ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011-2023 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là nội dung lớn, chính thức được đề ra từ Đại hội XI của Đảng. Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cụ thể: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với định hướng đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo đà cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, nhiều vấn đề mới phát sinh từ nguồn vốn cho nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, khả năng tổ chức thực hiện, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Khái quát lại những kết quả đạt được và những hạn chế của việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Thủ đô, bài viết đề xuất một số định hướng cho giai đoạn đến năm 2030.

1. Những kết quả đạt được

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của Thành phố đã xác định mục tiêu đến năm 2025, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Hà Nội đã duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu… góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

Cơ cấu kinh tế ngành tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Kết quả trên là do kết hợp nhiều giải pháp nỗ lực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng vốn đầu tư vào công nghiệp - xây dựng tăng cao. Trong lĩnh vực xây dựng, chủ trương đột phá vào khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng liên tục trong 2 nhiệm kỳ đã hút vốn đầu tư, tăng tỷ lệ GRDP của khu vực này trong cấu thành kinh tế Thủ đô, góp phần quan trọng làm tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản giảm tỷ trọng do tác động của quá trình đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp chuyển sang phát triển đô thị. Mặt khác, trong quá trình hút vốn đầu tư đầu tư vào công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, một bộ phận đáng kể lực lượng lao động trong nông nghiệp cũng bị hút theo. Một số nhóm ngành cấp 2 khu vực dịch vụ và công nghiệp đóng góp lớn vào khoản thu ngân sách nhà nước của Thành phố, từ 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm như: Thu từ hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm 30.786 tỷ đồng; từ ngành thông tin truyền thông 13.378 tỷ đồng; từ ngành công nghiệp, chế biến chế tạo 15.213 tỷ đồng; từ hoạt động kinh doanh bất động sản 10.972 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô đạt tương đối cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô duy trì khoảng 6,5 - 7,5%/năm, bình quân chung cho cả thời kỳ khoảng 7% (trừ hai năm 2020 và 2021 đạt thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Khu vực nông - lâm - thuỷ sản cũng có tốc độ tăng trưởng ổn định từ 2-3%. Khu vực công nghiệp - xây dựng luôn có tốc độ tăng trưởng cao nhất, bình quân 8,55 %/năm trong cả thời kỳ từ 2011-2023.

- Cơ cấu kinh tế trong nội bộ từng ngành có chuyển biến tích cực: Trong lĩnh vực dịch vụ, một số nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng khá và có xu hướng gia tăng nhanh tỷ lệ trong tổng giá trị GRDP khu vực dịch vụ Thủ đô như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, giáo dục và đào tạo, y tế và trợ giúp xã hội. Lĩnh vực gia tăng tỷ lệ nhanh nhất trong ngành dịch vụ là y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Từ năm 2010 đến năm 2023 nhóm này tăng 5,39 điểm %; tiếp theo đó là nhóm ngành giáo dục đào tạo (tăng 2,74 điểm %). Sự phát triển cả về tỷ lệ và cơ cấu của các ngành này là phù hợp với định hướng và xu hướng chung. Trong lĩnh vực công nghiệp, 4 nhóm ngành cấp 1 thì nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là tăng và tăng rất cao trong tỷ trọng GRDP công nghiệp Thủ đô (+4,27 điểm %). Điều này một mặt cho thấy lĩnh vực công nghiệp phục vụ đời sống, tiêu dùng được quan tâm phát triển, nhưng mặt khác cũng phản ánh việc chưa tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp then chốt, có thế mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp Thủ đô. Trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động xây dựng nhà vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP ngành xây dựng. Tuy nhiên, tỷ trọng này giảm nhanh, từ 54,3% năm 2010 xuống còn 42,3% năm 2023 (-12 điểm %). Điều này phản ánh động thái tích cực trong ngành xây dựng, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ ngành xây dựng Thủ đô. Trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ ngành chăn nuôi, giảm tỷ lệ ngành trồng trọt. Xu hướng đó là phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội, phù hợp với chủ trương định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô và các Nghị quyết, chương trình của Thành uỷ Hà Nội, phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung của cả nước.

