Thứ Tư, 02/09/2015 14:47

Mỗi người dân là một chiến sĩ biên phòng

Từ phong trào "Ngày Biên phòng toàn dân", các cấp, các ngành và địa phương đã chung tay xây dựng, bảo vệ biên giới bằng những mô hình, việc làm thiết thực.

Vững biên cươngCông viên chiến sĩ - góc thư giãn sau giờ huấn luyệnChiến sĩ biệt động kể chuyện giải phóng Phú VangĐi qua hai cuộc chiếnTưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong Trại giam Phú Quốc

Xây dựng "lũy thép" biên phòng

Trong gần 30 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các chủ trương của địa phương vào thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, đối sách trong phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, an ninh vùng biển, bảo vệ tài nguyên và lợi ích quốc gia trên biển, xây dựng nên lũy thép biên phòng toàn dân vững chắc.

Đồng bào A Lưới cùng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Bá Trí

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp hoạt động với các ban, ngành cấp tỉnh; giữa Đảng ủy Biên phòng tỉnh với các huyện ủy, thị ủy có địa bàn biên giới; cấp ủy các đơn vị Biên phòng ký kết quy chế phối hợp với Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới nhằm kịp thời trao đổi thông tin, tình hình và xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra tại địa phương. Qua đó, tại từng khu dân cư vùng biên giới, ban công tác Mặt trận và các thành viên cùng BĐBP tổ chức các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau bảo vệ an ninh biên giới; phối hợp mở lớp truyền thông, giúp bà con hiểu về những thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết, hoạt động xâm canh, xâm cư, xâm phạm lãnh hải… để có kinh nghiệm đối phó. Mặt trận các cấp đã triển khai cuộc vận động “Mỗi người dân là một chiến sĩ biên phòng”, với mục tiêu mỗi khi phát hiện dấu hiệu vi phạm chủ quyền, bà con kịp thời thông báo với BĐBP gần nhất, sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Mỗi khu dân cư đều thành lập tổ tự quản xung kích phản ứng nhanh và hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa bàn. Đến nay, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các khu dân cư tổ chức phân giao đoạn đường biên, cột mốc đến hàng ngàn hộ gia đình tham gia quản lý. Gần như toàn bộ đất rừng dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh đều có người dân quản lý, bảo vệ. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm giữ gìn biên cương. Từng nhóm gia đình luôn phối hợp chặt chẽ với tổ tự quản, kịp thời ngăn chặn hoạt động xâm canh, xâm cư trái phép và hoạt động của các loại tội phạm.

Tự quản đường biên, mốc giới

Tuy mới triển khai thực hiện, song mô hình tổ tự quản đường biên, mốc giới của BĐBP tỉnh đã phát huy hiệu quả. Từ mô hình này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tuyến biên giới đất liền trên địa bàn huyện A Lưới có 85km đường biên. Do vậy việc xây dựng, củng cố các tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự được địa phương hết sức quan tâm. Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, cùng với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành của địa phương đã hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước tự quản. Những thôn, bản đã có quy ước tự quản về đường biên, cột mốc biên giới thì bổ sung thêm nội dung tự quản về an ninh trật tự. Các nội dung tự quản trong quy ước, hương ước đều được lấy ý kiến và phổ biến đến từng người dân, sau đó phát động và tổ chức cho từng gia đình đăng ký thực hiện. Việc triển khai đăng ký tự quản đường biên, cột mốc được thực hiện ngay trên thực địa với sự chứng kiến của đại diện đồn biên phòng, cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ thôn và chủ hộ trong từng cụm dân cư.

Đến nay, 100% thôn, xóm biên giới đều ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện phong trào tự quản. Ngoài ra, lực lượng biên phòng còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã xây dựng các tổ phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; giáo dục người thân thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội.

Tạo sức mạnh tổng hợp

Việc huy động các cấp, các ngành và Nhân dân vùng biên giới tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp củng cố nền biên phòng toàn dân vững chắc. Trong đó, mô hình phối hợp giữa BĐBP tỉnh - Hội Nông dân tỉnh - Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã góp phần quản lý tốt các hoạt động của tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy hải sản và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển, đảo... 5 năm qua, với sự phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương, lực lượng biên phòng tỉnh đã phát hiện, điều tra xử lý 1.232 vụ, với 1.898 đối tượng, đấu tranh phá 3 chuyên án, bắt 12 đối tượng; tuyên truyền vận động Nhân dân tự giác giao nộp 155 khẩu súng các loại và nhiều vật liệu công cụ hỗ trợ; phối hợp tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, quán triệt về biên giới, biển - đảo, về thực hiện các chương trình quốc gia tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc trong tình hình mới, BĐBP tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, các lực lượng và quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, tiến hành sơ kết 10 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” từ cơ sở; tổ chức vận động các bản, làng, hộ gia đình sinh sống, làm ăn, sản xuất sát đường biên giới phát huy tinh thần làm chủ, tự giác tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc. Tích cực vận động quần chúng trong khu vực biên giới tham gia bảo vệ an ninh, trật tự thôn xóm, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị tại các thôn, bản khu vực biên giới.

Đại tá Lê Văn Nguyên

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh

  Ý kiến bình luận