Thứ Ba, 20/09/2011 11:21

Ký ức giếng làng

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê, cuộc sống gắn liền với cái giếng làng. Giếng đã trở thành mạch sống cho bao người từ ăn uống, tắm gội… cho đến giặt giũ áo quần. Thời ấy, bất cứ chuyện gì xảy ra trong làng, mọi người đều biết cả vì giếng làng luôn là nơi khởi nguồn những câu chuyện vui buồn của cả làng trên, xóm dưới. Giếng làng luôn gần gũi với mọi người, song luôn được mọi người kính trọng và bảo vệ nghiêm ngặt, bởi cho rằng mạch giếng tốt không phải nơi nào cũng có, hay chuyện đặt vị trí giếng cho cả làng cũng đã được người xưa nghiên cứu rất kỹ về phong thủy, địa lý. Ở làng tôi, hễ nhà nào có đám tang, nếu quan tài đi qua giếng làng, ắt có người ra giếng dùng tấm gót để che miệng giếng tránh uế tạp cho giếng làng…

Thời gian thấm thoát qua mau, cuộc sống thay đổi, kinh tế phát triển, nước máy đã về tận thôn, xóm và từ đó, chiếc giếng làng đã bị lãng quên, có những chiếc giếng lâu không dùng đến đã bị cát vùi lấp, có giếng chỉ còn chơ vơ cái thành giếng to tròn làm bằng gạch thẻ xưa, nước đã cạn kiệt... Cũng từ đó, cuộc sống xóm làng dần đóng kín, nhà ai biết nhà nấy, ít quan tâm đến nhau, không khí trong làng dần nguội lạnh. Giờ trở về làng, những người như tôi, lớn lên học tập, làm việc, rồi lập gia đình và định cư ở thị thành thật buồn tẻ bởi chiếc giếng làng nay đã không còn nữa. Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên lân la bên giếng làng dù giờ đây chỉ còn sót lại miệng giếng bị vùi lắp.

Tết năm nay, gia đình tôi về quê, một ký ức tràn về khi tôi gặp lại người bạn thân năm xưa cũng đi xa như tôi cùng nhau nhắc lại chuyện chiếc giếng làng tôi. Hồi ấy, chúng tôi thường dậy sớm để ra giếng vừa múc nước gánh về phục vụ sinh hoạt cho gia đình, vừa kịp tắm gội trước khi đi học. Chuyện bạn bè trong lớp, chuyện học hành, ước mơ tương lai sau này đều đem ra kể, bàn luận sôi nổi bên giếng làng. Tôi còn nhớ như in, chuyện bạn tôi ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang, còn tôi thích làm nhà giáo. Thế mà sau mấy mươi năm gặp lại bên chiếc giếng làng năm xưa, bạn tôi đã trở thành một nhà thiết kế thời trang có tiếng tăm ở thành phố Hồ Chí Minh; còn tôi cũng học sư phạm nhưng khi ra trường thì lại làm một công việc khác.

Tâm sự với tôi, bạn tôi nói rằng: “Mình ở xa quê mấy chục năm trời, cuộc sống giờ đây dù khấm khá hơn, hiện đại hơn, nhưng mỗi khi nhớ về quê là nhớ tới chiếc giếng làng mình. Nhưng nay về quê giếng làng đã không còn quả là một điều đáng tiếc. Ước gì giếng làng giờ này vẫn còn tồn tại để mọi người nhớ về nhau nhiều hơn”.

Tôi cũng thầm nghĩ như bạn tôi, giếng làng của chúng tôi không chỉ cung cấp nguồn nước mà còn là nơi gặp mặt, chuyện trò của mọi người; là nơi những khát khao vươn lên trong cuộc sống, là nơi bắt đầu từ những ý tưởng mới hình thành… để từ đó ra đi nhiều người đã thành danh nơi đất khách quê người, được nhiều người biết đến và nể trọng. Tôi vẫn thầm ước ao, nay mai chiếc giếng làng quê tôi sẽ được mọi người cùng đổng lòng, chung sức xây dựng lại để hình ảnh giếng làng luôn gợi cho mỗi một chúng tôi, những người ở quê hay những người đi xa những hoài niệm đẹp.

Gia Hân
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.