Thứ Ba, 09/07/2019 12:56

Lưu dữ liệu hiện trạng cho di sản từ số hóa 3D

Với việc ứng dụng số hóa scan 3D, các công trình kiến trúc của khu di sản Huế được lưu giữ toàn bộ dữ liệu hiện trạng, vừa phục vụ cho công tác trùng tu, vừa tạo ra trải nghiệm mới cho khách tham quan qua du lịch thực tế ảo.

Mở rộng năng lực tiếp cận

Ứng dụng máy móc hiện đại để tiến hành số hóa

Phục dựng không gian chân thực và sắc nét

Trước khi hạ giải trùng tu điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hợp tác với Công ty CP Sao Tháng Tám Việt Nam - AGS Technologies tiến hành số hóa scan 3D toàn bộ hiện trạng ngôi điện này, với mục tiêu áp dụng công nghệ tiên tiến vừa phục vụ cho công tác trùng tu, vừa tạo ra trải nghiệm mới cho khách tham quan qua du lịch thực tế ảo.

Số hóa scan 3D điện Thái Hòa cho phép phục dựng lại không gian ngôi điện chân thực và sắc nét. Dữ liệu về điện Thái Hòa được lưu trữ dạng số có thể dễ dàng chia sẻ với các đơn vị liên quan trong công tác bảo tồn, phục dựng hay nghiên cứu. Từ đây, người quản lý, tu bổ cũng có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi điện Thái Hòa đã hạ giải. Những sai lệch khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh.

Các dữ liệu về điện Thái Hòa cũng được xây dựng thành web tương tác VR tour - chuyến du lịch thực tế ảo phục vụ khách tham quan. Do vậy, trong thời gian điện Thái Hòa đóng cửa trùng tu, du khách vẫn có thể tham quan ngôi điện độc đáo này bằng công nghệ thực tế ảo. Khách có thể tham quan di tích ở bất kỳ đâu thông qua điện thoại, các thiết bị kết nối internet hoặc có thể xem bằng kính VR để có trải nghiệm tốt nhất.

Công ty AGS Technologies số hóa scan 3D điện Thái Hòa

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, số hóa 3D đóng góp vai trò quan trọng trong việc trùng tu điện Thái Hòa cũng như chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu. Bởi, công nghệ 3D thể hiện được từng chi tiết, định dạng được kích thước, họa tiết, hoa văn... phục vụ trực tiếp cho việc trùng tu, giám sát, là tư liệu gốc để đối chứng sau khi hạ giải, tránh sai lệch trong quá trình trùng tu. Cơ sở dữ liệu này còn phục vụ cho việc giáo dục, nghiên cứu, bảo tàng số, du lịch.

Chia sẻ về kỹ thuật 3D, ông Trần Ngọc Bình, Giám đốc vận hành Công ty AGS Technologies cho biết, việc áp dụng công nghệ này được thực hiện thông qua các máy quét 3D. Có thể hiểu đơn giản rằng, máy quét laser 3D sẽ scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập được từ bề mặt của công trình. Bên cạnh đó, sử dụng máy bay không người lái drone để quét các kiến trúc bên trên mà máy quét laser không thể tới. Dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường sẽ được các chuyên gia của AGS chuyển đổi thành các mô hình 3D ảnh thực thông qua các phần mềm chuyên nghiệp trên máy tính, để hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa từ nay sẽ trường tồn trong không gian VR3D. Du khách có thể tham quan di tích ở bất kỳ đâu thông qua cú click chuột.

Tăng khả năng kết nối điểm đến

AGS Technologies là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực số hóa. Tại Huế, ngoài điện Thái Hòa, các công trình mà AGS thực hiện số hóa 3D có thể kể đến: tái tạo cảnh quan 3D ở các khu di tích lịch sử, các địa điểm văn hóa, như cung An Định, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Quốc Tử Giám, lăng Khải Định, Đại Nội; đóng góp vào phát triển 3D đô thị thông minh, địa không gian tại Thừa Thiên Huế; xây dựng 3D trong thực tế ảo giúp truyền thông và phát triển du lịch số tại địa phương… Công nghệ 3D scanning trở thành một công cụ lưu giữ và quảng bá những giá trị lịch sử, nét đẹp kiến trúc công trình thời Nguyễn, hướng đến việc xây dựng di sản số (E- Heritage) cho di sản Huế.

