Thứ Năm, 23/11/2017 16:02

Làm được nếu kết nối doanh nghiệp tốt

Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, cơ sở đào tạo đủ khả năng đáp ứng, vấn đề đào tạo sinh viên làm cán bộ quản lý đã đến lúc cần được các trường đại học xem xét kỹ bên cạnh hình thức đào tạo đại trà như hiện nay.

Điểm sáng trong việc tìm nguồn học bổng cho sinh viênTạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyểnTự chủ tuyển sinh không đồng nghĩa giảm chuẩn đầu vàoSẽ có nhiều phương án xét tuyển mới

Sinh viên ĐH Huế làm hồ sơ phỏng vấn tuyển dụng

Doanh nghiệp có nhu cầu

Tại ngày hội việc làm Khoa Cơ khí và Công nghệ Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế vừa qua (14/5), điều bất ngờ là trong hơn 300 chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên thì một số doanh nghiệp lại dành chỉ tiêu ở các vị trí quản lý, thậm chí là tuyển dụng giám đốc nhà máy. Anh Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần Chế biến nông sản TAMICO, cho biết: “Công ty hoạt động đa ngành nghề, mỗi ngành nghề cần một vị trí phụ trách. Kinh nghiệm là yếu tố quan trọng, nhưng với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm lại có những trở ngại trong vấn đề đào tạo. Trái lại, tuyển sinh viên thì có thể đào tạo dần để đáp ứng các mục tiêu, chiến lược lâu dài của công ty”.

Không riêng lĩnh vực nông lâm ngư mà ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có du lịch, doanh nghiệp cũng từng đặt ra nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch, ĐH Huế cho biết, trong những lần kết nối tại các chương trình ngày hội việc làm, doanh nghiệp không ít lần đặt vấn đề về tuyển cán bộ quản lý. Nhu cầu nhân lực ngành du lịch luôn cần đội ngũ trẻ, giàu kinh nghiệm. Những năm qua, nhân lực mảng lưu trú chủ yếu thiếu nguồn quản lý cao cấp, CEO (giám đốc điều hành) của các khách sạn – resort liên doanh hoặc của nước ngoài tại Việt Nam. Việc tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài, dù là người trong khu vực ASEAN thì lương chi trả cho họ cũng khá cao, trong khi các cơ sở đào tạo về du lịch đang thiếu đào tạo đội ngũ quản lý.

Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả, nguyên Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm - người có nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối doanh nghiệp, việc doanh nghiệp tuyển dụng các vị trí quản lý đối với sinh viên không phải là vấn đề khó hiểu, bởi vấn đề trên phần nào có liên quan đến văn hóa doanh nghiệp. Những người có nhiều kinh nghiệm ở các vị trí quản lý tuy có kiến thức, năng lực tốt nhưng sẽ có nhiều cơ hội, có thể nhảy việc nếu tìm được công việc, vị trí tốt hơn. Trái lại, mỗi doanh nghiệp có những định hướng khác nhau, nhưng cần tính ổn định. Việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường rồi đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng, văn hóa doanh nghiệp gắn với những cam kết lâu dài có thể phục vụ cho các mục tiêu phát triển của họ.

Rõ ràng, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu thì các cơ sở đào tạo vẫn đang chỉ tập trung cho hình thức đào tạo đại trà, sinh viên ra trường làm việc nghiệp vụ là điều đáng tiếc. Xét trên nhiều góc độ, trong đó có cả thu nhập sinh viên sau khi tốt nghiệp và thương hiệu của cơ sở đào tạo, việc đào tạo sinh viên ra trường làm cán bộ quản lý nếu đáp ứng tốt có thể mang lại lợi ích cho cả ba bên, từ người học, nhà trường và doanh nghiệp.

Quan trọng là kết nối doanh nghiệp - nhà trường

Đại diện Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm thông tin, năm học 2019 – 2020, tại Khoa Chăn nuôi Thú y bắt đầu chương trình đào tạo sinh viên ra trường làm cán bộ quản lý. So với hình thức đào tạo thông thường, điểm đầu vào sinh viên theo cách đào tạo mới này cao hơn ít nhất 2 điểm, đối với các sinh viên khóa sau, điểm các học phần phải trên 7 và không nợ các học phần đã học. Còn theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, khi triển khai thử nghiệm đào tạo CEO thế hệ mới cần chú ý đến yếu tố ngoại ngữ của sinh viên.

Đầu vào sinh viên là yếu tố nền tảng. Điều quan trọng hơn để làm tốt hình thức đào tạo cán bộ quản lý từ sinh viên, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Nhu cầu thực sự phục vụ cho doanh nghiệp nên ngoài cơ chế đặt hàng từ doanh nghiệp, thì từ hai phía (doanh nghiệp – nhà trường) cần có sự gắn kết trong đào tạo, nhất là trao đổi về chương trình, chuyên gia doanh nghiệp phối hợp giảng dạy và tạo điều kiện để sinh viên thực hành, thực tập quản lý.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho rằng, ngoài việc nghiên cứu những mô hình đào tạo phù hợp, gắn kết doanh nghiệp với nhà trường để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cũng cần đẩy mạnh các câu lạc bộ thủ lĩnh sinh viên bởi từ thực tế, mô hình đó phần nào giúp sinh viên rèn luyện thêm kỹ năng quản lý. Trong mô hình này, chuyên gia từ doanh nghiệp cũng có thể tham gia hỗ trợ.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.