- Chủ trương chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các ngành, lĩnh vực được quan tâm thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Một số ngành lĩnh vực thuộc nhóm ngành ứng dụng công nghệ cao đã phát huy vai trò, tăng tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, thông tin và truyền thông, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ... Tỷ trọng GRDP các ngành ứng dụng công nghệ cao và các ngành kinh tế số cao hơn trung bình của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng.

- Năng suất lao động tăng khá và ổn định: Năng suất lao động của Hà Nội khá ổn định, tăng đều qua các năm; bình quân giai đoạn 2010 - 2015 tăng khoảng 4,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, tăng khoảng 5,79%/năm và cả giai đoạn 2011-2023 tăng khoảng 5,22%/năm. Năng suất lao động của cả 3 khu vực đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng năng suất lao động ngày càng cao, trái lại khu vực công nghiệp - xây dựng thì tốc độ tăng năng suất lao động có xu thế chậm lại.

Cơ cấu các thành phần kinh tế được điều chỉnh đúng hướng: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, cơ cấu kinh tế Thủ đô có chuyển dịch rất nhanh. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trong khu vực kinh tế nhà nước trong tổng số vốn đầu tư phát triển giảm từ 50,99% năm 2010 xuống còn 34,3% năm 2023. Tương ứng, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 49% năm 2010 lên 65,7%; trong đó riêng tỷ lệ vốn khu vực đầu tư nước ngoài giảm từ 13,7% năm 2010 xuống còn 10,9 % năm 2023.

- Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước tăng dần: Tỷ lệ huy động từ GRDP vào ngân sách của Hà Nội luôn cao hơn so với cả nước từ 1,5-1,8 lần và so với khu vực Đồng bằng sông Hồng cao hơn từ 1,2-1,5 lần và có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2010 tỷ lệ huy động vào ngân sách là 27,6% thì đến 2019 đạt 36,5%, năm 2023 đạt 30,2%.

- Thị trường xuất khẩu được mở rộng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt khá: Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8.109 triệu USD năm 2010 lên 15.159 triệu USD năm 2020, tăng 1,86 lần. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm tăng cao trong những năm cuối kỳ (trừ các năm 2020-2021 có ảnh hưởng của đại dịch). Đáng chú ý, cán cân thương mại đã được cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nên tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh, từ -73,1% năm 2010 xuống còn -30,8% năm 2020. Do Việt Nam ký các Hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới nên thị trường xuất khẩu của Hà Nội được mở rộng hơn, không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như trước đây.

- Mục tiêu tăng trưởng bao trùm đạt kết quả đáng khích lệ: Bằng sự nỗ lực cố gắng phát triển kinh tế theo định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các chính sách xã hội, trong những năm qua các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bao trùm ở Hà Nội được thực hiện khá tốt. GRDP bình quân đầu người cũng tăng khá nhanh, từ 53,6 triệu đồng năm 2010 lên 128,1 triệu đồng năm 2021 và 141,1 triệu đồng năm 2022, năm 2023 đạt 151,1 triệu đồng cao hơn mặt bằng chung của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng của chỉ tiêu này của Hà Nội tương đối ổn định. Cùng với mức tăng về GRDP/người, thu nhập của người dân Thủ đô được cải thiện theo thời gian; năm 2010, người dân Hà Nội có thu nhập 24,2 triệu đồng, năm 2020 là 74,5 triệu đồng và năm 2023 đạt hơn 140 triệu triệu đồng. Khoảng cách giữa mức thu nhập bình quân/người và GRDP/người của Hà Nội tăng khá nhanh, từ 45,1% năm 2010 lên 60,4% năm 2020, tăng khoảng 15,3 điểm %; kết quả này là cao gấp 3 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh, gấp 2,3 lần bình quân chung vùng Đồng bằng sông Hồng và gấp 1,7 lần cả nước. Nhìn chung, sự phát triển kinh tế của Hà Nội đã cải thiện thu nhập cho người trên địa bàn nhanh hơn so với nhiều tỉnh thành khác; nói cách khác, người dân Hà Nội đã được chia sẻ thành quả tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 5,06% năm 2011 xuống còn 0,03% năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Hà Nội chỉ còn 0,7%. Hệ số GINI và chỉ số HDI của Hà Nội luôn đứng đầu của cả nước.

