Thứ Tư, 22/04/2020 06:30

Một quyết định đúng đắn

Đã 61 năm kể từ ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn vận tải biển 759, với nhiệm vụ vận chuyển trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Triển lãm “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và chủ quyền biển đảo Việt Nam”Tàu không số & chuyện về một hoàng thân triều Nguyễn

Những con tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

1.  Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp, tàn sát đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng. Tháng 1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) xác định chủ trương chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Xác định nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài, cùng với việc tổ chức Đoàn 559 mở tuyến vận tải chiến lược trên bộ theo dãy Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759, mở tuyến đường chiến lược quan trọng - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Những ngày đầu hoạt động, vượt qua sự bao vây, lùng sục của kẻ thù, những chiếc tàu vỏ gỗ nhỏ bé đầu tiên của Đoàn 759 thuộc Bộ Tổng Tham mưu (đến đầu năm 1964 đổi phiên hiệu thành Đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) đã được hoán cải thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những tàu đánh cá của ngư dân địa phương để chi viện vũ khí, đạn dược cho chiến trường ở miền Nam. Thành công của những con “tàu không số” tăng cường sức mạnh chiến tranh Nhân dân trên các vùng chiến lược, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong 14 năm (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện được 1.879 lượt tàu thuyền vượt gần 4 triệu hải lý, vận chuyển trên 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và trên 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay và tàu chiến địch.

2. Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển gợi nhớ đến một người con xứ Huế và là một hoàng thân triều Nguyễn – ông Nguyễn Phước Vĩnh Mẫn. Sinh năm 1931, ông là chắt nội của vua Hiệp Hòa. Bố ông là Hoàng thân Bửu Trác, một người kháng Pháp. Các con ông Bửu Trác, như Vĩnh Tập, Công tằng Tôn nữ Băng Tâm, Vĩnh Mẫn đều theo Việt Minh rất sớm. Năm 1948, Vĩnh Mẫn đổi tên thành Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, ông Phan Thắng được phân công Nam tiến cùng với 139 cán bộ Liên khu 4. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1960, là trợ lý giáo dục của Sư đoàn 338 Nam Bộ. Ông cũng từng giảng dạy ở Trường Lục quân và dạy lớp chính trị viên tàu ngắn hạn ở Trường Sĩ quan Hải quân.

Ngày 29/01/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Phan Thắng được Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị tin tưởng bổ nhiệm làm Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 - tức Đoàn tàu không số, một đơn vị tối mật và tối quan trọng. Khoảng năm 1973, ông Phan Thắng là Chính ủy Trung đoàn Cửa Việt - tên một đơn vị trong lực lượng Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đáng nhớ là vào tháng 2/1965, ông Phan Thắng trực tiếp cùng đi trên chiếc tàu không số (mang mật danh 176) do Chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy trong chuyến bí mật chở vũ khí vào Nam. Cùng trong hành trình trên Biển Đông này còn có 4 tàu không số khác. Chỉ có 3 tàu đưa hàng vào Bạc Liêu an toàn. Riêng tàu sắt 176 và tàu gỗ 401 khi đi đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu thì bị địch phát hiện, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát. Sở chỉ huy buộc phải ra lệnh cho quay trở lại miền Bắc. Cả đi và về mất hai tháng lênh đênh trên biển quốc tế, ông say sóng nôn ra mật xanh mật vàng. Say, ngất rồi lại tỉnh, lại nói cười tán chuyện gẫu với anh em thủy thủ.

3. Năm 2008, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập và ngày 23/10/2011, lần đầu tiên, lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể. 61 năm đã đi qua, Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào của Quân đội và Nhân dân Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc; là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo độc đáo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng.

Đan Duy

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hậu phương” vững chắc
“Hậu phương” vững chắc

Đằng sau những bước chân vững chãi nơi “đầu sóng ngọn gió” của lực lượng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biên phòng, là sự đồng hành của “hậu phương” vững chắc - ngành hậu cần.

Chăm lo công tác chính sách hậu phương quân đội
Chăm lo công tác chính sách hậu phương quân đội

Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường kịp thời rà soát, tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà không nhận được sự quan tâm.

Hậu phương của người lính
Hậu phương của người lính

“Đằng sau” những bước chân vững chãi vượt qua bao gian nan và hiểm nguy, để bảo vệ biên cương và bình yên cuộc sống, là sự tiếp sức của hậu phương người lính.