Thứ Bảy, 05/03/2016 13:00

Không để thiệt hại do sạt lở trong mưa lũ

Chủ động ứng phó với diễn biến xấu do thiên tai, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện A Lưới đã phân định các địa bàn có khả năng ảnh hưởng với các mức độ khác nhau như khu vực dự kiến xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ngập sâu và khu vực có thể xảy ra dông, lốc... Đây là căn cứ để các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp thực tế.

Nam Đông chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đấtKhẩn trương tái định cư vùng lũKênh mương thủy lợi sạt lở, xuống cấp

Năm nay, các địa phương ở A Lưới chủ động triển khai kế hoạch phòng tránh bão lũ, đảm bảo phù hợp với thực tế từng địa bàn. Theo đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã vùng xung yếu thường xuyên kiểm tra tình hình, phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, Ban CHQS huyện và các đơn vị biên phòng lập phương án chi tiết sơ tán, bảo vệ dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, có kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn.

Ngành chức năng huyện A Lưới tăng cường kiểm tra các công trình hồ thủy điện trước mùa bão lũ

Do yếu tố địa hình, bão lũ thường chia cắt, cô lập địa bàn, rất khó tiếp cận khi mưa bão xảy ra, UBND xã Hồng Thủy tích cực tuyên truyền vận động từng gia đình, từng cộng đồng, thôn, bản tiến hành kiểm tra, giúp nhau tự chuẩn bị về nhu yếu phẩm dự phòng, giằng chống nhà cửa, phương tiện cứu sinh, chỗ sơ tán khi cần thiết.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, ông Bùi Viết Dũng khẳng định: Chính quyền địa phương bám sát kế hoạch của huyện, chỉ đạo BCH Quân sự xã phối hợp chặt chẽ với trạm y tế, trường học, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn có phương án cụ thể để sơ tán khẩn cấp các hộ dân ở các thôn vùng ven sông suối để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm, các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão, gây chia cắt là dọc tuyến QL 49A, tuyến đường Hồ Chính Minh; các điểm đèo Pê Ke thuộc xã Hồng Thuỷ, dốc A Năm ở xã A Roàng và đoạn từ xã Hương Phong đến xã Hương Lâm; nguy cơ sạt lở đất ven sông tại các xã Hồng Thủy, Hồng Kim, Hồng Quảng, Hồng Thái, Sơn Thuỷ... Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện tăng cường kiểm tra tình hình tại các địa bàn xung yếu để có phương án đảm bảo trước, trong và sau bão, lũ.

Xác định công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét là nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, đơn vị lập phương án chi tiết sơ tán, di dời 335 hộ dân với 1.572 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn như trụ sở cơ quan, nhà họp thôn và trường học nơi gần nhất khi có tình huống, đảm bảo không để xảy ra thiệt hại do sạt lở trong thiên tai.

Tại các điểm xung yếu trên tuyến QL49 dự báo sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở gây chia cắt khi mưa lũ lớn, các ban, ngành chức năng huyện cùng phối hợp với Hạt quản lý đường bộ A Lưới chuẩn bị tăng cường phương tiện xe múc, máy ủi cùng nhân lực sẵn sàng ứng trực tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở trên tuyến QL49, nhằm đảm bảo thông suốt giao thông trong tình hình mưa lũ.

Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ A Lưới Lê Gia Định cho biết: Đơn vị đã xây dựng phương án tăng cường ứng trực tại các vị trí từ km72 đến km76 trên tuyến QL49A thuộc khu vực đèo A Co và các vị trí xung yếu trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới để chủ động ứng phó với diễn biến xấu do thiên tai gây ra.

Ông Hồ Văn Ngưm thông tin, các địa phương đang khẩn trương kiểm tra tình hình sản xuất ở các diện tích gần sông, suối có khả năng sạt lở, bồi lấp để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho người dân thu hoạch mùa vụ. Cùng đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống chuồng trại, bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra các hộ dân sinh sống ở khu vực gần núi hay vùng thấp để có phương án di dời đến nơi an toàn trước dự báo lũ quét, sạt lở, nhất là đối với các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông A Sáp, Tà Rình và Sông Bồ...

A Lưới đã chuẩn bị phương tiện, thiết bị ứng cứu phân bổ về các xã như áo phao, phao cứu sinh, bao tải, rọ đá, cuốc xẻng... để chủ động tại chỗ; dự trữ 25 tấn gạo, 50.000 gói mỳ tôm, 10.000 lít xăng, 5.000 lít diezel và 3.000 lít dầu hoả. Các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trang bị 6 nhà bạt, huy động trên 15 ô tô, 5 xe tải, gàu múc và máy ủi để phục vụ công tác phòng chống, ứng phó thiên tai.

Bài, ảnh: Bá Trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa lớn đề phòng sạt lở
Mưa lớn đề phòng sạt lở

Từ ngày 25-28/2, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn có nguy cơ gây trượt lở vùng đồi núi, ven sông suối và ngập úng vùng trũng.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Triều cường gây khó khăn công tác tiêu úng cứu lúa
Triều cường gây khó khăn công tác tiêu úng cứu lúa

Từ chiều tối ngày 19/2, tàu thuyền hoạt động trên vùng biển và vùng biển ngoài khơi tỉnh chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ triều cường sạt lở tiếp diễn vùng ven biển các địa phương.