2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Chưa phát huy được vai trò và lợi thế của ngành dịch vụ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung theo định hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Với vai trò, vị trí, lợi thế như vậy, nhưng hơn mười năm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn chỉ chiếm khoảng 63% trong tổng GRDP, tương đương với những năm 2010, 2011. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng gia tăng tỷ lệ này từ 20% lên 24,02% (tăng 4,02 điểm %). Tình hình trên do một số nguyên nhân chủ yếu có liên quan đến nhau dưới đây:

+ Trong chỉ đạo phát triển kinh tế, vẫn có tư tưởng chú trọng phát triển công nghiệp hơn là phát triển dịch vụ. Thực trạng này một phần xuất phát từ nhận thức không đầy đủ về chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô. Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển cho khu vực dịch vụ trong tổng số vốn đầu tư phát triển hơn 10 năm qua cơ bản không tăng, vẫn giữ khoảng 63 - 64%. Trong khi đó, tỷ trọng này trong khu vực công nghiệp và trong nông nghiệp tăng khá mạnh, công nghiệp tăng từ 25,22% năm 2010 lên 27,8% % năm 2019 và 28,5% năm 2021.

+ Một số ngành lĩnh vực Hà Nội có nhiều lợi thế và có chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh để lôi kéo, dẫn dắt các ngành lĩnh vực khác lại không thay đổi trong cơ cấu GRDP ngành dịch vụ, thậm chí còn giảm. Các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ chưa tương xứng và theo kịp sự thay đổi của trình độ khoa học công nghệ thế giới, chưa đủ sức hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng phát triển mở rộng, song cũng có nhiều tổ chức giải thể, sáp nhập, phá sản, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành này. Các dịch vụ về lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí giảm điểm do một số hoạt động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lạm phát, tăng giá khiến cho người dân cắt giảm chi tiêu vào những hoạt động không thiết yếu, thậm chí tiết giảm nhu cầu ăn uống.

+ Ngành dịch vụ được đầu tư kém, nhiều lĩnh vực dịch vụ có lợi thế nhưng không phát huy được làm cho tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ có xu hướng giảm.

+ Một số ngành quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực dịch vụ như thương mại, du lịch, tỷ lệ đóng góp trong GRDP của Thành phố có xu hướng giảm rất rõ. Tỷ trọng ngành thương mại trong khu vực dịch vụ giảm từ 27,86% năm 2010 xuống còn 17,99 % năm 2020 và 17,64% năm 2021; Tỷ trọng ngành thương mại trong tổng GRDP của Thành phố giảm từ 15,82% năm 2010 xuống còn 11,35% năm 2020 và 11,12% năm 2021.

- Ngành công nghiệp được đầu tư khá, tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng nhanh tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô nhưng tốc độ tăng trưởng và hiệu quả đầu tư đang có xu hướng giảm. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng nói chung và ngành công nghiệp nói riêng đều có xu hướng giảm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp giảm khá nhanh, từ tăng trưởng bình quân 10,06%/năm giai đoạn 2010 - 2015 xuống còn 8,54%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Một số nguyên nhân chủ yếu là: Các chính sách để khuyến khích, ưu đãi phát triển các ngành này còn hạn chế, một số hoạt động sản xuất còn chậm ứng dụng khoa học công nghệ và chưa theo kịp các nước phát triển… Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với tốc độ tăng cao và chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư phát triển nhưng hiệu quả đầu tư giảm dần. Hệ số ICOR trong khu vực công nghiệp - xây dựng tính bình quân giai đoạn 2011-2015 là 6,9% lên 8,0 % thời kỳ 2016-2019. Tuy tỷ lệ các ngành kinh tế số trong tổng GRDP Thủ đô và tỷ lệ các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP của công nghiệp Thủ đô hiện tại cao hơn mặt bằng của cả nước nhưng từ năm 2010 đến nay, các tỷ lệ này đang suy giảm; một số dự án đầu tư khu công nghiệp có tiến độ triển khai chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất. Trong các khu công nghiệp tỷ lệ các dự án gia công, lắp ráp còn nhiều, số lượng dự án có trình độ công nghệ cao, sử dụng nhiều vốn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 28,5% tổng số dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Chưa thu hút được nhiều các dự án có quy mô lớn, những dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, sử dụng nhiều nguyên vật liệu trong nước… có tầm ảnh hưởng, tác động lan toả đến phát triển công nghiệp và kinh tế-xã hội Thủ đô. Một số khu công nghiệp có tiến độ triển khai chậm, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện… ảnh hưởng nhiều đến đầu tư và phát triển công nghiệp (như Khu công nghiệp Quang Minh II, Khu công nghiệp Nam Thăng Long…).

