Thứ Bảy, 25/08/2018 06:45

Mô hình nuôi tôm trên cát an toàn cho lãi cao

Với diện tích lớn nuôi tôm trên cát đến 500 ha nhưng phần lớn nuôi theo hộ cá nhân, chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị nên bấp bênh. Mới đây đã xuất hiện một số mô hình, công nghệ mới mang tính bền vững.

“Cải tổ” nguồn nước nuôi tômHợp tác nuôi tôm an toànChủ động nguồn điện cho tôm nuôi trên cát

Nuôi tôm trên cát ở Quảng Công (Quảng Điền)

Mô hình mới, lãi cao

Từ khi nhận ra nguyên nhân ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ông Hoàng Vinh ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ. Cứ 2-3 ao nuôi tôm thương phẩm có một ao lắng xử lý nước; từ đó chấm dứt tình trạng đưa nước biển trực tiếp vào ao hồ, hoặc trực tiếp xả nước trong hồ ra môi trường.

Nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi được ông Vinh cho lắng lọc, xử lý môi trường tại ao chứa, đồng thời thực hiện nuôi tôm thẻ theo hai giai đoạn “ương dưỡng và nuôi thương phẩm”. Giống tôm sau 30 ngày ương dưỡng, theo dõi, kiểm dịch, xử lý các mầm bệnh, đảm bảo an toàn mới chuyển vào ao nuôi. Với việc thay đổi phương thức nuôi tôm, từ hai năm nay, mô hình nuôi tôm của ông Vinh với 4 ha (14 hồ) đều đạt năng suất bình quân 15-20 tấn/ha/vụ, lãi 2-3 tỷ đồng/vụ.

Cuối năm vừa qua, mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn của ông Đặng Phước Hoàng ở xã Điền Lộc (Phong Điền) được ngành thủy sản đánh giá mang lại hiệu quả, phù hợp với quy trình nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển. Trước đây, ông Hoàng nuôi tôm bằng ao vuông diện tích lớn thường dịch bệnh, thua lỗ; sau khi tham quan, học tập ở các tỉnh phía Nam, ông chuyển sang nuôi bằng ao tròn với diện tích nhỏ gọn được thiết kế đặt trong ao nuôi cũ.

Ông Hoàng cho rằng, với diện tích ao nuôi nhỏ khoảng 500m2 dễ quản lý tôm nuôi, xử lý môi trường, nguồn nước, các loại chất bẩn, chất thải trong ao… Điều này không chỉ hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn giảm chi phí đầu tư. Mô hình nuôi tôm bằng ao tròn với diện tích nhỏ có thể nuôi được 3 vụ/năm, kể cả vụ hè. Sản lượng mỗi ao 500m2 ước đạt chừng 2-2,5 tấn, tương đương hoặc cao hơn nuôi ao vuông 0,5 tấn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh, ông Châu Ngọc Phi thông tin, ngoài các mô hình mới của hộ dân, hai năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của TTKN Quốc gia, TTKN tỉnh đã triển khai một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP tại vùng cát ven biển Ngũ Điền và Phú Lộc. Kết quả, sau gần 4 tháng nuôi với mật độ thả giống 80 con/m2, năng suất đạt trên dưới 15 tấn/ha, lãi bình quân 300-400 triệu đồng/ha/vụ.

Cần liên kết, hợp tác

Theo ông Hoàng Vinh, người nuôi cần thay đổi tư duy, nhận thức, có sự hợp tác, thống nhất trong quá trình nuôi. Các hộ chấm dứt tình trạng đến vụ nuôi, người thả giống trước, người thả sau dẫn đến hồ thì thu hoạch sớm, hồ thu muộn. Thực tế, các hồ thả sớm, thường sau khi thu hoạch xong liền thả giống nuôi vụ mới, trong khi nhiều hồ thả muộn vẫn chưa thu hoạch. Khi hồ vừa thả giống vụ mới không may xảy ra dịch sẽ lây lan sang hồ chưa thu hoạch gây thiệt hại rất lớn.

