Thứ Hai, 01/08/2016 08:36

Miên man cùng mâm cỗ tất niên...

Một món ăn có thể “cầm tù” trọn đời một anh chàng, các nàng liệu có quan tâm?...

Bánh Huế: Nghệ thuật của sự khéo léo

Kỹ năng nữ công gia chánh luôn hữu ích, cần thiết cho phụ nữ (Trong ảnh: Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà trong một chương trình dạy món ngon xứ Huế được nhiều bạn nữ quan tâm)

“Con tê, răng không phụ nấu ăn mà chạy lên ngồi đó?”-  Mẹ tôi hỏi khi thấy cô gái út không lo vô bếp mà chạy lên xớ rớ ở nhà trên. “Dạ... bị đuổi.”- Cô em tôi lí nhí trả lời ngượng nghịu. “Đẹp mặt chưa, rứa mà không trẽn à?”. Mẹ mần tới. Cô em đỏ mặt chống chế: “Để đó sẽ  “luyện công’’, năm tới hẳn biết mặt...”.

Cũng như nhiều gia đình khác, tết nào cũng vậy, dịp tất niên là anh em con cháu nhà tôi tề tựu về nhà cha mẹ. Cánh đàn ông có việc đàn ông, cánh đàn bà con gái thì vô bếp, còn lũ con nít thì hò hét thả dàn quanh mấy trò chơi ngày tết... Tất nhiên, “trái tim của sự kiện” bao giờ cũng là chỗ căn bếp. Buồn hay vui, “thất bại” hay “thành công” đều quyết định ở đó.

Thời trẻ, mẹ tôi là tổng chỉ huy. Nay thì nhường bước cho mấy cô con gái, con dâu, bà lui về làm “cố vấn”. Ơn trời, cả mấy chị em ai cũng nấu ăn ngon, người có tay nghề ngon lành nhất làm bếp trưởng, những người khác phụ vào. Rẹt rẹt chừng vài tiếng là đã có mâm cỗ thịnh soạn, đẹp mắt dâng cúng gia tiên. Sau đó thì “thụ lộc”, cả nhà quây quần quanh mâm cỗ tất niên. Và tết bắt đầu...

Trang trí để món ăn không chỉ ngon mà còn đẹp

Với phụ nữ Việt, mà đặc biệt là phụ nữ Huế, nấu ăn là kỹ năng “buộc phải có”. Không biết sách vở chính thống quy định thế nào, nhưng trong dân gian xưa nay, vẫn nghe chữ “Công” đứng vị trí đầu tiên khi nói về “tứ đức” của người phụ nữ: “Công-Dung-Ngôn-Hạnh”.

“Công” đối với người phụ nữ xưa không là cái gì to tát, mà chỉ là nấu ăn, thêu thùa, may vá... Nó được xem là hành trang không thể thiếu cho một người con gái khi bước vào đời để làm mẹ, làm vợ, làm dâu nhà người. Trong một khảo cứu của mình, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (TĐS) đã dẫn sách Giáo nữ di quy xuất bản thời Tự Đức nói về chữ Công đối với người nữ một cách giản dị và dễ hiểu, ấy là: “Chăm lo việc thêu may, đừng ham đùa giỡn. Biết làm món ăn, rượu uống ngon, sạch tiếp đãi khách khứa. Đó gọi là tài khéo léo của phụ nữ”. Trong khảo cứu, TĐS cũng dẫn sách Nữ tắc (Phép tắc cho người phụ nữ) do Trương Vĩnh Ký chép lại diễn giải bằng thơ Nôm mộc mạc, dễ nhớ như sau:

“Miếng ăn chẳng lựa mỹ vì,

Vừa mùi là khéo hảo kỳ chẳng hay.

Biết mùi mặn lạt chua cay,

Làm ăn trong sạch thật này nữ công.

Tảo tần xem việc gia đường,

Vui lòng thành kính đạo thường chớ sai.

Vá may thêu tỉa hôm mai,

Đắn đo kích thước vắn dài kẻo hư.

Hoặc khi khách đến chơi nhà,

Sắm đồ thiết đãi rượu trà hẳn hoi.

