Chủ Nhật, 28/12/2014 05:51

Lan tỏa các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình

Triển khai thí điểm từ năm 2008, đến nay toàn tỉnh nhân rộng được gần 150 mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

Anh Hồ Văn Cường phụ vợ việc nhà

Lan tỏa

Trở lại A Lưới vào đầu năm 2017, thông tin ấn tượng là tất cả các xã, thị trấn tại đây đã thành lập mô hình về PCBLGĐ và duy trì hoạt động tốt. So với 5 năm trước, tình trạng BLGĐ giảm rõ rệt, nhiều cặp vợ chồng trước đây thường xuyên bất hòa, nay trở thành tổ ấm hạnh phúc. Điển hình như vợ chồng anh Hồ Văn Cường, trú tại xã A Ngo. Trước đây, do còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, hai vợ chồng không sinh được con trai, nên anh Cường buồn bã, nhậu say về gây sự, đánh đập vợ. Năm 2002, câu lạc bộ (CLB) Bình đẳng giới (thuộc mô hình PCBLGĐ) ra đời và đến tuyên truyền, vận động. Dần dần, anh Cường hiểu và nhận ra lỗi lầm. “Biết ngày xưa mình làm sai nên bây giờ tôi cố gắng làm ăn, phụ vợ những việc có thể để xây dựng gia đình hạnh phúc”, anh Cường nói.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết, A Lưới từng là điểm nóng về tình trạng BLGĐ. Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần người dân còn thiếu thốn. Năm 2008, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) phối hợp huyện A Lưới triển khai mô hình thí điểm can thiệp PCBLGĐ ở các thôn: A Năm, Kêr, A Hố, Ta Lo, Ka Kú 1 và Ka Kú 2; trong đó, có đầy đủ ban chỉ đạo mô hình, CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm phản ứng nhanh về PCBLGĐ, kịp thời can thiệp, xử lý khi có BLGĐ xảy ra. Sự ra đời của các mô hình giúp tình trạng BLGĐ tại A Lưới giảm mạnh. Chỉ tính tại xã Hồng Vân, năm 2008 có 95 hộ thường xuyên xảy ra BLGĐ thì đến năm 2010 chỉ còn 26 hộ và hiện nay được xem là xã đã đẩy lùi được BLGĐ.

Thành công ở mô hình thí điểm tại A Lưới làm tiền đề cho việc nhân rộng, lan tỏa các mô hình về PCBLGĐ (triển khai năm 2011). Đến nay, toàn tỉnh có gần 150 mô hình đang hoạt động. Tuy nguồn kinh phí hạn hẹp, Sở VH&TT chỉ hỗ trợ mỗi huyện, thị, thành phố 3 triệu đồng/2 mô hình nhưng các địa phương đều chủ động tìm cách nhân rộng mô hình này ở khắp các xã, phường, thị trấn. Đơn cử như huyện Quảng Điền có 39 nhóm phản ứng nhanh can thiệp BLGĐ, thị xã Hương Thủy có 32 CLB gia đình hạnh phúc… Bà Cái Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy cho biết: “Ngay từ năm 2009, khi thấy mô hình ở A Lưới hoạt động hiệu quả, Hương Thủy đã nghiên cứu áp dụng và được người dân hưởng ứng. Hai năm sau đó, tỉnh triển khai nhân rộng, dựa vào lợi thế thực hiện từ trước nên sức lan tỏa tốt hơn. Kinh phí hạn hẹp nên có một số nơi chỉ chú trọng thành lập câu lạc bộ, sinh hoạt với mục đích gặp gỡ, trao đổi qua đó tuyên truyền nhưng cũng cho thấy hiệu quả”.

Duy trì tính bền vững

Hiện nay, hầu hết các hộ dân tham gia sinh hoạt tại các CLB về PCBLGĐ đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt. Tại một số xã, phường, thị trấn, người dân dùng nguồn đóng góp hằng tháng cho các hội viên nghèo vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế; tiền lãi phục vụ hoạt động sinh hoạt của CLB. Bà Hồ Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo (huyện A Lưới) tâm sự: “Người dân ở A Ngo hiểu được đóng góp vào việc xây dựng các CLB về phòng chống bạo lực gia đình là lợi cho họ. Nguồn tiền đóng góp không nhiều nhưng tích tiểu thành đại, vừa giúp được hộ nghèo có vốn làm ăn, lại có tiền lo điện nước sinh hoạt mỗi tháng, có khi đến 2 - 3 lần nên ai nấy đều đồng lòng”.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở VH&TT nhận định, người dân chính là chủ thể trong công tác PCBLGĐ. Nguồn kinh phí Nhà nước có hạn, rất khó để “trang trải” hết từng thôn, xã, do vậy có được sức lan tỏa nói trên cũng nhờ nhận thức và sự đồng lòng của người dân. Đồng thời, cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là những người trực tiếp làm công tác gia đình tại các thôn, bản.

Tuy công tác gia đình đang có nhiều tín hiệu tích cực, song để giữ "đà" hiệu quả thì ngành văn hóa cần có hướng nghiên cứu, khuyến khích, động viên kịp thời hơn những đơn vị làm tốt, cá nhân điển hình, quan tâm những người thực sự nhiệt huyết trong công tác gia đình nhưng đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. “Ở các dịp tổng kết hoạt động cũng có tuyên dương, khen thưởng người làm công tác gia đình giỏi song số lượng còn giới hạn. Nếu ngày Gia đình Việt Nam hay những hoạt động khác có liên quan đến công tác gia đình mà lồng ghép, khen thưởng họ, đồng thời có cơ chế hỗ trợ thì cũng là giải pháp tốt nhằm động viên những người tâm huyết tiếp tục với nghề”, bà Nguyễn Thị Ánh Na, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Vang đề xuất.

Hiện nay, các cơ quan, ban ngành, đơn vị khác trong tỉnh cũng có nhiều chương trình phát triển sinh kế cho người dân, giúp họ thoát nghèo… nhất là các hoạt động của hội phụ nữ, ngành lao động, thương binh và xã hội. Nếu các bên có sự phối hợp chặt chẽ để lồng ghép công tác gia đình thì cũng là một giải pháp lợi nhiều đường. Ngoài ra, ngành văn hóa cũng nên tổ chức nhiều hơn những khóa tập huấn kỹ, sâu cho mạng lưới cán bộ làm công tác gia đình, nhất là ở cấp thôn, bản.

PCBLGĐ là việc làm cần thiết và thường xuyên. Tuy có những chuyển biến tích cực song để duy trì tính bền vững và đẩy lùi mầm mống bạo lực không phải đơn giản. Ngành văn hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến các địa phương để đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình ở từng địa phương.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương
Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương

Hội Phản ứng nhanh (PUN) 75 Huế đã có những tháng ngày xông pha chống dịch đầy hiểm nguy, song rất đáng tự hào. Bước sang tuổi thứ hai, những con người luôn mang tinh thần xung kích tình nguyện ấy vẫn sẵn sàng “đáp lời” khi cộng đồng cần…

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.