xe khách tuyến Huế- Đà Nẵng vô tư đậu đỗ, đón khách ngay gần khu vực trước bến xe phía Bắc
Mất an toàn giao thông
Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, các xe tuyến Huế- Đà Nẵng và ngược lại rời Bến xe phía Nam (thuộc Công ty CP Bến xe Huế), vòng ra QL1A; chạy chậm rồi dừng hẳn để chờ, đón khách, kéo theo nhiều phương tiện xe thồ, taxi chở khách tới. Khi khách có nhu cầu, những xe này sẵn sàng dừng hẳn trong 4-5 phút để các “lơ xe” đón người, bốc dỡ hàng hóa, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).
PV đã có mặt trên xe khách tuyến Huế- Đà Nẵng mang BKS 43S- 9912 khi xe này vừa rời bến xe phía Nam. Khi vòng ra QL, trên xe đã có khá nhiều khách, tuy nhiên, xe này không chạy hẳn mà “rà” dọc QL, cách bến xe chừng 50m dừng lại đón khách. Sau một hồi dừng, tưởng xe tiếp tục hành trình, khi đến đoạn gần cầu vượt Thủy Dương, xe tấp vào mép đường, nổ máy chờ.
Lơ xe rời xe, xuống đường vẫy khách lên xe. Thấy xe dừng lâu, nhiều hành khách nóng ruột yêu cầu nhà xe tiếp tục hành trình thì một lơ xe thách thức: “Không đi thì xuống”. Nhiều hành khách vì muốn êm chuyện nên phải “cắn răng” ngồi chờ.
Trong nhiều ngày, PV bám theo các xe khách tuyến Huế- Đà Nẵng mang BKS 75K-0212, BKS 75B- 00237, khi các xe này vừa rời bến, chạy vòng ra QL tiếp tục “rà” từ khu vực thuộc địa phận TP. Huế về Hương Thủy; dừng, đỗ nhiều lần đón khách, bốc dỡ hàng hóa trong 5-7 phút mà không thấy “bóng dáng” của cơ quan chức năng xuất hiện.
Tuyến đường QL1A đoạn trước Bến xe phía Nam đến quá cầu vượt Thủy Dương có cắm các biển báo cấm dừng, đậu đỗ đón khách nhưng các xe khách vẫn phớt lờ. Trong nhiều ngày có mặt tại đây, PV không ghi nhận lực lượng chức năng tuần tra, xử lý dù các “bến cóc” hoạt động tấp nập.
Ngoài bến cóc, tình trạng xe dù, xe trá hình cũng đang “nở rộ” trong địa bàn TP. Huế. Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe phía Bắc cho biết, vừa qua, các đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe đã đồng loạt có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An phản ánh tình trạng xe cá nhân, xe dù, xe hợp đồng, xe không có luồng tuyến, ngang nhiên hoạt động trong địa bàn TP. Huế gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến thu nhập của các xã viên. Trong đơn kiến nghị, các đơn vị này cung cấp danh sách, BKS của hơn 100 phương tiện xe dù, xe trá hình đang hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Cơ quan chức năng “kêu khó”
Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho rằng, đơn vị chỉ có trách nhiệm quản lý các phương tiện khi còn trong bến, việc xuất hiện các phương tiện lập bến cóc phía bên ngoài thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT). Tuy nhiên, đơn vị đã tiến hành nhắc nhở, chấn chỉnh các nhà xe tuyến cố định này; nếu không chấp hành, cố tình tái phạm sẽ không cho phép đăng tài khi phương tiện rời bến.
Mới đây, Công ty CP Bến xe Huế cũng có tờ trình gửi các cơ quan chức năng và yêu cầu xử lý tình trạng xe dù, bến cóc tái phát trên địa bàn TP. Huế với nhiều hình thức mới hơn là xe hợp đồng, xe du lịch trá hình tuyến cố định làm rối loạn hệ thống vận tải.
Sẽ xử lý “xe đi ké”
“Lực lượng TTGT sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, tiến hành rà soát, sàng lọc các phương tiện đăng thông tin để hoạt động vận tải trên trang mạng xã hội. Theo đó, sẽ căn cứ vào BKS, số điện thoại, luồng tuyến, ngày giờ đi; nếu phương tiện không đăng ký kinh doanh sẽ buộc gỡ bỏ thông tin, tái phạm sẽ xử lý, phối hợp với cơ quan thuế; nếu có đăng ký kinh doanh, phù hiệu... phải thực hiện các nghĩa vụ nhà nước đầy đủ”.
|
Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh TTGT tỉnh (Sở GTVT) cho rằng, hiện nay, lực lượng TTGT đang tập trung xử lý các phương tiện xe dù, bến cóc hoạt động trên địa bàn TP. Huế, chủ yếu ở những điểm nhà ga, bến xe, điểm thường xuyên diễn ra việc đậu, đỗ trái phép; trong đó, điển hình nhất là các phương tiện nhỏ từ 7-16 chỗ. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng xe dù, xe trá hình hiện nay đang gặp một số vướng mắc; cụ thể, phải xác định được xe này đang kinh doanh, hành vi vi phạm là có thu tiền của khách.
Việc chứng minh được có đưa tiền, thu tiền và phải có được phiếu thu tiền giữa nhà xe và hành khách mới có căn cứ xử lý và vấn đề này lực lượng CSGT mới đủ thẩm quyền. Trong khi đó, TTGT hoạt động công khai, dân chủ, không ngụy trang, hóa trang và không có thẩm quyền dừng, đón các phương tiện khi đang lưu thông trên đường, do vậy hạn chế trong việc xử lý dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Lực lượng CSGT mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý tình trạng này.
Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Huế cho rằng, về tình trạng bến cóc xuất hiện trước Bến xe phía Nam, lực lượng CSGT luôn được bố trí một tổ tuần tra lưu động ở khu vực này và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
“Do đây là địa bàn giáp ranh giữa TP. Huế và TX. Hương Thủy nên có sự chồng chéo. Nếu thuộc địa bàn TP. Huế chúng tôi sẽ cho xử lý ngay”, Trung tá Xuân khẳng định.
Đối với các loại xe dù, xe trá hình loại 7-16 chỗ, hoạt động dưới hình thức xe nhà đưa đón người thân, bệnh nhân đang hoạt động trên một số tuyến đường thành phố và khu vực Bệnh viện Trung ương Huế, ông Xuân cho rằng đang tập trung lực lượng để xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đây là các phương tiện chở khách “núp bóng” chở người thân gia đình, chở bệnh nhân vào bệnh viện; cũng có trường hợp xe chở người ốm, người vào khám bệnh thật nên xử lý như thế nào cho hợp tình hợp lý là rất khó.
Bài, ảnh: Huyền Nga