Thứ Hai, 26/06/2017 13:00

“Mình chưa phải là người xuất sắc...”

Nỗ lực giúp TS. Hoàng Hữu Tình (Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế) trở thành nhà giáo trẻ tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương năm 2019. Mỗi khi tỏ ý ngợi khen, anh lại khéo léo từ chối: “Mình không phải là người xuất sắc, chỉ cố gắng làm tốt trách nhiệm”.

Nữ Trung tá công an tiêu biểuNgười mẹ thiên sứ

TS. Hoàng Hữu Tình (giữa) được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương

Từ sự thấu hiểu nỗi vất vả

Hỏi về giải thưởng mới nhận được, TS. Hoàng Hữu Tình lại bắt đầu câu chuyện từ những ngày còn phụ bố mẹ ra đồng. Anh lý giải: “Mình lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Bình, gia đình làm nông nên cũng sớm ra đồng từ nhỏ. Thấu hiểu sự vất vả của người nông dân, từ hồi bắt đầu đến trường đã đặt ra quyết tâm học tập”.

Ý định vươn lên tìm một nghề nào đó thật sang, thậm chí là để “thoát” khỏi nông nghiệp thế nhưng chẳng biết duyên hay nợ, đồng ruộng, cây cối lại vận vào cuộc đời của Hoàng Hữu Tình khi anh thi đỗ ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế).

Ở ngôi trường ĐH, Hoàng Hữu Tình trỗi dậy những đam mê nghiên cứu. Dù không còn bắt buộc phải ra đồng, nhưng hình ảnh vất vả của người nông dân lại dội về mỗi khi nghĩ đến, bởi vậy ngoài việc học, anh đặt ra mục tiêu nghiên cứu những giải pháp để hỗ trợ nông dân. Học xong cao học, Hoàng Hữu Tình thi đậu làm giảng viên tại Trường ĐH Nông lâm (năm 2011) và cũng từ đây, anh đầu tư nhiều thời gian cho việc nghiên cứu bên cạnh công tác đứng lớp.

Hướng nghiên cứu của thầy giáo Tình tập trung về sinh học ứng dụng, kể cả quyết định chọn đề tài làm tiến sĩ (năm 2015), trong đó, anh thường triển khai các ứng dụng nghiên cứu côn trùng nông nghiệp, ứng dụng động vật trong quá trình phân hủy rác hay nghiên cứu cây dược liệu… Giơ hai bàn tay chai sần làm minh chứng, anh Tình bảo: “Nghiên cứu về nông nghiệp thì phải trực tiếp vác cuốc ra đồng, nhưng đó đã là chuyện quen thuộc đối với mình nên không hề ngại. Có những nghiên cứu tốn rất nhiều thời gian. Như đề tài “Xây dựng quy trình nhân nuôi ong ký sinh Anagyrus lopezi trừ rệp sáp bột hồng hại sắn”, mình cùng các cộng sự phải trồng mấy nghìn cây sắn để làm vật liệu nghiên cứu. Triển khai dài ngày nhưng mình cũng luôn xác định, muốn tìm ra cái mới phải “cày” như một người nông dân”.

TS. Hoàng Hữu Tình làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Đến nay, tiến sĩ sinh năm 1985 đã có hơn 15 đề tài, dự án nghiên cứu, trong đó từng chủ trì các đề tài khoa học công nghệ cấp ĐH Huế, tham gia các đề tài nghiên cứu liên kết với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (Bỉ), đồng thời từng có đề tài nghiệm thu cấp ĐH Huế đạt loại xuất sắc. Năm 2018, TS. Hoàng Hữu Tình còn đạt giải ba, giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục ĐH toàn quốc” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Làm tốt nhiều vai trò

Không phải ngẫu nhiên, Hoàng Hữu Tình là giảng viên duy nhất ở Huế được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2019. Ngoài nỗ lực trong nghiên cứu, anh phải hội đủ ít nhất 4 nhóm tiêu chuẩn mà đơn vị xét thưởng yêu cầu liên quan phẩm chất đạo đức (tiêu chuẩn chung), chuyên môn, hoạt động phong trào hay các tiêu chuẩn ưu tiên về khen thưởng.

Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” lần thứ nhất năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng vào ngày 18/11, trong đó có 75 cá nhân xuất sắc nhất trong cả nước được lựa chọn để tuyên dương. Ngoài ra, thời gian qua Hoàng Hữu Tình cũng nhận được nhiều khen thưởng của Tỉnh đoàn, ĐH Huế…

Chỉ riêng về chuyên môn, ngoài việc ứng dụng nghiên cứu vào giảng dạy, TS. Hoàng Hữu Tình còn tham gia biên soạn bài giảng sinh học làm tài liệu học tập học phần liên quan ở bậc ĐH. Anh còn tham gia Ban soạn thảo đề án mở ngành sinh học ứng dụng đào tạo trình độ ĐH.

Mỗi khi dành lời ngợi khen, TS. Hoàng Hữu Tình đều lắc đầu, khẳng định mình không phải là người xuất sắc, chỉ cố gắng làm tốt trách nhiệm. Thế nhưng với những nhiệm vụ anh gánh trên vai như giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ, Bí thư chi đoàn cán bộ giảng viên hay trong đời sống là một người chồng, người cha anh đều rất tròn vai. “Mình chỉ được cái nhiệt tình và đã nhận trách nhiệm thì phải cố gắng hết sức. Thực sự, mình được gia đình, đồng nghiệp ủng hộ mới hoàn thành được mọi công việc. Điển hình như mỗi đợt tình nguyện hè, đi xa phải ở lại đến 9 ngày, 9 đêm, nếu không có vợ con thông cảm, đồng nghiệp hỗ trợ thì chắc chắn sẽ không làm tốt được”, anh Tình giải thích.

Nhắc đến Hoàng Hữu Tình, PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế tấm tắc, cho rằng, đó là giảng viên trẻ nhưng rất năng động và tâm huyết cả về hoạt động giảng dạy lẫn nghiên cứu, phong trào tình nguyện. Bất cứ vai trò nào, kể cả giáo viên cố vấn học tập, thời gian qua giảng viên sinh năm 1985 cũng đều làm tốt.

Tuy được nhiều lần khen thưởng, nhưng Hoàng Hữu Tình luôn tự dặn mình, tự mãn thì sẽ dễ gặp thất bại. Mỗi khi kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, anh đều không quên để lại lời nhắn nhủ, bản thân đang còn trẻ và phía trước vẫn là những ngày phải cố gắng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương
“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương

Đã có những khoảng lặng rất lâu sau khi tôi đọc các bài báo viết về những bông hoa đời thường đăng trên Báo Thừa Thiên Huế. Dòng chảy cuộc sống với bao bộn bề lo toan, nhưng có những con người vẫn như con ong lặng lẽ hút mật dâng cho đời. Với họ, sống là để cho đi…

Bí thư chi bộ đảng xuất sắc
Bí thư chi bộ đảng xuất sắc

Bí thư Chi bộ 9 thuộc Đảng bộ phường An Hòa (TP. Huế) Hà Văn Báu là 1 trong 20 đảng viên đến từ các chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy Huế vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc 5 năm liền, giai đoạn 2015 – 2020.

“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới
“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới

Trong con mắt đồng nghiệp, bạn bè và người dân trên địa bàn, chị Phan Thị Hương (tổ 2, tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới) là “kiện tướng nông dân” nơi xã biên giới còn nhiều khó khăn.

Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý
Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý

30 năm tuổi đời, người phụ nữ dân tộc Tà Ôi Hồ Thị Tường có 8 năm tuổi Đảng và 7 năm giữ vai trò trưởng thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới). Tháng 2/2020, Tường là một trong số đảng viên trẻ tuổi nhất được Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.

42 lần hiến máu tình nguyện
42 lần hiến máu tình nguyện

“Phường thông báo nguồn máu để cứu sống các bệnh nhân đang thiếu hụt trầm trọng do dịch COVID-19, tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đó để chung tay chống dịch và tôi chọn đi hiến máu. Đây là lần hiến máu thứ 42 của tôi”, chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài, hội viên phụ nữ tổ 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hòa, TP. Huế chia sẻ.