Hiện nay, sự bào mòn của thời gian và tác động của các yếu tố môi trường xung quanh khiến các di tích lịch sử xuống cấp trầm trọng. Các công trình kiến trúc này hầu như không có bản vẽ 2D, 3D và nếu có thì đã bị mất ít nhiều dữ liệu, hình ảnh bị mờ. Vì vậy, việc trùng tu, sửa chữa giữ lại nét đặc sắc của mỗi công trình gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Ngọc Bình nhấn mạnh, 3D scanning là công nghệ tiên tiến nhất thế giới, cho phép phục dựng lại không gian một cách chân thực và sắc nét, giúp lưu trữ dữ liệu công trình kiến trúc cổ vĩnh viễn, đáp ứng nhu cầu phục dựng một cách nhanh chóng, chính xác. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu quảng bá du lịch để du khách khám phá một điểm đến mà không cần dịch chuyển trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tất cả mọi thứ về không gian, màu sắc, hình ảnh đều được tái hiện chính xác 100% khi đưa lên môi trường thực tế ảo. Với 3 chế độ xem, góc nhìn 3D đa chiều xoay 360°, các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết, người dùng có thể chủ động tương tác trực tiếp với không gian không giới hạn và di chuyển đến bất cứ điểm nào, mang đến cảm nhận sống động chân thực.

Hiện nay, công nghệ số đang là xu hướng nổi bật trên thế giới. Với ưu điểm chi phí thấp, thời gian quét và trả không gian 3D nhanh chóng chỉ trong 24-48 giờ, người dùng có thể tham quan, khám phá mọi không gian khác nhau ở bất cứ đâu. Vì thế, công nghệ này tăng khả năng kết nối, cung cấp giải pháp truyền thông, nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa không chỉ cung cấp dịch vụ thuận tiện cho du khách mà còn nâng cao năng lực quản lý, bắt kịp xu thế ngành công nghiệp 4.0, đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện nay đang chịu ảnh hưởng từ COVID-19. Số hóa không chỉ giải quyết vấn đề trải nghiệm từ xa cho du khách mà còn nâng cao giá trị của điểm đến du lịch.

Bài: MINH HIỀN - Ảnh: AGS

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm “sống” không gian di sản
Làm “sống” không gian di sản

Bằng việc giới thiệu các chương trình, loại hình nghệ thuật di sản bên ngoài không gian di tích, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế góp phần làm “sống” không gian thâm nghiêm cổ kính của Hoàng cung.

Chuyện ít biết về đồ án đạt hai giải thưởng kiến trúc
Chuyện ít biết về đồ án đạt hai giải thưởng kiến trúc

Từ ý tưởng đậm chất nhân văn, đồ án “Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho cựu chiến binh” của nữ sinh viên Võ Nhật Anh (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) liên tiếp đạt hai giải thưởng lớn trong nước là Kiến trúc xanh và giải thưởng Loa Thành.

Biệt thự Mai Trang
Biệt thự Mai Trang

Huế vốn nổi tiếng là xứ sở của hoàng mai, nhưng lấy mai làm tinh thần, cốt cách cho kiến trúc xây dựng, không gian sống cũng như đặt tên cho ngôi biệt thự thì có lẽ Mai Trang là nơi duy nhất.

Huế bây chừ
Huế bây chừ

Hồi tôi còn ở Huế, nhớ, để xây trụ sở Ty Kế hoạch đối diện cái cửa hàng Bách hóa tổng hợp thời ấy, người ta phải nhấc lên đặt xuống mãi, vì sợ nó phá vỡ kiến trúc bình lặng và mềm mại của Huế, mà cái thiết kế trụ sở ấy cũng chả to lớn gì?

Cuộc lữ hành bên trong Huế qua tranh
Cuộc lữ hành bên trong Huế qua tranh

Ngắm những tác phẩm trực họa về Huế, người xem như đang đắm chìm trong không gian tuyệt đẹp và như có một “chuyến du lịch thu nhỏ” khi được trải nghiệm những công trình kiến trúc di sản, những góc phố cổ kính, những con đường quen thuộc, rồi những phong cảnh ngoại ô hay làng mạc bình yên…