+ Theo Quy hoạch đến 2030, Thành phố sẽ xây dựng 159 cụm công nghiệp. Đến nay có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đáng chú ý là trong 70 cụm công nghiệp đã di vào hoạt động thì có tới 21 cụm hiện không còn phù hợp với quy hoạch đang phải lập phương án chuyển đổi. Một số cụm công nghiệp nằm lẫn trong khu dân cư, có hệ thống giao thông hạn chế nên khó khăn trong vận chuyển hàng hoá và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cụm công nghiệp. Hiệu quả đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thấp, nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng cụm công nghiệp dẫn đến hiệu quả sử dụng đất cụm công nghiệp chưa cao. Các quy định trong đầu tư và phát triển cụm công nghiệp còn bất cập, nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng cụ thể…

- Chủ trương phát triển mạnh các ngành lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đưa khoa học, công nghệ trở thành nguồn lực và động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô chưa được thực hiện hiệu quả. Mặt bằng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ở Thủ đô nhìn chung vẫn ở mức trung bình và dưới mức trung bình của khu vực và trên thế giới; khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành nguồn lực và động lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Trong các khu vực kinh tế, tỷ trọng GRDP và tốc độ tăng trưởng GRDP của các ngành lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Ngoài một số ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, tài chính - ngân hàng… cơ bản tiếp cận được trình độ công nghệ chung của thế giới, còn lại đa số ngành lĩnh vực đang trong tình trạng công nghệ thấp và trung bình; công nghiệp gia công còn nhiều nhất là ở lĩnh vực dệt - may. Một số nguyên nhân chủ yếu sau: Nhận thức về vai trò, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ trong đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới, chuyển giao, phát triển công nghệ chưa đầy đủ và thiếu động bộ. Việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát thực hiện chủ trương phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao chưa được quan tâm theo dõi, chỉ đạo. Đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ thấp. Đầu tư từ ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ hàng năm chưa đạt 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Thị trường khoa học, công nghệ kém phát triển. Sau hơn 10 năm chuẩn bị, sàn giao dịch khoa học, công nghệ vẫn chưa được hình thành. Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc sau gần 25 năm được thành lập (theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998) nhưng tiến độ vẫn khá chậm. Trong công nghiệp, số lượng dự án có trình độ công nghệ cao, sử dụng nhiều vốn chỉ chiếm khoảng 28,5% tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.

- Tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động trong các ngành kinh tế Thủ đô vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn và lao động. Nhân tố tác động đến tăng năng suất lao động từ vốn và lao động vẫn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng. Giai đoạn 2011 - 2015 nhân tố vốn tác động đến tăng trưởng kinh tế chiếm bình quân 17,84%, giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ này là 36,84. Tính bình quân cả thời kỳ 2011 - 2020 là 27,26. Tốc độ tăng vốn đầu tư trong suốt thời kỳ luôn đạt mức cao, đặc biệt là đầu tư cho ngành công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng TFP cũng liên tục giảm, từ 5,38% năm 2013 xuống còn 3,97% năm 2019. Điều này cũng phù hợp với thực trạng chậm phát triển của các ngành ứng dụng công nghệ cao và mặt bằng công nghệ thấp của kinh tế Thủ đô nói chung. Nguyên nhân là do đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chưa đúng hướng và thiếu động bộ. Những ngành, lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ cao trong khu vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp… đều chưa được chú trọng đầu tư; Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khá trầm lắng. Thị trường khoa học, công nghệ kém phát triển; Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chủ trương đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao chưa được quan tâm thoả đáng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp. Hệ số ICOR của Hà Nội luôn ở mức cao hơn của cả nước và của Thành phố Hồ Chí Minh. So sánh với mức và quá trình biến động chỉ số ICOR của một số nước trên thế giới cho nhận xét: 1) So với một số nền kinh tế trong khu vực cùng trình độ công nghệ và thời kỳ tăng trưởng, các nền kinh tế khác chỉ cần từ 2,7 - 4,1 đồng để tạo ra 1 đồng GDP tăng thêm thì nước ta cần dùng khoảng 6 đồng mới tạo ra được 1 đồng GDP tăng thêm, tức là hiệu suất đầu tư của Việt Nam mới chỉ bằng khoảng ½ so với các nước; như vậy, hiệu quả sử dụng vốn của Hà Nội thấp không chỉ so với cả nước, mà còn thấp nhiều so với thế giới. Nguyên nhân của tình trạng này còn do chính quyền Thành phố chưa nắm chắc tất cả việc sử dụng các nguồn lực, sử dụng nguồn vốn đầu tư chưa đạt được hiệu quả cao.

