Thứ Tư, 11/07/2018 11:59

Lương hưu cho đồng bào dân tộc

Đồng bào dân tộc ở Nam Đông đã biết chắt chiu, dành dụm để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Họ thường chọn mức đóng phù hợp với túi tiền của mình để có một khoản lương hưu khi về già.

Cần quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộĐồng bào dân tộc sẽ mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Tuyên truyền vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện

Trên 50% đồng bào tham gia

Sau khi được tuyên truyền về BHXH, anh Hồ Hồng Lương ở xã Thượng Quảng (Nam Đông) đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, vợ chồng anh có hơn 1ha đất rẫy trồng chuối, cùng với thu nhập của 2 vợ chồng hàng tháng, sau khi trừ chi tiêu, anh tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện. “Tôi thấy mức đóng 138.600 đồng/tháng/người phù hợp với thu nhập nên tham gia với hy vọng về già sẽ có một khoản lương hưu phòng ốm đau bệnh tật, không phiền con cái”, anh Lương chia sẻ.

Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông rất ít, chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên nhiệm vụ trọng tâm của Nam Đông là phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng phong tục tập quán, nhận thức về tích lũy cho tương lai còn hạn chế, kinh tế còn thấp, thu nhập hàng tháng bấp bênh, nguồn thu chính chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và làm thuê nên lâu nay số người dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện còn thấp.

Theo ông Nguyễn Định, Giám đốc BHXH huyện Nam Đông, muốn người dân nhận thức đầy đủ quyền lợi để tham gia BHXH tự nguyện, yếu tố quan trọng là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, phát triển đối tượng. Từ đó, các chỉ tiêu BHXH, BHYT được cụ thể hóa thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền bằng hình thức, phân công địa bàn và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng viên chức và nhân viên BHXH, kịp thời biểu dương và khen thưởng những đơn vị làm tốt, việc xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các đại lý thu BHXH được đặt lên hàng đầu.

Tính đến cuối năm 2020, huyện Nam Đông có 873 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, có trên 50% đồng bào dân tộc. Phải hiểu được địa bàn, nắm chắc đặc điểm của mỗi nhóm đối tượng để tuyên truyền cho hiệu quả. BHXH huyện không tuyên truyền dàn trải mà chú ý đến từng nhóm một trên cơ sở rà soát, phân loại với nguyên tắc “dễ trước - khó sau”, từ những đối tượng đã tham gia tiếp tục tạo hiệu ứng, lan tỏa dần trong xã hội, ông Định, cho hay.

Tin tưởng đại lý

Muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiệu quả, BHXH huyện Nam Đông chú trọng đến việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu, điểm thu, trong đó, chú trọng đến đồng bào dân tộc. Ưu tiên đội ngũ là cán bộ hội, đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hơn ai hết, họ hiểu rõ địa bàn, điều kiện cuộc sống, nếp nghĩ của người dân nên sẽ có cách tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng.

Ở Thượng Quảng, tôi gặp Hồ Thị Dem, hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kiêm nhân viên đại lý thu BHXH. Dem là người dân tộc Cơ Tu, đồng bào tin Dem bởi cách nói chuyện lưu loát, tạo được thiện cảm cũng như sự năng động và niềm nở của em. Tùy từng hoàn cảnh mà Dem có cách vận động, hướng dẫn họ như mỗi ngày tiết kiệm vài ngàn đồng hay khi bán nông sản xong thì trích ngay ra một ít để tham gia BHXH tự nguyện. Mỗi tháng, mỗi năm để dành một ít sau này về già sẽ có lương hưu như những người làm Nhà nước, không phải chật vật lo toan cuộc sống. Dem cứ nói đơn giản, giải thích cặn kẽ, từ từ họ hiểu ra những ưu điểm, lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện và tham gia thôi. Từ tháng 9/2020 đến nay, Hồ Thị Dem đã vận động được 37 trường hợp mua BHXH tự nguyện ở địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc.

Không chỉ là kinh nghiệm của Dem mà hầu hết các đại lý thu trên địa bàn huyện Nam Đông đều tranh thủ vận động người dân tham gia BHXH mọi lúc và mọi nơi theo kiểu “mưa lâu thấm đất”. Ai chưa hiểu rõ thì gửi lại tờ rơi để tranh thủ cầm về nhà đọc nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Nhiều nhân viên nhiệt tình và am hiểu về chính sách BHXH, gần gũi với bà con, có khả năng thuyết trình tốt khi vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Công việc của họ gặp gỡ, giải thích vận động tham gia từng đối tượng, vừa phải tổ chức các hội nghị khách hàng và thường xuyên theo dõi, nhắc nhở người tham gia BHXH tự nguyện thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định.

Rất nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu từ nhiệt tâm và tin tưởng vào đại lý thu. Thậm chí, có nhiều người là hộ cận nghèo cũng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. “Mức đóng cũng khá phong phú nhưng thông thường họ chọn đóng mức cao để sau này có lương hưu ổn định. Cách thức đóng chủ yếu là đóng từng tháng một, đại lý thu hơi vất vả nhưng được cái bà con giữ chữ tín nên đóng đầy đủ”, Dem kể.

Với cách làm nhiệt tình và gần gũi của các đại lý thu và cả hệ thống chính trị ở Nam Đông vào cuộc, hy vọng số những người tham gia BHXH tự nguyện nơi vùng cao sẽ tiếp tục được nâng lên trong thời gian tới. 

Bài, ảnh: Thu Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Không như học sinh người Kinh, trước khi đến trường đa số trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Vì vậy, việc giao tiếp thông thường với giáo viên của các em luôn gặp khó khăn. Việc vận động phụ huynh cho học sinh đến lớp vốn đã khó, để duy trì việc trẻ đi học chuyên cần lại càng khó hơn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để người dân đón tết trong những ngôi nhà mới
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để người dân đón tết trong những ngôi nhà mới

Sáng 06/01, ông Huỳnh Công Quảng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí thường trực Huyện ủy huyện A Lưới đã có buổi kiểm tra tiến độ xây nhà ở của các đối tượng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng ổn định
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng ổn định

Sáng 4/1, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc (CTDT) năm 2022; sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.