Thứ Hai, 12/05/2008 05:02

Món ngon nhớ mãi

Nhớ hồi anh Đoàn Ngọc Phú còn làm Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế, cách nay cũng trên 10 năm, mỗi lần có khách quý từ xa đến, thể nào trong lịch trình đón tiếp của anh cũng có một bữa thưởng thức các loại bánh Huế. Sau này, nhiều lần đi công tác xa ghé thăm báo bạn ở các địa phương, tôi giật mình khi có người cứ hỏi và nhắc mãi về những quán bánh ở Huế với một ấn tượng đẹp. Họ thích thú về không gian vườn của nhà hàng. Họ ngạc nghiên về sự phong phú của thực đơn, về sự dụng công của người chế biến, giá cả lại rẻ một cách lạ lùng, và tất nhiên là rất ngon. Nghe bạn khen mà tôi mừng thầm. Có nhiều món ngon là niềm vui cho những ai sinh ra ở vùng núi Ngự, sông Hương. Tự đáy lòng mình, tôi cảm thấy rất biết ơn những con người như anh Phú đã biết quảng bá bằng một “kênh” rất đặc biệt về đặc sản của xứ mình. Chợt nhớ, ai đó đã nói rất thâm trầm và rất chí lý, rằng “món ngon nhớ mãi”.

Hôm mới rồi, tôi ngồi đọc lại cuốn “Chuyện khảo về Huế” của anh Trần Kiêm Đoàn, một Việt kiều là người Huế quê mình đang ở Mỹ. Thử làm một phép thống kê, mới hay trong 10 bài viết của ông Đoàn mà tôi cảm nhận là những hoài niệm khó quên của một người con xa xứ thì đã có đến 5 bài lấy cảm hứng từ những đề tài về các món ăn của Huế: Cơm Huế, bún bò, chè Huế, cơm Âm Phủ và mắm ruốc. Toàn những món ăn bình dân và rất đỗi quen thuộc nhưng qua mô tả và sự biểu cảm của Trần Kiêm Đoàn khiến tôi cũng cảm thấy nôn nao trong dạ. Chẳng hạn như bây giờ đây, khi đang ngồi viết những dòng này, vào một buổi sáng Huế mưa dầm dề và lạnh, chợt thấy thèm sao một tô bún bò hay đọi bánh canh hôi hổi nóng.


Bánh bèo, một trong những đặc sản xứ Huế. Ảnh: naungon.com
 
Giá trị của ẩm thực Huế lại một lần nữa được nhìn nhận khi Festival nghề truyền thống Huế năm 2011 chọn chủ đề: “Bếp Việt trong vườn Huế”. Một Festival có sự góp mặt của ẩm thực từ nhiều vùng đất khác nhau thực sự là sự tôn vinh dành cho những món ngon xứ Huế. Đất Chiêm Thành xưa, đất Thần kinh, đất đế đô một thời đã góp phần hội tụ về Huế những của ngon, vật lạ của cả mọi miền là chuyện tất nhiên. Thế nhưng, cũng chính khí hậu, thổ nhưỡng đất đai và kiểu thời tiết lạ lùng của một vùng đất có sự giao thoa và đan xen giữa 2 miền Nam - Bắc đã góp phần hình một tính cách Huế không hề lẫn lộn. Tính cách đó vận vào trong cuộc sống đã hình thành nên một nét văn hoá giàu bản sắc, đặc biệt là ẩm thực. Trước hết, đó là sự phong phú đến bất ngờ. Cuốn sách dạy nấu ăn của bà Hoàng Thị Kim Cúc ở Vỹ Dạ, người khơi nguồn cho bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử, đã giới thiệu công phu có đến 60 thực đơn bốn mùa với 600 món ăn nấu theo lối Huế (125 món ăn chay, 300 món ăn mặn, 175 thứ chè, cháo, dưa, mắm…). Sau đó là những đặc trưng nổi bật mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia ẩm thực hàng đầu, món ngon xứ Huế là món ngon Chăm xưa kết hợp với món ngon Việt, món ngon dân gian Huế và món ngon cả nước, do giao lưu, hoà quyện với linh khí đất Thuận Hoá mà thành. Cuối cùng, không thể bỏ qua là một không gian gắn liền với hình ảnh về nhà vườn xứ Huế ấm cúng và thơ mộng. 
 
Cùng với hình ảnh về nhà vườn, ẩm thực Huế cần được nhìn nhận như một giá trị góp phần hình thành nên bản sắc văn hoá vùng đất cùng với sông Hương- núi Ngự, cùng với kinh thành - lăng tẩm và nhiều giá trị tiêu biểu khác. Đó được xem là một yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hội nhập và phát triển hôm nay.
 
Đình Nam
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.