Độ mở của nền kinh tế Thủ đô đang giảm tương đối.

- Tính liên kết, kết nối giữa các ngành, các vùng, các khu vực kinh tế chưa chặt chẽ, chưa phát huy tốt hiệu quả tương tác, hỗ trợ. Trên địa bàn Thành phố chưa hình thành rõ các vùng động lực. Trong từng ngành, lĩnh vực hoạt động cả trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ chưa hình thành các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị một cách ổn định, bền vững. Giữa các ngành, lĩnh vực chưa có sự kết nối, liên kết hỗ trợ nhau một cách bền chặt. Khu vực đầu tư nước ngoài thường có công nghệ cao hơn cả trong kỹ thuật và trong quản lý sản xuất kinh doanh nhưng cơ bản hoạt động tách biệt, thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước nên khả năng và sức lan toả không cao. Trong ngành dịch vụ, vai trò của Hà Nội là một trung tâm bán buôn, trung tâm tài chính, đầu mối kết nối du lịch… chưa thể hiện rõ, phát huy hiệu quả chưa cao. Khu vực đô thị chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho nền kinh tế Thủ đô. Trong chỉ đạo, điều hành kinh tế chưa thấy rõ vai trò và tính đặc thù của khu vực kinh tế đô thị.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Về xử lý rác thải, hầu hết các dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải theo quy hoạch chưa được triển khai xây dựng hoặc triển khai chậm tiến độ. Hiện nay 02 khu xử lý rác thải tập trung của Thành phố về cơ bản không còn khả năng tiếp nhận, chôn lấp rác thải (chưa tính đến giai đoạn 3 của Khu xử lý Nam Sơn, hiện nay vẫn đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng). Thiếu các nhà máy, khu xử lý rác thải khu vực phía Nam, phía Tây để điều tiết phân luồng, giảm khoảng cách vận chuyển cho các quận, huyện phía Nam, Tây Nam.

Ô nhiễm môi trường không khí: Cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn trong top những Thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 PM1).

Ô nhiễm tiếng ồn, với một khu đô thị lớn như Hà Nội, mức độ đô thị hoá cao, mật độ xe cộ tham gia giao thông luôn ở mức dày đặc, tiếng ồn đến từ còi xe, nẹt bô… đã trở thành nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, bởi tiếng ồn và gây những khó chịu đến cuộc sống của người dân, đồng thời làm xấu bộ mặt của đô thị.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm bậc So với các thành phố trực thuộc Trung ương, chưa bao giờ Hà Nội được xếp trong nhóm Top 5 cả nước. Trong chỉ số thành phần quan trọng của PCI như: Tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Chi phí khởi sự doanh nghiệp, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Hà Nội… thường xuyên bị đánh giá thấp; Những chủ trương, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Thủ đô vừa qua chưa được quán triệt đầy đủ đến các ngành, các cấp; Việc xác định động lực của đổi mới mô hình tăng trưởng và điều tra, khảo sát để nắm chắc các nguồn lực cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng cũng còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức xây dựng hệ thống thông tin kinh tế, đặc biệt là hệ thống số liệu thống kê hàng năm và 5 năm không đầy đủ, thiếu những thông tin kinh tế đặc thù cần thiết cho quá trình chỉ đạo điều hành kinh tế của chính quyền thành phố Hà Nội.