Do không có quỹ đất, trong khi nhu cầu nuôi tôm rất lớn, đến nay phần lớn các hộ đều không có ao lắng, xử lý môi trường nước an toàn trước khi đưa vào nuôi. Hoặc sau khi thu hoạch xong, nước trong hồ đều xả trực tiếp ra các kênh, ra biển. Đây là yếu tố mất an toàn, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Theo kinh nghiệm của ông Vinh và một số hộ nuôi an toàn, mỗi hộ cá nhân, nhóm hộ cần có sự hợp tác, liên kết, “dồn điền đổi thửa” để xây dựng ao lắng, xử lý môi trường nước, ương giống theo quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn, bền vững.

Dù trải qua nhiều vụ nhưng đến nay phần lớn người nuôi tôm chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật phòng ngừa, xử lý dịch bệnh, khi xảy ra dịch xem như mất trắng. Các hộ còn lạm dụng kháng sinh, hóa chất ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tại các vùng nuôi ở Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc… tập trung nhiều ao hồ, diện tích lớn nhưng chưa có trạm bơm điện phục vụ cấp, thoát nước. Hệ thống kênh mương còn thiếu, chưa bài bản, các hộ thường gặp khó khăn, mất nhiều thời gian cho quá trình cấp, thoát nước dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Khi xảy ra dịch bệnh, việc chậm xử lý nguồn nước trong ao có nguy cơ lây lan nhanh sang các ao hồ khác.

Trong khi nuôi tôm trên cát còn gặp nhiều vấn đề, hạn chế, số vụ đạt năng suất, sản lượng cao khá hiếm thì giá cả có lúc quá thấp khiến các hộ nuôi càng bấp bênh. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang xúc tiến thành lập hợp tác nuôi trồng thủy sản nhằm đầu tư liên kết nuôi tôm trên cát theo chuỗi giá trị, đảm bảo năng suất, chất lượng và đầu ra sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Hiện toàn tỉnh có hơn 500 ha nuôi tôm thẻ trên cát, so với diện tích quy hoạch 1.000 ha. Sản lượng năm 2020 khoảng 4.500 tấn, chiếm khoảng 27-28% so với tổng sản lượng thủy sản, chiếm 61% so với sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang, tiềm năng nuôi tôm trên cát ven biển của tỉnh rất lớn nhưng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như hạ tầng chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Ngành nông nghiệp đang triển khai các biện pháp đầu tư, hỗ trợ từng bước nhân rộng mô hình nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghệ cao, an toàn, bền vững. Trước mắt, đề xuất tỉnh, các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu; khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân liên kết đầu tư mô hình công nghệ cao, theo chuỗi giá trị...

Ông Văn Kim Tiêu, Phó Giám đốc TTKN Quốc gia cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh miền Trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các cơ quan quản lý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp về sản xuất, cung ứng giống; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư; quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; các giải pháp phát triển thị trường và xúc tiến thương mại…

Bài, ảnh: Hoàng Thế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa
Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa

Sáng 23/2, Dự án (DA) Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (được tài trợ bởi Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thông qua WWF-Nauy) và Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh chính thức phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa- Huế 2023” (Cuộc thi) với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) tại TP. Huế.

Hạt vi nhựa đã lấn sâu
Hạt vi nhựa đã lấn sâu

Lần đầu tiên, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong mô tĩnh mạch của con người. Tôi đọc thông tin này trên báo Tin tức điện tử và ngay lúc đó, là nỗi bất an cảm thấy.

Tranh biện giao thông xanh dành cho sinh viên
Tranh biện giao thông xanh dành cho sinh viên

Đó là nội dung cuộc thi do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp & Nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức các vòng sơ khảo ở ba khu vực bắc, trung, nam từ 8/2-15/3; trong đó tại khu vực miền Trung sẽ tổ chức tại TP. Huế vào ngày 6/3. Vòng chung kết sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15/3.