Miếng ăn mặn lạt phải coi...”(*)

Thời hiện đại, may vá có thể không còn quá cần thiết nữa vì đồ may sẵn nhiều, các hiệu may đo cũng không thiếu. Riêng về nấu ăn thì có lẽ là chuyện của muôn thuở. Bởi không lẽ hôm nào cả nhà cũng kéo nhau đi “kéo ghế”, đi ăn cơm bụi? Khách khứa hễ đến chơi nhà là phải đi nhà hàng?!! Muôn thuở như vậy cho nên trước đây, trường nữ trung học Đồng Khánh (nay là PTTH Hai Bà Trưng) thường xuyên có giờ nữ công gia chánh - môn học “đặc trưng của trường nữ” và được xem trọng không kém các môn văn hóa khác. Học mà chơi chơi mà học, lại gần gũi, thiết thực nên cô nữ sinh Đồng Khánh nào cũng hết sức thích thú, hào hứng.

Thêu thùa, may vá từng có thời là kỹ năng không thể thiếu của phụ nữ, nhất là phụ nữ Huế

Các chị được dạy là từ những mứt món, bánh kẹo đơn giản cho đến các món ăn cầu kỳ phức tạp, kể cả món Âu. Hết giờ, sản phẩm của ai ngon, đẹp, sẽ được chọn mang lên phòng giáo sư mời quý thầy cô thưởng thức. Ai được chọn thì phổng mũi đến mức “xe tăng chui lọt” bởi đó là một vinh hạnh cực lớn.

Không trách sau này, các o Đồng Khánh đều là những tay bếp cự phách cả. Môn học không chỉ theo các chị để “tề gia nội trợ”, mà có khi còn giúp cho nhiều chị một nghề mưu sinh. Thậm chí, có chàng, chỉ vì cảm một món ăn mà chấp nhận trở thành “tù nhân” suốt đời của người đã nấu cho mình món ăn đó. Lợi hại thế đó, vậy mà bây giờ, có nhiều cô gái trẻ lại ít quan tâm đến chuyện nấu ăn, cứ ỷ vào “ô sin”, vào hàng quán, cha mẹ cũng không thấy vẽ bày nhắc nhở, thật là... bậy bạ hết sức.

Bài, ảnh: SONG AN


(*): “Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm”; Quan niệm của người xưa về Công-Dung-Ngôn-Hạnh; Trần Đình Sơn- NXB Văn hóa-Văn nghệ, tái bản 2017

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rộn ràng tết
Rộn ràng tết

Ai cũng muốn chuẩn bị những gì “xuân” nhất để tết nhà được đủ đầy, tươi mới, như lời ước nguyện thêm một năm mới trọn vẹn, hanh thông.

Gói bánh chưng, mừng sum vầy
Gói bánh chưng, mừng sum vầy

Dịch COVID-19 được kiểm soát, việc đi lại thuận tiện, năm nay nhiều gia đình được quây quần bên nhau. Nếp, lá, đậu, thịt được soạn ra để mọi người gói bánh, cùng sống trong không khí đầm ấm thân thương những ngày cuối năm.

“Ăn ngon, chơi vui, nghe hay” ở phiên chợ tết Gia Lạc
“Ăn ngon, chơi vui, nghe hay” ở phiên chợ tết Gia Lạc

LTS: Suốt cả năm mua bán làm ăn, lẽ thường, tết là các chợ đều nghỉ, bởi ai cũng lo sắm sanh mọi thứ đủ dùng cho những ngày tết, đâu ai đi chợ nữa mà chợ đông. Lại nữa, bà con tiểu thương ai cũng có gia đình, chồng con, cả năm bán buôn, ba ngày tết còn dành cho gia nương nhà cửa nữa chứ... Vậy mà ở Huế, lại có một phiên chợ tết. Rất kỳ lạ nữa là chợ chỉ đông 3 ngày tết, còn rồi thôi. Nghe có vẻ hơi “ngụy tặc”, nhưng mà là có thật 100%. “Ngụy tặc” hơn nữa là phiên chợ này không cốt để bán mua làm giàu làm có, mà chủ yếu để... chơi, mà lấy hên lấy lộc đầu năm. Đó là chợ Gia Lạc - một phiên chợ đẫm chất văn hóa rất riêng của xứ Huế.

Tô điểm sắc màu tết Huế
Tô điểm sắc màu tết Huế

Cùng với công tác chỉnh trang và lập lại trật tự đô thị dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để phục vụ nhu cầu thưởng thức, vui chơi giải trí của người dân và du khách dịp tết cổ truyền, TP. Huế tổ chức Hội Xuân 2023 và các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân trên địa bàn.