- Trong quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ chú ý đến quy hoạch phân vùng xây dựng đô thị (vùng đô thị trung tâm, đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh…) mà chưa chú trọng đến phân vùng phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nên việc phát triển kinh tế ở các khu vực, địa phương cơ bản là tự phát, thiếu tính định hướng. Khu vực kinh tế đô thị được coi là vùng động lực nhưng thiếu tính liên kết với khu vực nông thôn, tác dụng định hướng, lan toả của khu vực kinh tế  đô thị thấp. Việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện các chủ trương, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Thủ đô chưa được quan tâm đầy đủ.

3. Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

- Định hướng đổi mới cơ cấu các khu vực kinh tế

+ Tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô, đa dạng hoá các ngành, lĩnh vực dịch vụ nhằm khai thác tiềm năng, huy động nguồn lực, phục vụ sản xuất và đời sống. Đa dạng hoá các trình độ kỹ thuật, công nghệ, trong đó chú trọng các hoạt động dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, cung cấp sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.

Tăng cường đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển và tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực dịch vụ quan trọng, ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn như: Thương mại; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Thông tin và truyền thông; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; Giáo dục đào tạo, công nghiệp văn hoá… Tạo chuyển biến rõ về phương thức kinh doanh, chất văn hoá trong hoạt động dịch vụ ở tất cả các ngành, lĩnh vực.

+ Đối với ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng: Cơ bản ổn định tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế Thủ đô; trọng tâm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp chất lượng cao. Phát triển công nghiệp có chọn lọc; phát triển theo hướng công nghiệp xanh, tuần hoàn gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh; gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa trong sản xuất các ngành công nghiệp; giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp, chuyển sang các sản phẩm theo hướng “Made in Viet Nam”. Ngành công nghiệp Thủ đô ưu tiên phát triển các ngành quan trọng như: Công nghiệp phần mềm; Công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn; Chế biến dược liệu, hoá dược, mỹ phẩm; Cơ khí chế tạo và sản xuất sản phẩm từ kim loại (cơ khí chính xác, sản phẩm khuôn mẫu, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng; thép công nghệ cao, thép chuyên dụng, vật liệu công nghiệp chất lượng cao); Công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên, những ngành có thế mạnh của Thủ đô Hà Nội và có khả năng lan toả cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng như công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất cơ khí chế tạo sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị phục vụ các ngành dệt may, da giầy, nông nghiệp công nghệ cao… Phát triển các làng nghề, các nghề truyền thống theo hướng xanh hoá, gắn với du lịch, chú trọng các làng và các nghề có sản phẩm độc đáo, có nét văn hoá riêng của Thủ đô. Xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ ngành công nghiệp và đổi mới sáng tạo. Phân bố lực lượng sản xuất hợp lý trên địa bàn và phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch.

Phát triển ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế có trình độ kỹ thuật, năng lực chuyên môn cao, nguồn nhân lực đủ mạnh trong các hoạt động lập quy hoạch xây dựng, khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, thi công các công trình có quy mô lớn, yêu cầu trình độ kỹ thuật, công nghệ xây dựng cao trên địa bàn Thành phố. Tăng tỷ lệ đóng góp vào GRDP từ các hoạt động xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng (hiện là 31,6%) lên ngang với tỷ lệ đóng góp từ các hoạt động xây dựng nhà (hiện là 42,3%) trong tổng GRDP của ngành xây dựng. Tăng cường hoạt động dịch vụ xây dựng trong các khâu khảo sát thiết kế, kiến trúc, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công; Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, đủ điều kiện, năng lực về trình độ chuyên môn, tài chính và nhân lực để có thể chủ động đảm nhiệm được phần lớn các hoạt động từ khảo sát, quy hoạch, đầu tư, thiết kế, thi công, quản lý, kinh doanh thị trường bất động sản và áp dụng các công nghệ mới.

+ Đối với khu vực sản xuất nông - lâm - thuỷ sản: Tiếp tục giảm tỷ lệ nông - lâm - thuỷ sản trong cơ cấu kinh tế Thủ đô. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực này theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi số), sản phẩm chất lượng cao, chuyển mạnh theo hướng sản xuất tập trung, gắn chặt phát triển nông nghiệp với du lịch, với xây dựng nông thôn mới.

