Thứ Tư, 28/03/2018 08:11

Lấy thực tế làm thước đo

Trung tuần qua, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã đưa ra lý giải nguyên nhân nhiều cột điện bị gãy trong bão số 5. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi điện là một trong những vấn đề an ninh năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung lý giải nguyên nhân nhiều cột điện bị gãy trong bão số 5

Bão số 5 diễn ra trên đất liền trong tầm hơn 15 phút, với sức gió không mạnh như dự báo nhưng đã làm hàng trăm cột điện bị gãy; trong đó, trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 272 cột. Sự cố gãy cột điện rất may không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nhưng đã gây mất điện kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt cũng như khắc phục hậu quả của cơn bão…

Theo quan sát, các cột điện gãy không đồng nhất quy luật. Cột gãy phần dưới, cột gãy phần giữa; trong đó, nhiều cột không có cốt thép, hoặc sợi thép rất nhỏ và ít, khiến người dân nghi ngờ về chất lượng.

Phía chuyên môn giải thích, cột điện bê tông ly tâm ứng lực, khi sản xuất, cốt thép được căng trước, tạo thành sợi nhỏ; vì vậy, khi cột gãy, cốt thép bị đứt co rút vào trong nên khó có thể thấy…

Điều khiến người dân băn khoăn, thậm chí là lo lắng khi EVNCPC thông tin, sau bão ngành đã rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị… đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu; các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt…

Vậy thì nguyên nhân cột điện gãy do đâu? Theo lý giải của EVNCPC, đa số các cột gãy đều có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột…

Song, nhiều ý kiến cho rằng, lý giải đó mới chỉ thỏa mãn phần nào, bởi hệ thống cây xanh song hành với hệ thống lưới điện vốn đã tồn tại lâu nay, nhất là các tuyến đường trong đô thị; mỗi thứ có mỗi lợi ích riêng, vấn đề phải làm sao để 2 hệ thống này cùng phát triển mà không xung đột, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Sau bão, chúng tôi có dịp khảo sát tại một số tuyến đường và không khó để bắt gặp tình trạng cây xanh cao ngút, cành nhánh đan xen với hệ thống cáp điện. Nếu không may những cây này gãy đổ sẽ kéo căng dây cáp, có thể gây gãy cột điện…

Trước tình trạng cột gãy do bão số 5 trên địa bàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu đánh giá các điều kiện tự nhiên của khu vực miền Trung có khí hậu khắc nghiệt, biến đổi bất thường; đồng thời, EVNCPC đã giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện cụ thể, khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng sẽ tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực.

Mùa mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước mắt, ngành điện cần khẩn trương gia cố lại các cột điện có nguy cơ đổ gãy; đồng thời tiến hành chặt tỉa cây xanh ảnh hưởng đến hành lang lưới điện. Về lâu dài, phải tính đến ngầm hóa lưới điện, nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, bền vững, góp phần tạo mỹ quan đô thị.

Đặng Thành

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Zhi-Shan cam kết tài trợ hơn 57,42 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn
Zhi-Shan cam kết tài trợ hơn 57,42 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn

Chiều 5/1, tại TP. Huế, Văn phòng dự án tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam (gọi tắt Zhi-Shan) phối hợp với đối tác 6 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Ngãi tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, ký kết hợp tác giai đoạn 2023-2025 và kỷ niệm 15 năm dự án (DA) "Làm bạn với sách".

Cung cấp thêm 7 500 vé tàu Tết Nguyên đán đi miền Trung
Cung cấp thêm 7.500 vé tàu Tết Nguyên đán đi miền Trung

Sáng 17/12, Đại diện lãnh đạo Chi nhánh Vận tải Đường sắt Huế thông tin, ngành đường sắt Việt Nam tiếp tục tăng tàu phục vụ Tết dương lịch, bổ sung thêm 7.500 vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đi đến khu vực miền Trung.