- Định hướng đổi mới cơ cấu kinh tế theo vùng

+ Vùng 1 (vùng đô thị trung tâm) gồm các gồm các quận nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Định hướng phát triển cho vùng này là tập trung phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, chú trọng phát triển dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Đối với ngành công nghiệp, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu để chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra bên ngoài cần chuyển mạnh sản xuất công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, sạch, không mở thêm các cơ sở sản xuất công nghiệp mới, không mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất công nghiệp đã có trong vùng này. Sản xuất nông nghiệp vùng này theo hướng nông nghiệp đô thị là chính theo hướng nhà vườn, phố vườn, trồng cây trên mái nhà.

+ Vùng 2 (phía Đông - Bắc) gồm Gia Lâm, Long Biên, Mê Linh, Sóc Sơn. Định hướng phát triển khu vực này là tiếp tục phát triển công nghiệp có chọn lọc, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch. Chú trọng các ngành công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, vật liệu kỹ thuật, hoá dược - mỹ phẩm… Nghiên cứu đổi mới mô hình một số khu công nghiệp có điều kiện hình thành tổ hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề và sản phẩm dịch vụ, chú trọng cả dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, ưu tiên dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Nông nghiệp cần chuyển mạnh việc hình thành các sản xuất vùng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao.

+ Vùng 3 (phía Nam) gồm: Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức. Định hướng phát triển công nghiệp vùng này là công nghiệp sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dịch vụ phát triển theo hướng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh là chính đồng thời phục vụ phát triển du lịch.

+ Vùng 4 (vùng đất giữa phía Tây) gồm: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ. Hướng phát triển công nghiệp vùng này là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm khoa học, công nghệ cho các vùng của Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Trọng tâm của hoạt động dịch vụ trong vùng này là hoạt động dịch vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nông nghiệp trong vùng chú trọng phát triển cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản.

+ Vùng 5 (phía Tây - Bắc) gồm: Ba Vì, Sơn Tây. Định hướng phát triển vùng này là phát triển dịch vụ và du lịch. Dần biến vùng này trở thành trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao; trung tâm du lịch lịch sử, văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần… Nông nghiệp vùng này chú trọng sản phẩm sạch, chất lượng cao, gắn với bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, gắn với và phục vụ du lịch.

- Định hướng phát triển theo thành phần kinh tế

Tiếp tục rà soát các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước, trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát hoạt động của các loại hình doanh nghiệp dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh như điện, nước… cả trong và ngoài khu vực nhà nước (các doanh nghiệp xã hội hoá) để khắc phục tình trạng lợi dụng độc quyền ngành, độc quyền cung ứng sản phẩm để bắt chẹt người tiêu dùng. Tạo môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng để phát triển kinh tế tư nhân. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành kinh tế theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô.

- Định hướng phát triển công nghệ, kinh tế số

Đối với ngành công nghiệp, chú trọng đổi mới công nghệ các ngành, các cơ sở sản xuất công nghiệp đã có. Đối với những ngành, những cơ sở đầu tư mới nhất thiết phải kiểm soát đảm bảo trình độ công nghệ khá trở lên; kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư mới với công nghệ thấp hoặc đã lạc hậu. Nâng cao năng lực tiếp cận, hấp thụ, cải tiến và nâng cao công nghệ của các doanh nghiệp. Đối với ngành dịch vụ, phát triển các ngành, các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đa lĩnh vực, đa trình độ nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh, triệt để khai thác tiềm năng nói chung của ngành dịch vụ Thủ đô, đặc biệt là dịch vụ văn hoá, khoa học - kỹ thuật, du lịch… Định hướng phát triển kinh tế số: Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh; khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh mới. Triển khai phát triển các công cụ, nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo mô hình xã hội hóa; duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%.

- Định hướng tăng trưởng các ngành kinh tế

Cần chú trọng đầu tư, thúc đẩy các ngành đã được lựa chọn ưu tiên phát triển nhanh và bền vững, ví dụ như: Công nghiệp điện tử, Cơ khí chế tạo, Kinh tế số, công nghiệp sản xuất vật liệu mới; Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Dịch vụ du lịch, văn hóa, nghệ thuật; Dịch vụ y tế; Dịch vụ giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; Chủ động điều chỉnh hợp lý tốc độ tăng trưởng các ngành không thật phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu, các ngành trước mắt có thể đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhưng không đem lại hiệu quả về mặt dài hạn, thậm chí có tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành khác và làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Dương Thu Phương (Tổng hợp)
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.